Ảnh minh hoạ.
Thị trường chứng khoán đang giao dịch vào những ngày cuối cùng của năm 2021. Đây có lẽ là một năm không thể nào quên trong cuộc đời của mỗi nhà đầu tư chứng khoán. Vn-Index công phá mốc đỉnh lịch sử 1.500 điểm vào thời điểm tháng 11. Thanh khoản có lúc lên đến hơn 2 tỷ đô, một con số phải nói đúng là như mơ.
Có được tất cả những điều đó là nhờ dòng vốn nội trỗi dậy đổ cuồn cuộn vào thị trường với số lượng nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản liên tiếp lập kỷ lục. Trong tháng 11, nhà đầu tư trong nước mở mới 220.817 tài khoản chứng khoán. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường, bỏ xa kỷ lục cũ.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
Nhà đầu tư mới trên thị trường được gọi là "nhà đầu tư F0", dù trong đó cũng có nhiều người vốn dĩ đã bầm dập với thị trường, kinh nghiệm tham chiến đầy mình cách đây cả chục năm quay lại, song cũng có những nhà đầu tư mới toanh, không kinh nghiệm, không am hiểu tài chính, kiến thức về thị trường là con số 0 tròn trĩnh. Cho nên đã có những chuyện bi hài cười ra nước mắt.
Triệu tập cả họ vì đầu tư tưởng như đánh bạc
Chia sẻ trên một diễn đàn Chứng khoán mới đây, một nhà đầu tư đồng thời là admin diễn đàn, tung hình ảnh một cuộc hội thoại với nhà đầu tư mới. Đoạn hội thoại ghi rõ: "Chị chuyển vô 100 triệu rồi em hướng dẫn giúp đỡ chị nhé F0 lơ mơ lắm. Mà ví dụ giao dịch sau này lãi nghìn tỷ hay vài trăm tỷ chị rút vào tài khoản thì có bị công an điều tra không em, có sợ phạm pháp gì không em?".
Đoạn hội thoại sau khi được tung ra đã nhận được nhiều ý kiến bình luận nhà đầu tư. "100 triệu mơ nghìn tỉ. Dễ chơi vậy thế giới giờ này đang là sao Hỏa", nhà đầu tư nickname Tô Quang Tú viết.
Trong khi đó, đa phần nhắn nhủ rằng thị trường này thật khó, đầu tư 100 triệu chỉ mong rau dưa qua ngày đừng mơ lãi nghìn tỷ. Số khác thì nói rằng mình cũng là F0 và đã bị "vặt sạch tiền", giờ chỉ mong được về bờ mà thôi.
"F0 chơi được 2 tuần chỉ mong lại vài triệu thôi, mà mấy nay đỏ chót, nói gì tới tiền tỷ", nhà đầu tư Nguyễn Quý bình luận.
Câu hỏi có phần ngô nghê của một F0 đích thực.
Anh Đại Dương, một nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc, cũng là F0 trên thị trường, cho biết vốn là dân công trình xây dựng, thời điểm đầu năm dịch Covid-19 giãn cách xã hội các dự án ngừng thi công, anh được một người bạn chỉ cách đầu tư chứng khoán. Thời gian đầu anh bỏ vốn 100 triệu, sau đó thấy số lãi tăng lên gần gấp đôi, anh nạp thêm vào tài khoảng 300-400 triệu nữa để đầu tư, đây là toàn bộ số tiền anh vay họ hàng, bạn bè.
Tuy nhiên, thị trường khốc liệt hơn anh tưởng, đã thế lại đầu tư theo phương pháp ai hô gì mua đó, mua bán nhiều khi như đi chợ, danh mục dài dằng dặc, ba tháng sau, tài sản bốc hơi chỉ còn 300 triệu.
Lo sợ anh đầu tư bất hợp pháp thua lỗ phá sản, bố mẹ anh hoả tốc yêu cầu cả họ họp gia đình để bàn về trường hợp của anh.
"Các cụ ở quê không biết chứng khoán là kênh đầu tư hợp pháp, cứ nhắc đến là các cụ cho rằng tôi đi đánh bạc như mấy thanh niên khác trong làng. Tôi cũng đã phải giải thích rất nhiều, phải đọc báo cho mọi người hiểu, nhưng vì thua lỗ nên cũng chẳng mấy ai tin tưởng tôi cả", anh Dương chia sẻ.
Chị P.Hằng, một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường, chia sẻ câu chuyện về các "chứng sĩ" dí dỏm và sáng tạo.
Theo chị Hằng, trong một room đang bàn rôm rả về đầu tư công rồi mọi người "vote" cổ phiếu nào được hưởng lợi theo thứ tự ưu tiên. Bất ngờ là có một người vote cho cổ phiếu SBT của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hoà chuyên về sản xuất xuất khẩu đường. Thấy lạ nên mọi người hỏi: Ủa SBT sao lại hưởng lợi từ đầu tư công, bạn có nhầm không thì nhận được câu trả lời rất bình tĩnh: "SBT làm đường không hưởng lợi từ đầu tư công thì cổ nào hưởng lợi hả các bác?".
Những câu chuyện tương tự về sự ngô nghê của nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán còn rất nhiều. Chẳng hạn có những nhà đầu tư mới đặt lệnh mua cổ phiếu lúc sáng nhưng chiều muốn bán ngay, nhưng không được lên mạng xã hội hỏi khắp nơi và quay ra "chửi" công ty chứng khoán lỗi giao dịch.
Lại có kiểu một nhà đầu tư được phím mua cổ phiếu SBT, thì nhấn phím mua cổ phiếu STB của Sacombank. Khi thấy mọi người trong room khoe cổ phiếu SBT lên được 5% nhưng thấy cổ phiếu của mình vẫn dậm chân tại chỗ, sốt ruột xem lại mới biết hoá ra mua nhầm.
Thậm chí có những nhà đầu tư mới còn sử dụng bảng giá chưa thạo, bấm bán cắt lỗ lại thành mua thêm trung bình giá khiến tình hình danh mục càng bi đát hơn.
Phải đào tạo để nhà đầu tư không hiểu là "chơi chứng khoán"
Hầu hết những nhà đầu tư F0 trên thị trường đến với chứng khoán vì công việc hiện tại không mang lại thu nhập đủ cho chi tiêu cuộc sống. Bên cạnh đó nhiều người gửi tiết kiệm lãi suất ngân hàng thấp nên muốn đầu tư chứng khoán với mong muốn gia tăng giá trị tài sản.
Nhiều người trong số đó cũng hầu hết được dẫn dắt bởi bạn bè, họ hàng hay những người thân quen với số vốn đa dạng người thì 100 triệu 200 triệu người thì 1-2 tỷ đồng.
"Chúng tôi đang tiếp tục góp ý, sửa đổi với Bộ tài chính để có một thông tư, nghị định có thể áp dụng được trong thời gian sớm nhất, qua đó xây dựng chuyên trang thông tin sẽ làm công cụ chính để cho các nhà đầu tư tham khảo thông tin trên thị trường", bà Vũ Thị Thúy Ngà, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho hay.
Và việc gia tăng nhu cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán của nhà đầu tư là quy luật tất yếu theo sự phát triển của thị trường, giúp chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn của nền kinh tế, san sẻ và hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng.
Mục tiêu của Bộ Tài chính đặt ra, quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030. Số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030. Cơ cấu nhà đầu tư bao gồm tổ chức, chuyên nghiệp, cá nhân và nhà đầu tư trong nước. ngoài nước phát triển theo chiều sâu.
Do đó, điều cần thiết hiện nay đặt ra là các công ty chứng khoán đào tạo cho các nhà đầu tư. "Việc đông đảo nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường là điều rất đáng mừng, tuy nhiên các công ty chứng khoán phải hết sức chú trọng vào việc đào tạo kiến thức cho các nhà đầu tư mới. Thực tế hiện nay, các công ty chứng khoán cũng đang tập trung vào việc đào tạo cho các nhà đầu tư để các nhà đầu tư hiểu rằng, tham gia vào thị trường là "đầu tư chứng khoán" chứ không phải là "chơi chứng khoán".
Điều đó sẽ tạo ra tính bền vững cho sự phát triển của thị trường trong thời gian tới", ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán KB cho rằng, kiến thức nhà đầu tư ngày nay cũng đã được nâng cao lên rất nhiều. Thị trường bây giờ phát triển lên tầm cao mới, nhiều nhà đầu tư có tư duy phân bổ tài sản, ngoài bất động sản thì họ còn đầu tư vào chứng khoán, họ hiểu đầu tư chứng khoán như là làm chủ doanh nghiệp, tư duy tiến bộ rõ rệt, rất mừng.
Chưa kể, thị trường có thêm nhiều sản phẩm phái sinh, chứng quyền. "Nhà đầu tư có nhiều công cụ tham gia thị trường hơn. Họ được tiếp cận thông tư bên ngoài nhiều hơn thì kiến thức nhiều hơn mười mấy năm trước rất nhiều", ông Nhân nhấn mạnh.