Bất chấp những yếu tố vĩ mô không mấy tích cực như GDP quý 3 tăng trưởng âm hay hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam phải dừng hoạt động trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn lên đỉnh ngoạn mục cả về điểm số và thanh khoản.
Động lực chính xuất phát từ dòng tiền từ nhà đầu tư nội cuồn cuộn chảy vào các sàn trong bối cảnh lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp và các kênh đầu tư khác gặp trở ngại do dịch bệnh.
Có thể nói, chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư nhận được sự quan tâm nhất trong tương quan với các kênh đầu tư đại chúng của nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng. Hàng loạt sự kiện chứng khoán năm 2021 đã để lại những dấu ấn nổi bật.
Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán năm 2021 do các thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán bình chọn.
1. Giải bài toán nghẽn lệnh tại HoSE, thanh khoản được cởi trói.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ đã gây ra hiện tượng nghẽn lệnh kéo dài trên HoSE, liên tục gia tăng và đỉnh điểm là việc phải tạm dừng giao dịch trên HoSE vào phiên chiều ngày 1/6/2021.
Theo đúng kế hoạch, sau 100 ngày, ngày 5/7/2021, HoSE đã chính thức đưa vào vận hành giải pháp xử lý sự cố hệ thống giao dịch tại HoSE phối hợp với FPT xây dựng trên nền tảng phần mềm hệ thống của HNX.
Giải pháp mới với năng lực lệnh lên tới 3-5 triệu lệnh/ngày đã vận hành ổn định, mượt mà, giúp "cởi trói" thanh khoản thị trường, liên tục xác lập những kỷ lục mới. Bình quân giá trị giao dịch toàn thị trường trong năm 2021 tại thời điểm 17/12/2021 đạt mức 26.211 tỷ đồng/phiên – mức cao nhất trong suốt 21 năm vận hành thị trường.
2. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu vượt 120% GDP.
Quy mô thị trường cổ phiếu đã tăng mạnh, đạt 122,2% GDP vào ngày 12/11/2021 (tính GDP năm 2020). Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 – 2025, chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, vốn hóa của chứng khoán 120% GDP vào năm 2025, song mục tiêu này đã được hoàn thành trước 4 năm.
3. Hàng loạt biện pháp chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Dù đã giảm bớt sức "nóng" so với năm 2020 nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục bùng nổ trong năm 2020. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính tới tháng 11/2021, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 495.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sức nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2021 chỉ một phần nằm ở khối lượng phát hành, phần lớn lại nằm ở các động thái cảnh báo rủi ro, tăng chất lượng phát hành đến từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Chưa năm nào như năm nay, Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là Bộ Tài chính lại liên tục phát đi các thông tin cảnh báo rủi ro tiềm ẩn của trái phiếu doanh nghiệp tới nhà đầu tư nhiều như thế.
Trên thực tế, kết quả kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp phát hành.
4. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới lập kỷ lục.
Năm 2021 chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng mạnh, lập kỷ lục về thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường. Thống kê đến hết tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới là 2,77 triệu tài khoảng.
Như vậy, riêng trong 11 tháng của năm 2021, đã có hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 1,306 triệu tài khoản, gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020.
5. Quy mô tăng vốn của doanh nghiệp niêm yết cao kỷ lục.
Ước tính năm 2021 đã có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương 102.600 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần.
Nếu các doanh nghiệp thực hiện thành công kế hoạch này, đây sẽ là kỷ lục về lượng vốn huy động thông qua phát hành cổ phiếu trong 1 năm. So với năm 2019, 2020, con số này gấp tương ứng 1,4 lần và hơn 5 lần.
Việc thị trường chứng khoán tăng mạnh từ đầu tư đến nay là cơ hội để nhiều doanh nghiệp huy động vốn nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục.
6. Hoàn thành "giải cứu" Vietnam Airlines
Ngày 7/7/2021, Vietnam Airlines chính thức kỷ kết hợp đồng tín dụng với ba ngân hàng thương mại gồm SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng và chính thức giải ngân vào ngày 20/9/2021.
Cùng với đó, ngày 13/9/2021, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã giải ngân gân 7.000 tỷ đồng mua cổ phiếu tại Vietnam Airline thuộc quyền mua cổ phiếu của cổ đông Nhà nước.
Như vậy. gói "giải cứu" 12.000 tỷ đồng mà Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 đã được hoàn thành việc giải ngân. Việc bổ sung vốn này cũng đồng thời kết thúc sự kiện "giải cứu" một công ty cổ phần lớn nhất từ trước đến nay mà Nhà nước thực hiện trên vai trò là cổ đông chính cùng kỳ vọng giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng do dịch COVID-19.
7. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục.
Bất chấp sự thăng hoa của thị trường, năm 2021 lại là một câu chuyện kém vui của dòng vốn ngoại trên thị trường khi họ lập kỷ lục bán ròng với giá trị thống kê đến giữa tháng 12 sát ngưỡng 60.000 tỷ đồng, chính thức vượt mốc 2,5 tỷ đô la Mỹ.
Mặc dù vậy, điểm đáng mừng là xu hướng bán ròng chính là xu thế chung của nhiều thị trường chứng khoán quốc tế khi đại dịch xảy ra. Đồng thời thị trường vẫn duy trì đà tăng tích cực, khối nội hấp thụ hết lượng bán ra cho thấy tâm lý nhà đầu tư không bị tác động quá lớn.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ cơ quan quản lý, dòng vốn ngoại có rút ròng không đáng kể và thấp hơn nhiều do với những thị trường mới nổi và cận biên khác, mặc dù bán ra những dòng tiền vẫn ở lại Việt Nam và tìm kiếm cơ hội.
8. VN-Index lập đỉnh lịch sử
Năm 2021, Việt Nam hứng chịu tác động mạnh mẽ hơn của đại dịch khiến GDP quý 3 lần đầu tiên tăng trưởng âm 6,17%, tuy nhiên thị trường chứng khoán lại có bước tăng trưởng vượt bậc, đánh dấu bằng sự kiện vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4/2021, sau đó là đỉnh cao mới quanh ngưỡng 1.500 điểm vào giai đoạn cuối năm.
Ngoài ra, thị trường liên tiếp đạt đỉnh cao nhưng mức định giá lại liên tục giảm, do kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết cũng tăng trưởng vượt bậc.
Giai đoạn VN-Index lập đỉnh 1.200 điểm năm 2007, hệ số P/E của thị trường đạt 34 lần, giai đoạn đỉnh 1.200 điểm năm 2018, P/E đạt 22 lần nhưng hiện tại, VN-Index đang dao động quanh ngưỡng 1.500 điểm thì P/E hiện chỉ khoảng 17 lần.
9. 25 năm Ngày truyền thống Ngành Chứng khoán và ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Ngày 28/11/2021, ngành Chứng khoán Việt Nam chính thức trong 25 năm xây dựng và phát triển (28/11/1996 – 28/11/2021). Việt Nam đã tạo lập được một thể chế thị trường chứng khoán đúng định hướng và phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế trong từng thời kỳ, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Một dấu ấn mới của thị trường chứng khoán năm 2021 là vào ngày 11/12/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam cũng chính thức được ra mắt, hiện thực hóa Quyết định số 37 năm 2020 của Thủ tướng Chính Phủ.
Sự ra mắt này sẽ giúp thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường; đặc biệt là góp phần tăng quy mô, vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam.
10. Dấu ấn pháp lý của thị trường
Đầu năm 2021, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và các nghị định hướng dẫn Luật cùng có hiệu lực tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
Dấu ấn chính sách khác của năm 2021 là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố "Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài" vào ngày 31/8/2021.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư thắc mắc khi Nghị định số 31/2021/NĐ-CP chỉ quy định những ngành nghề rất chung chung nhưng danh mục mới kể trên đã giải thích rõ để căn cứ vào đó, các doanh nghiệp biết nới room đến mức nào.