Cơn sốt nhà đầu tư F0 và 'bữa tiệc' chứng khoán bao giờ kết thúc?

Bạch Dương |

"Bữa tiệc" chứng khoán bắt nguồn từ lãi suất thấp, nhà đầu tư F0 và dòng tiền nóng trong những ngày dịch bệnh. Khi "món ngon" còn nhiều, không mấy ai nghĩ tới chuyện "rửa bát"...

Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), lũy kế tới hết tháng 11/2020, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 2,71 triệu tài khoản, tương đương 2,8% dân số Việt Nam.

NHÀ ĐẦU TƯ F0 VÀ THANH KHOẢN KỶ LỤC

Theo VSD, tháng 11, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 41.203 tài khoản. Số tài khoản mở mới trong tháng 11 đã phá kỷ lục mới khi chính thức vượt qua số tài khoản mở mới của tháng 3/2018 là 40.651 tài khoản. Đây là số tài khoản mở mới tăng cao nhất trong 1 tháng kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam được vận hành.

Chiếm phần lớn số tài khoản mở mới là nhà đầu tư cá nhân với 41.080 tài khoản. Chỉ có 123 tài khoản mở mới từ các tổ chức. Nhà đầu tư nước ngoài mở mới 294 tài khoản.

Trước đó, trong tháng 10, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 36.451 tài khoản, tăng hơn 5.000 tài khoản so với tháng 9.

Luỹ kế 11 tháng đầu năm 2020, số tài khoản mở mới trên thị trường Việt Nam đạt hơn 330.000 tài khoản, cao hơn gần 88% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng từ tháng 3 trở lại đây, số lài khoản mở mới đạt 302.000 tài khoản. Thống kê này cho thấy, dịch bệnh bùng nổ cũng là lúc số tài khoản mở mới tăng tốc nhanh chóng.

Cơn sốt nhà đầu tư F0 và bữa tiệc chứng khoán bao giờ kết thúc? - Ảnh 1.

Số tài khoản mở mới tăng vọt trong năm nay, đạt đỉnh điểm tháng 11/2020

Thực tế, VN-Index đã có khoảng thời gian rực rỡ khi đón nhận dòng vốn từ làn sóng những nhà đầu tư F0 (tên gọi chung trên toàn thế giới về làn sóng các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường chứng khoán sau khi dịch bệnh bùng nổ). VN-Index đã chinh phục mốc 1.021 điểm khi phiên giao dịch ngày 4/12 khép lại. Thanh khoản đạt mức gần 10.500 tỷ đồng.

Sự gia nhập bền bỉ của các nhà đầu tư F0 khiến VN-Index sôi động hẳn lên, giá trị giao dịch bình quân của thị trường trong tháng 11 đạt trên 8.000 tỷ đồng. Cá biệt, 24/11 khi thị trường chỉ tăng điểm nhẹ nhưng giá trị giao dịch khớp lệnh trực tiếp trên sàn (trừ thoả thuận) đã lên tới 10.821 tỷ đồng.

Tiền ồ ạt vào thị trường, những ngày đầu tháng 12, VN-Index tiếp tục leo dốc với giá trị giao dịch đột biến, phiên 2/12 thanh khoản đã vượt 14.000 tỷ đồng.

Theo Ðề án Cơ cấu lại Thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 - 2025, mục tiêu tới 2020 quy mô của thị trường chứng khoán đạt 100%GDP và 120% GDP vào năm 2025. Mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt 3% dân số vào 2020 và 5% vào năm 2025.

Nếu thị trường giữ được tốc độ gia tăng nhanh chóng của các tài khoản mới gia nhập sẽ sớm đạt được mục tiêu số lượng nhà đầu tư chứng khoán đạt 5% dân số năm 2025.

Từ tháng 3 trở lại đây, xu hướng các nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán mới tăng vọt. Đây là xu hướng chung bao trùm thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng này. Các nhà đầu tư F0 đã làm thay đổi cục diện của thị trường hoàn toàn, biến những sự u ám trong đại dịch thành những "bữa tiệc xanh" trên thị trường chứng khoán.

Đây chính là nhân tố thúc đẩy sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong đại dịch, bất chấp đà bán ròng gần 11.000 tỷ đồng của nhà đầu tư nước ngoài, tính từ đầu năm 2020.

ĐÒN BẨY LÃI SUẤT

"Tôi có một khoản tiền gửi ngân hàng, mới đây nhà băng đã gửi thông báo hạ lãi suất khoản tiết kiệm của tôi xuống 1,3% và hỏi tôi có muốn gửi tiếp hay tất toán. Tôi đã quyết định tất toán hoàn toàn bởi mức lời gửi tiết kiệm giờ đây quá thấp, và bắt đầu tìm đến các kênh đầu tư mới cho khoản tiền trên, tôi đã rót một chút vào giáo dục và mua cổ phiếu.

Tôi mong sẽ có thể sinh lời hơn lợi tức từ gửi tiết kiệm là ổn, tôi không ham hố phải lãi lớn vì cái gì nhanh quá thường là cạm bẫy lớn", anh Nguyễn Việt Thành (một nhà đầu tư từ Hà Nội) chia sẻ.

Trao đổi với VnEconomy, Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam chỉ ra nhiều lý do kích hoạt làn sóng nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường năm nay.

Ông Minh phân tích, lãi suất đang cực kỳ hấp dẫn, kênh tiết kiệm từ lâu luôn là đối trọng với kênh đầu tư chứng khoán. Xu hướng lãi suất thấp đang bao trùm toàn thế giới, Việt Nam hiện nay cũng có nền lãi suất rất thấp và còn có dư địa giảm tiếp.

Vị chuyên gia này nói rằng, các nhà đầu tư F0 năm nay rất khác các thế hệ trước đây, họ gia nhập thị trường muộn nhưng lại là những người tích luỹ tài sản.

Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều năm tăng trưởng cao, số lượng người giàu tăng, giá trị tích luỹ tài sản tăng lên. Các nhà đầu tư F0 mới này chính là thế hệ thừa hưởng sự phát triển kinh tế và các giá trị tích luỹ tài sản trước đó nên họ rất có tiềm lực.

"Chúng ta có 96 triệu dân vậy mà suốt nhiều năm chỉ có 2 triệu tài khoản, số lượng này cực kỳ khiêm tốn. Chính phủ từng mơ đến năm 2025 tỷ lệ lên 5% dân số.

Đó là kỳ vọng của Chính phủ, đợt dịch covid-19 là điểm kích hoạt, khi có tới 60% cổ phiếu trên thị trường thấp hơn giá trị sổ sách. Với ngòi kích hoạt này, mục tiêu 5% dân số đầu tư chứng khoán có thể đạt được sớm hơn", ông Minh nói.

Vị này cũng nói rằng, năm nay, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm đã đứng ngoài thị trường rất lâu do tư duy bảo thủ mình đúng, khinh miệt các dòng tiền mới khiến cho cơ hội trôi qua.

Ông Minh nhận định, nền lãi suất thấp cùng chính sách hỗ trợ kinh tế, chính sách tài khoá, tiền tệ của Chính phủ sẽ lần lượt phát huy tác dụng.

Cơn sốt nhà đầu tư F0 và bữa tiệc chứng khoán bao giờ kết thúc? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Yuanta Việt Nam

"Chính sách tiền tệ thì hiện nay chưa phát huy tác dụng, giảm lãi suất kích thích đi vay, vay ra sản xuất hàng bán cho ai? Thông thường, chính sách tài khoá sẽ phát huy đầu tiên như giảm thuế, phí.

Sau khi tài khoá ổn định, chính sách tiền tệ mới phát huy tác dụng. Lãi suất thấp dự báo vẫn kéo dài năm 2021. Xu hướng sẽ kéo dài đến hết năm sau", ông Minh dự báo.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định Ngân hàng Nhà nước còn dư địa để tiếp tục cắt lãi suất điều hành khi dự báo lạm phát bình quân trong năm 2020 xuống còn 3,3% nhằm nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, sau lần hạ lãi suất tháng 10 vừa qua, tăng trưởng tín dụng tháng 11 đã lên 1%, tương ứng tăng 90.000 tỷ so với tháng 10.

Theo thống kê của Fiin Group, lãi suất huy động tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong tháng 11. Cụ thể, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng của toàn ngành ngân hàng hiện đang ở mức 5,046 và 5,99%, đều thấp hơn so với tháng 10.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động trong tháng 12 nhiều khả năng khó giảm thêm do thanh khoản hệ thống có thể sẽ bớt dư thừa khi tín dụng tăng mạnh trong tháng cuối năm.

KB đánh giá, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 2,5%- 4%/năm, đã thấp hơn khá nhiều mức trần mới 4%/năm của Ngân hàng Nhà nước, do vậy dư địa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng để tiếp tục giảm mạnh sẽ không còn nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại