Sống trong đời, hẳn bạn đã một lần nghe đến câu nói này: "Con người đâu phải thánh nhân, ai sống trên đời mà không một lần phạm sai lầm?"
Quả vậy, mỗi một người sống trên đời đều khó có thể tránh được việc phạm sai lầm. Khi phạm sai lầm, chúng ta đều hi vọng người khác có thể hiểu và thông cảm, vậy thì đổi lại, khi người khác phạm sai lầm, chúng ta có sẵn sàng bỏ qua cho họ không?
Câu chuyện dưới đây sẽ cho chúng ta một câu trả lời.
Tình chiến hữu
Trong một trận chiến quyết liệt với kẻ thù trong rừng sâu, binh sĩ A và B của một chi đội bộ đội nọ đã bị mất liên lạc với cả đội.
A và B cùng đến từ một thị trấn nhỏ, vì là đồng hương nên tình cảm giữa họ rất thân thiết. Trong rừng sâu, phải đối mặt với vô số khó khăn và nguy hiểm rình rập, họ đã cùng động viên và an ủi nhau để cùng vượt qua cửa ải này.
Thế nhưng, hơn chục ngày trôi qua, họ vẫn chưa liên lạc được với đội của mình.
Về sau, họ đã giết chết một con hươu, lấy thịt hươu ăn để duy trì sự sống. Thế nhưng, kể từ sau đó, họ không bắt được thêm bất cứ con vật nào. Binh sĩ B cầm chút thịt hươu ít ỏi, hai người miễn cưỡng sống qua ngày.
Một hôm, họ lại đối mặt với kẻ thù, thật may mắn làm sao, cả hai cùng tránh được một cách thần kỳ.
Khi họ cho rằng mình đã an toàn thì bất ngờ, tiếng súng vang lên. Binh sĩ A bị trúng đạn, thật may là viên đạn chỉ găm vào phần vai. Binh sĩ B vô cùng sợ hãi, chạy lại vừa đỡ chiến hữu vừa khóc lớn.
Ảnh minh họa.
Đêm đó, họ lo lắng rồi sẽ không tìm được thực phẩm, lại không liên lạc được với đội, e rằng tính mạng sẽ gặp nguy. Mối lo đó khiến họ cả đêm không ngủ.
Binh sĩ B lo lắng cho mẹ mình, lo rằng khi mình chết, ai sẽ chăm sóc bà. Thật may mắn làm sao, vào ngày hôm sau, họ đã được các chiến hữu của mình tìm thấy.
Tha thứ cho sai lầm của người khác là giải thoát cho chính mình
30 năm sau, binh sĩ B qua đời, binh sĩ A đã đến viếng. Sau khi về nhà, ông đã kể lại chuyện đã xảy ra năm xưa và nói ra những lời chất chứa từ tận đáy lòng.
Ông nói: "Tôi biết là ông ấy đã nổ súng, bởi vì khi ông ấy chạy lại ôm tôi, tôi đã phát hiện ra nòng súng của ông ấy vẫn còn nóng. Nhưng tôi tha thứ cho ông ấy, tôi biết ông ấy muốn độc chiếm số thịt hươu còn lại, muốn sống để về gặp mẹ mình.
30 năm qua, tôi giả vờ như không hề biết việc này, bởi vì chiến tranh quá thảm khốc. Điều đáng tiếc là, mẹ của ông ấy không kịp đợi con trai trở về đã qua đời.
Không lâu trước khi ông ấy mất, tôi và ông ấy cùng đi viếng mộ bà cụ. Ông ấy đã quỳ trước mộ mẹ khóc rất nhiều và cầu xin tôi tha thứ. Tôi đã đỡ ông ấy dậy và nói với ông ấy rằng, tôi đã tha thứ cho ông ấy ngay từ lúc biết sự thật."
Một người phải từ bi vĩ đại thế nào, phải khoan dung độ lương thế nào mới có thể làm được việc này? Mới có thể lấy tấm lòng để chia sẻ, cảm thông với tấm lòng, thấu hiểu cho nỗi khổ của người khác, chịu đựng tổn thương mà người khác gây ra cho mình? Thật đáng nể phục lắm thay.
Và khi việc khó khăn ấy được thực hiện, người khác được giải thoát, bản thân mình cũng được giải thoát.
Còn nếu cứ giữ mãi những sai lầm của người khác trong lòng, chẳng phải bạn đang tự trừng phạt mình hay sao, chẳng phải là bản thân mình không tự bỏ qua cho chính mình hay sao?
Vậy nhưng, thật tiếc khi vẫn còn rất nhiều người trong chúng ta, vì một câu nói của người khác mà tình cảm trở nên mờ nhạt, vì một chuyện vặt vãnh không đâu mà buồn bã đến mất ngủ.
Con người, dại dột nhất là nhìn mọi việc không thông suốt, không nỡ buông bỏ, tính toán hơn thua được mất; ngược lại, thông minh nhất chính là không so đo tính toán hay nổi giận.
Đời người ngắn ngủi, hãy biết trân trọng nâng niu, đừng vì những chuyện không đáng mà phiền muộn âu sầu, cũng đừng vì những chuyện vặt vãnh mà giận dữ. Hãy ghi nhớ sự tử tế của người khác và quên đi sai lầm của họ để sống vui vẻ và khỏe mạnh.