1. Không làm những việc gây hại cho người có lợi cho mình
Cho dù con đường lập nghiệp trong tương lai có chông gai nguy hiểm thế nào, cho dù cuộc sống trong tương lai có khó khăn ra sao, cũng nhất định phải làm được một việc, đó là trong làm ăn, không lừa lọc, hãm hại người.
Trong cuộc sống, hãy vui vẻ giúp đỡ người khác, làm một người chân chính, đáng tin cậy. Đây chính là quan điểm của tỉ phú Hong Kong Lý Gia Thành.
Năm 1943, Lý Gia Thành vì lo an táng cho người cha vừa qua đời nên đã mua một mảnh đất. Đến lúc ông yêu cầu xem mảnh đất đó, mới phát hiện ra bên bán đã để lại cho ông một mảnh đất đã chôn cất di hài người khác.
Để trục lợi kiếm tiền, bên bán muốn di dời bộ hài cốt đi. Lý Gia Thành biết rằng bên bán sẽ không trả lại tiền mua đất nhưng ông vẫn nói với họ không được di chuyển hài cốt, ông không cần mảnh đất đó nữa.
Kể từ thời điểm đó, ông tự thề với bản thân: Bất luận ngày sau có khổ sở gian nan đến đâu, cũng nhất định phải giữ chữ tín, tuyệt đối không làm việc hãm hại, lừa lọc người khác.
Cũng chính nhờ nguyên tắc sống, làm việc và làm người này mà Lý Gia Thành cuối cùng đã có một cuộc đời thành công ngoài mong đợi.
2. Không làm những việc không thiết thực
Bạn có hoài bão lớn lao, đó là làm chủ tịch nước, trở thành một trong những người giàu nhất thế giới hoặc muốn đắc đạo thành tiên… Có lý tưởng là điều không tồi, nhưng lý tưởng phái thiết thực, phù hợp với thực tế mới có thể đi đến thành công.
Ông chủ hãng xe hơi hàng đầu của Mỹ - Henry Ford từng đánh giá rất cao một thanh niên. Ông muốn giúp cậu ta hiện thực hóa lý tưởng của mình nhưng người thanh niên đó nói, nguyện vọng lớn nhất cuộc đời cậu ta là kiếm được 1000 tỉ USD.
Henry Ford kinh ngạc hỏi cậu ta cần nhiều tiền như vậy để làm gì? Người thanh niên nói cậu ta cũng không biết nhưng cảm thấy như thế mới thành công.
Nghe vậy, Henry Ford nói: "Một người nếu thực sự có nhiều tiền như thế sẽ uy hiếp cả thế giới. Tôi thấy cậu nên suy nghĩ về việc này trước đi."
5 năm sau, người thanh niên đó nói với Henry Ford rằng cậu ta muốn thành lập một trường đại học nhưng chỉ có 100.000 USD, còn thiếu 100.000 USD. Henry Ford cho rằng lý tưởng này thiết thực, bản thân ông cũng có khả năng giúp đỡ cậu ta.
Sau 8 năm xây dựng và phát triển, cuối cùng người thanh niên đó cũng thành công. Người này chính là người sáng lập ra ngôi trường nổi tiếng thế giới Đại học Illinois.
3. Không làm những việc chưa hiểu rõ, chưa nắm bắt chắc chắn
Làm những việc mà bản thân mình không hiểu rõ, chưa nắm bắt một cách chắc chắn rất có thể sẽ chỉ phí công tốn của. Mỗi một lĩnh vực đều có đặc điểm riêng, nếu như không thông thuộc sẽ không thể nắm bắt được sự chủ động.
Kenneth Yen – một doanh nhân nổi tiếng của Đài Loan, được liệt kê là một trong những người giàu nhất thế giới khi được hỏi đánh giá như thế nào về việc "tiến sang thị trường Trung Quốc đại lục", ông tự tin trả lời rằng "Tôi từ trước đến nay không bao giờ làm những việc mà bản thân chưa nắm rõ."
Theo kết quả của một cuộc điều tra, Đài Loan là vùng lãnh thổ có số lượng nhà đầu tư vào Trung Quốc đại lục lớn thứ hai chỉ sau Hong Kong. Tuy nhiên, một luật sư từng tiết lộ: "Hiện tại, chỉ riêng tại thành phố Đông Quản (Quảng Đông), đã có đến 400 doanh nhân Đài Loan phải ngồi tù thi hành án.
400 người này, có ai khi quyết định đầu tư vào Trung Quốc đại lục mà không tự tin có thừa? Và có mấy người nghĩ đến cảnh ngộ bi đát hiện nay?
Đây được cho là kết quả của việc hăng hái làm những việc mà bản thân chưa thực sự hiểu rõ, chưa nắm bắt một cách tường tận.
4. Không dùng thủ đoạn đánh bại đối thủ cạnh tranh
Sự tồn tại của đối thủ cạnh tranh là một sự tồn tại lành tính, có thể khiến người khác cảm thấy lo lắng nhưng cũng có thể kích thích, thúc đẩy người khác tiến lên.
Nhà văn Thịnh Tuyết (Trung Quốc) từng nói: "Cách tốt nhất và duy nhất có thể khiến bạn trở thành tay vợt số 1 là bước vào một trần đấu và đối diện với đối thủ mạnh."
Không thể vẽ đường thẳng ngắn lại, vậy thì hãy vẽ một đường thẳng dài hơn. Tương tự như thế, muốn đánh bại đối thủ, hãy khiến mình trở nên lớn mạnh. Chỉ khi bạn lớn mạnh, đối thủ mới trở nên nhỏ bé.