Cánh cửa Mỹ đóng lại
Trước ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Washington đối với Huawei, trong vòng 18 tháng qua, hàng loạt các trường đại học lớn tại Mỹ như Princenton, Stanford và University of California, đang cân nhắc việc tiếp tục các chương trình hợp tác nghiên cứu với tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc.
Không chỉ các hoạt động nghiên cứu, những hợp đồng hợp tác và đầu tư đến từ các đối tác Mỹ cũng đang bị đình trệ sau khi chính quyền Mỹ nâng cảnh báo về những mối lo đối với an ninh quốc gia, cùng với đó là những cuộc điều tra cấp liên bang về hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ và vi phạm luật pháp.
Đứng trước tình thế này, Huawei đã nhanh chóng tìm kiếm cơ hội từ các thị trường khác, trong đó, đáng chú ý là những hoạt động hợp tác với Nga, đặc biệt khi Moscow coi hoạt động hợp tác trong mảng khoa học và kĩ thuật với Bắc Kinh là một ưu tiên hàng đầu. Tận dụng cơ hội này, Huawei đã bày tỏ tham vọng muốn các trường đại học ở Nga tham gia nghiên cứu các mảng quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý dữ liệu, công nghệ quang học, và điện toán đám mây.
Trong 6 tháng trở lại đây, ít nhất 8 trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu của Nga đã công bố kế hoạch hợp tác với Huawei.
"Mục tiêu của chúng tôi là biến kiến thức thành tiền bạc và ngược lại. Chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp tài chính cho các hoạt động nghiên cứu, kể cả khi điều này không giải quyết những vấn đề cụ thể, nhưng vẫn là một bước tiến về phía trước", Zhou Hong, Chủ tịch Viện nghiên cứu của Huawei tại châu Âu, phát biểu trong một buổi gặp mặt vào tháng 7 vừa qua tại trường Đại học Kĩ thuật Novosibirsk ở vùng Siberi.
Trường Novosibrisk sau đó đã đồng ý sẽ cùng "hợp tác đào tạo và triển khai nghiên cứu" với Huawei. Chương trình này nằm trong chiến lược của Huawei trong việc sẽ chi ra 300 triệu USD hàng năm cho các trường đại học trên toàn thế giới để phát triển các công nghệ mới cho điện thoại và nền tảng viễn thông.
Tại Nga, Huawei đang tập trung vào việc phát triển hệ sinh thái AI, bắt đầu với việc phát triển các sản phẩm thuộc nền tảng điện toán mang tên Atlas AI, vốn được tập đoàn kì vọng sẽ hỗ trợ cho các dự án về AI quy mô lớn, ví dụ như thành phố thông minh.
"Huawei đặt mục tiêu sẽ hợp tác với các tổ chức công nghiệp và hơn 100.000 kĩ sư phát triển AI, hơn 100 các công ty sản xuất phần mềm, và hơn 20 trường đại học để xây dựng một hệ sinh thái về AI trong vòng 5 năm tới, qua đó đưa các ứng dụng của AI vào các ngành công nghiệp", kiến trúc sư chiến lược của Huawei Dang Wenshuan nhấn mạnh trong một sự kiện tại Matxcova vào đầu tháng 12.
Để thực hiện chiến lược này, Huawei đã khuyến khích các trường đại học của Nga tham gia chương trình nghiên cứu đổi mới sáng tạo do công ty này khởi xướng, trong đó cam kết tài trợ lên tới 70.000 USD cho mỗi dự án.
Chương trình được áp dụng cho 18 quốc gia và từng được coi là kênh hợp tác chính của Huawei đối với các trường đại học tại Mỹ. Các mảng nghiên cứu chính bao gồm dữ liệu lớn, AI, công nghệ quang học, internet vạn vật (IoT), công nghệ không dây…
Vào tháng 6, Huawei đã kí hợp đồng hợp tác với công ty viễn thông Nga MTS để phát triển mạng 5G, trong khi doanh số điện thoại di động của tập đoàn Trung Quốc tại Nga đã vượt Samsung kể từ đầu năm nay.
Cánh cửa Nga rộng mở
Việc Huawei đẩy mạnh các hoạt động tại Nga diễn ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại đến nghiên cứu và công nghệ.
Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận định năm 2020 và 2021 sẽ là năm 2 nước hợp tác về "khoa học, kĩ thuật và sáng tạo".
"Việc Huawei tăng cường sự hiện diện ở Nga có thể cho thấy thực tế công ty đang phụ thuộc vào các chương trình hợp tác nghiên cứu và tuyển dụng nhân tài từ Bắc Mỹ, đặc biệt là Mỹ và châu Âu", Elsa Kania, trợ lý nghiên cứu về chương trình an ninh công nghệ quốc gia tại trung tâm An Ninh Mỹ có trụ sở ở Washington, nhận định.
Dẫu cho Nga có thể không cạnh tranh được với Mỹ về số lượng tài năng trong lĩnh vực khoa học, sự lớn mạnh của các viện nghiên cứu của nước này trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình và toán học vẫn cho thấy sức hấp dẫn lớn đối với Huawei, nhất là khi "công ty này đang phải đối mặt với rủi ro bị ngăn tiếp cận với Thung lũng Silicon và các trường đại học Mỹ", Alexander Gabuev, Giám đốc Chương trình "Nước Nga với khu vực châu Á-Thái Bình Dương", thuộc Trung tâm Carnegie Moscow.
"Ở Nga, họ sẽ có thể tiếp cận những tài năng dù có thể không xuất sắc hơn hẳn các kĩ sư Trung Quốc, nhưng có cách thức tư duy và cách tiếp cận vấn đề khác biệt", Gabuev nói thêm.
Để đổi lại Huawei sẽ chuyển giao các kĩ năng về sản xuất và marketing cho các viện nghiên cứu và thí nghiệm khoa học của Nga, vốn hiện đang gặp khó khăn trong việc thương mại hoá các dự án nghiên cứu.
Igor Pivovarov, nghiên cứu trưởng tại Trung tâm AI thuộc Viện Nghiên cứu Vật lý và Công nghệ Matxcova cho rằng không có động cơ chính trị đằng sau các hoạt động hợp tác với Huawei. "Khoa học không phải là chính trị, và chúng tôi muốn được hợp tác với mọi đối tác, bất kể đó là Trung Quốc hay Mỹ".
"Điều tốt nhất mà nước Nga có thể làm là tập trung vào thế mạnh của mình, đó là nghiên cứu và phát triển công nghệ. Với kinh nghiệm và tiềm năng lớn từ các công ty Trung Quốc, việc hợp tác sẽ mang lại lợi ích lớn cho các bên," Pivovarov khẳng định.
Một hoạt động hợp tác đáng chú ý khác của Trung Quốc tại Nga là với Trường Đại học Khoa học và Kĩ thuật Skolkovo tại Matxcova, còn được biết đến với tên gọi Skoltech, vốn cũng đang hợp tác với một loạt các đối tác về công nghệ lớn trên toàn cầu, bao gồm Philips và Samsung.
Sự hợp tác này đã tăng tốc trong thời gian gần đây từ chỉ 1 hợp đồng nghiên cứu vào năm 2013 lên 10 chương tình hợp tác trị giá 2 triệu USD mỗi năm, chưa kể một cơ sở nghiên cứu về thuật toán vừa được khánh thành vào tháng 6 vừa qua. Cơ sở này được kì vọng sẽ giúp cải thiện hiệu năng các vi xử lý và camera trong hệ sinh thái sản phẩm của Huawei.
Ivan Khlebnikov, đại diện trung tâm nghiên cứu, cho biết các sản phẩm trí tuệ được phát triển theo nguồn vốn tài trợ của Huawei sẽ được 2 bên đồng sở hữu.
Trong khi đó, Gabuev cho rằng cho dù các vấn đề về an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ đang là mối lo lớn trong vấn đề hoạt động của Huawei tại Mỹ, điều này không được quá coi trọng tại Nga. Các viện nghiên cứu của Nga coi Trung Quốc như một đối tác có thể khỏa lấp những thiếu sót của họ, ông nói.
"Người Nga biết rằng mình không có một công ty đại diện quốc gia tương tự như Huawei, và chúng tôi sẽ không bao giờ có một công ty như thế. Vậy làm thế nào để Nga có thể hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo dựng môi trường tốt cho nhân tài ở lại?"
"Đây chính là lý do khiến Nga nhìn ra nhiều lợi ích trong việc hợp tác với Huawei và các công ty Trung Quốc khác. Điều này sẽ giúp chúng tôi cùng với Trung Quốc có thể là một phần của những sản phẩm toàn cầu, trong đó Nga đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển".
Điều này đồng thời mang lại các lợi ích cho Huawei, khi họ và các tập đoàn lớn của Trung Quốc đang nỗ lực "gia tăng sự hiện diện trên thị trường quốc tế, cũng như thúc đẩy khả năng tiếp cận các thị trường nước ngoài", thông qua việc hợp tác với các cơ sở nghiên cứu trên toàn cầu, Andrew Kennedy, giáo sư tại trường đại học Quốc gia Australia, nói.
"Nước Mỹ không cần những khoản đầu tư của Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ cao, do đó, quan điểm của họ là làm thế nào để kìm hãm sự phát triển của các công ty Trung Quốc, nhưng đối với các nước khác, đây lại là yếu tố ưu tiên hàng đầu, nhất là khi họ không có các công ty công nghệ lớn mạnh có thể triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển quy mô lớn", Kennedy nói.
Tại trường Skoltech ở Matxcova, các nghiên cứu sinh tiến sĩ có cơ hội được làm việc với các kĩ sư tại Trung tâm nghiên cứu của Huawei ở Matxcova, đây là cơ hội không chỉ giúp họ tăng kiến thức chuyên môn, tìm kiếm cơ hội việc làm mà còn tiếp cận môi trường làm việc trong các tập đoàn quốc tế, Khlebnikov nói tiếp.