3 cuộc gặp trong vòng 3 năm
Cuộc gặp diễn ra khi mối quan hệ Mỹ-Trung vốn rơi vào khủng hoảng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua dự luật luật ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, trước đó đã được các nhà lập pháp Mỹ ở lưỡng viện thông qua với số phiếu áp đảo.
Các nhà quan sát cho rằng, cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và cựu Ngoại trưởng Kissinger, lần thứ 3 trong vòng 3 năm, rất quan trọng vì mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đã nguội lạnh do vấn đề Hồng Kông và Tân Cương, cùng với cuộc chiến thương mại đang chưa có hồi kết.
Quan hệ giữa 2 nước đang ở một thời điểm quan trọng, đối mặt với một số khó khăn và thách thức, Tân Hoa Xã trích phát biểu của ông Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi hai nước tăng cường truyền thông về các mối quan tâm chiến lược để tránh đánh giá sai và tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Ông Tập cũng ca ngợi chính trị gia kỳ cựu của Mỹ đã có đóng góp lịch sử, quan trọng đối với mối quan hệ Mỹ - Trung và những hiểu biết sâu sắc về lịch sử cũng như văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ đánh giá cao thông điệp của nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc tăng cường liên lạc trong bối cảnh các dấu hiệu đối đầu ngày càng tăng và sự cắt đứt các mối liên hệ giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhưng bản tin của Tân Hoa Xã không đề cập đến việc liệu ông Kissinger, nổi tiếng ở Trung Quốc như một "người hùng" tiên phong trong việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung 40 năm trước, đưa ra lời khuyên nào về cách hai quốc gia có thể tránh va chạm trực diện.
Đầu tuần trước, tại Diễn đàn kinh tế mới Bloomberg 2019 ở Bắc Kinh, ông Kissinger, 96 tuổi, đã cảnh báo rằng Mỹ và Trung Quốc đang ở bên bờ vực một cuộc chiến tranh lạnh và cuộc xung đột ngày càng tăng giữa 2 nước nếu không được kiềm chế, có thể còn tồi tệ hơn Thế chiến thứ nhất.
Ông Kissinger đã đến thăm Trung Quốc gần 100 lần kể từ chuyến đi đầu tiên vào năm 1971, tiếp cận với các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, từ Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đến Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.
Trung Quốc bế tắc, không tìm nổi quân sư?
Cựu quan chức chính phủ Trung Quốc Wang Huiyao, cho biết mối quan hệ cá nhân gần gũi của ông Kissinger với các nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải là ngẫu nhiên. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng vượt trội của quan hệ Trung Quốc - Mỹ trong chính sách ngoại giao Bắc Kinh.
Wang, người sáng lập và chủ tịch của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết Bắc Kinh hy vọng sẽ có được sự ủng hộ từ Kissinger và các cựu quan chức Mỹ thân Trung Quốc - như cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson.
Ông Kissinger sẽ không được đối xử trọng thị nếu Bắc Kinh không coi mối quan hệ với Washington là quan trọng nhất, ông Wang nói.
Trong 3 năm kể từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống, ông Tập đã nhiều lần tìm kiếm lời khuyên từ cựu Ngoại trưởng Mỹ, về cách đối phó với ông Trump, bao gồm một cuộc họp tại Bắc Kinh vào tháng 12/2016, chỉ vài ngày sau khi Kissinger gặp ông Trump.
Các nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì và Vương Nghị cũng đã đến thăm Kissinger nhiều lần tại New York.
Gal Luft, đồng giám đốc của Viện phân tích an ninh toàn cầu, nói rằng, trong những năm qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã miêu tả ông Kissinger là sự nhân cách hóa mối quan hệ thân thiện giữa hai nước, và ông đã được mời đến thăm Bắc Kinh thường xuyên, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng.
Ngược lại, Kissinger lại bị chỉ trích ở Mỹ sau khi ông đến thăm các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ vài tháng sau sự kiện Thiên An Môn hồi năm 1989.
Tuy nhiên, Yun Sun, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Stimson tại Washington, cho biết có một sự hiểu lầm rằng Kissinger sẽ luôn ủng hộ tình hữu nghị Mỹ-Trung vì ông là người từng đặt nền móng cho mối quan hệ này.
"Mọi thứ đã thay đổi. Bối cảnh và bản chất của mối quan hệ Mỹ - Trung ngày nay khác biệt đáng kể so với những gì họ đã có từ 40 năm trước", nữ chuyên gia nói.
Kissinger không phải lúc nào cũng thân thiện với Trung Quốc như truyền thông Trung Quốc có xu hướng đưa tin. Vào tháng 7/1975, ông Kissinger từng đưa ra quyết định hoãn việc thiết lập quan hệ chính thức với Bắc Kinh vì e ngại phản ứng dữ dội từ phe bảo thủ có thể làm hỏng kết quả cuộc bầu cử tổng thống của ông Gerald Ford, theo hồ sơ giải mật của chính phủ Mỹ vài năm trước.
Năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Mỹ nói rằng xử lý những bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ là vấn đề quan trọng và được cho là đã đề nghị Trump liên kết với Nga để bao vây Trung Quốc nhưng sau đó ông phủ nhận thông tin này.
"Đây là một người theo chủ nghĩa hiện thực. Theo nghĩa này, Kissinger không nên được coi là thân thiện với Trung Quốc. Ông là một minh chứng sống rằng không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia vĩnh viễn", Yun Sun nói.
Sự nổi tiếng của ông ở Trung Quốc cũng có thể được giải thích một phần bởi thực tế là khi hầu hết các tiếng nói thân thiện với Trung Quốc đã im lặng hoặc bị loại bỏ dưới thời Tổng thống Trump, cựu Ngoại trưởng Mỹ vẫn sẵn sàng đến Bắc Kinh, nói lên suy nghĩ của mình và đưa ra phân tích lạnh lùng về bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.
Gu Su, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Nam Kinh, cho rằng, cách Bắc Kinh gửi đi thông điệp cũng thú vị không kém, bởi vì ông Kissinger một lần nữa đóng vai trò là người đưa tin.
Sự đối xử đặc biệt lâu dài mà ông đã nhận được từ Bắc Kinh cũng cho thấy một nhược điểm trong mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ: Bắc Kinh đã không tiếp cận được với những người có ảnh hưởng tới chính sách của Nhà Trắng và Mỹ.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc, các trung tâm nghiên cứu và học giả nghiên cứu về Mỹ đã gặp khó khăn trong việc tìm đúng người hoặc kênh để tiến hành đối thoại phù hợp, chuyên gia của Đại học Nam Kinh nói.
Pang Zhongying, một nhà phân tích các vấn đề quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng khi mối quan hệ giữa hai quốc gia sụp đổ, vận rủi của Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn do không có người sẵn sàng bảo lãnh cho Bắc Kinh.
Một trong những vấn đề khó khăn đối với Trung Quốc là tâm lý chống Trung Quốc ngày càng tăng cao kể từ khi ông Trump trở thành Tổng thống. Vì vậy, vẫn còn phải xem liệu ông Kissinger hay Trung Quốc có thực sự được hưởng lợi từ mối quan hệ ấm cúng của họ hay không, ông nói.