Kịch bản nguy hiểm cận kề, vì sao Trung Quốc không dám ồ ạt bơm tiền cứu tăng trưởng?

Hải Võ |

Các cuộc tranh luận ngày càng nóng lên ở Bắc Kinh xoay quanh vấn đề Trung Quốc có nên quyết liệt bám trụ mốc tăng trưởng 6% trong năm tiếp theo hay không.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm xuống 6% trong Quý 3 năm nay - tương đương mức "đáy" trong mục tiêu tăng trưởng cả năm (6-6.5%), đồng thời là tỉ lệ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong gần ba thập kỷ qua.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), đa số chuyên gia dự kiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ hạ xuống dưới mức 6% trong Quý 4 và tiếp tục lao dốc vào đầu năm sau, báo hiệu mức tăng trưởng thấp hơn 6% trong cả năm 2020.

Để bảo đảm mốc tăng trưởng tối thiếu 6% trong năm tới, Trung Quốc sẽ cần thêm nhiều chính sách kích thích tăng trưởng quyết liệt hơn so với những giải pháp mà chính phủ đã cân nhắc. 

Kịch bản nguy hiểm khi tăng trưởng "thủng đáy"

Hội nghị công tác kinh tế trung ương - dự kiến tổ chức trong vài tuần tới, với sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách cấp cao - sẽ vạch ra những ưu tiên chính sách kinh tế của Trung Quốc trong năm tới, bao gồm mục tiêu tăng trưởng. Trong vài tuần trở lại đây, tranh cãi xoay quanh mức tăng trưởng năm sau đã trở nên "nảy lửa".

Những người ủng hộ duy trì mục tiêu tối thiểu 6% cảnh báo, một mức tăng trưởng thấp hơn như thế sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề trong nước, vốn đã diễn biến xấu đi bởi chiến tranh thương mại với Mỹ.

Yu Yongding, nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc, cựu cố vấn Ngân hàng trung ương Trung Quốc, Hội trưởng Hiệp hội kinh tế học thế giới (Trung Quốc), phân tích rằng ưu tiên cấp bách của Bắc Kinh là cần phải ngăn chặn đà giảm tốc tăng trưởng, bởi tăng trưởng lao dốc sẽ khiến doanh nghiệp cùng người tiêu dùng chờ đợi kịch bản xấu hơn, do đó tác động trực tiếp đến các nguồn đầu tư và chi tiêu của người dân.

"Loại hình chờ đợi [diễn biến kinh tế xấu đi] như thế này là hết sức nguy hiểm. Sụt giảm trong nhu cầu [tiêu dùng] tổng thể sẽ dẫn tới việc GDP giảm sâu hơn nữa, tạo thành một vòng xoáy [suy thoái] luẩn quẩn," - ông Yu viết trên tạp chí Caijing hôm 2/12.

"Chúng ta không thể để cho tỉ lệ tăng trưởng kinh tế 'thủng đáy' 6%.  Chúng ta đã giảm từ mức 12.2% về 6%. Chúng ta có thể [chấp nhận] giảm từ dưới 10% về 9%, dưới 9% về 8%, dưới 8% về 7%, đến giờ thì [tăng trưởng] đã về sát 6% và đã đến lúc phải phanh lại."

Yao Jingyuan, cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, ủng hộ quan điểm của Yu về việc giữ mốc tăng trưởng 6%. Ông Yao đề xuất ban lãnh đạo tăng giới hạn thâm hụt ngân sách lên 3% để cho phép thực thi các giải pháp chính sách quyết liệt hơn nhằm chống lại đà giảm tốc.

Dù vậy, Yao nói tăng trưởng thấp hơn 6% cũng có thể chấp nhận được nếu tăng trưởng công ăn việc làm và tỉ lệ lạm phát ổn định.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhiều lần bác bỏ phương án "bơm tiền" ồ ạt vào nền kinh tế - như nước này đã làm hơn một thập kỷ trước để ứng phó khủng hoảng tài chính. Nguyên nhân một phần là để tránh làm tăng thêm nợ công vốn đã rất nặng nề.

Kịch bản nguy hiểm đã cận kề, Trung Quốc còn sợ gì mà không dám ồ ạt bơm tiền cứu tăng trưởng? - Ảnh 2.

Tăng trưởng Quý 3 năm 2019 của Trung Quốc đã "chạm đáy" mục tiêu năm, và dự kiến thấp hơn nữa trong Quý 4

Trung Quốc phải mạo hiểm lĩnh vực tài chính để cứu tăng trưởng?

Báo cáo chung được công bố hôm 30/11 của Đại học nhân dân Trung Quốc và Chengxin Credit Ratings Group (Trung Quốc) tin rằng Bắc Kinh không cần cố duy trì mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm tới.

Báo cáo ước tính tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 5.9% trong năm 2020 và khuyến nghị chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu 5.5-6% - mức tăng trưởng đủ để duy trì việc làm ổn định trên phạm vi toàn quốc.

Ngày càng có nhiều nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của mức tăng trưởng 6% trong năm 2020. Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America) dự đoán kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5.6% năm 2020 và 5.5% năm 2021.

Tiến sĩ Gao Shanwen, nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc, người thường phê bình các chính sách kinh tế của Bắc Kinh, dự kiến tăng trưởng có thể sụt giảm đến mức 4% trong thập kỷ tới, một phần bởi đầu tư không bền vững cùng các rủi ro tích lũy do kích thích tăng trưởng quá độ trong nhiều năm.

Tuy nhiên, ông Yu Yongding nói những nhân tố ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc về dài hạn không phải là lý giải cho hiện trạng tăng trưởng suy giảm. Ông vẫn gợi ý chính phủ ngay lập tức mở rộng chính sách tài chính và nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, bất chấp thủ tướng Lý Khắc Cường bác bỏ ý kiến này.

"Kinh tế là đưa ra những lựa chọn, chọn lấy điều ít tồi tệ hơn. Nếu điều kiện tài chính xấu đi và tăng trưởng kinh tế giảm tốc là hai điều tồi tệ, tôi thà cho phép chính sách tài chính gây ra sự tiêu cực tạm thời trong điều kiện tài chính, nhằm ổn định tăng trưởng kinh tế," ông này nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại