Bị cáo vụ gian lận điểm ở Sơn La: "Nếu không làm, sẽ không tồn tại được"

Hoàng Hải |

Được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, chiều 26/5, nữ bị cáo Nguyễn Hồng Nga mong toà giảm nhẹ hình phạt. Nga nói nếu mình không làm như thế sẽ "không tồn tại được”.

Chiều 26/5, sau 6 ngày ngày diễn ra phiên xét xử vụ gian lận thi cử THPT Quốc gia 2018, HĐXX chuyển sang phần nghị án. Trước khi bước vào nghị án, các bị cáo nói lời sau cùng.

Đứng trước bục khai báo nói lời sau cùng, Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) nói, bản thân nhận thấy hành vi của mình là sai trái, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Quá trình khai báo, Hồng Nga luôn thành khẩn, tự thú. Đồng thời, trong thời gian công tác, bị cáo đạt nhiều thành tích nên mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.

Nga nói bản thân là người trực tiếp tham gia tổ chấm thi, khi được cấp trên bố trí, sắp xếp bị cáo đã thực hiện hành vi sửa nâng điểm.“Nếu không làm sẽ không tồn tại được”, bị cáo trình bày.

Bị cáo vụ gian lận điểm ở Sơn La: Nếu không làm, sẽ không tồn tại được - Ảnh 1.

Nữ bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga.

Tiếp đến, Lò Văn Huynh (cựu Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Sơn La) nói rất hối hận về hành vi của mình.

Quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai báo, trong công tác cũng có nhiều thành tích nên mong HĐXX tuyên mức án nhẹ để bị cáo có thể sớm trở về với gia đình.

Đứng trước bục khai báo nói lờị sau cùng, bị cáo Nguyễn Minh Khoa (cựu cán bộ Công an tỉnh Sơn La) thừa nhận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La, vì tình cảm nể nang đồng nghiệp và mối quan hệ khác, bị cáo đã nhận lời nhờ qua người khác để xem điểm cho 5 thí sinh.

Bị cáo vụ gian lận điểm ở Sơn La: Nếu không làm, sẽ không tồn tại được - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Minh Khoa.

Khi vụ án xảy ra, Khoa đã nhận thức đó là việc làm sai phạm, trước khi Bộ GD&ĐT công bố điểm.

Khoa nói rằng, hành vi của mình đã vi phạm danh mục bảo vệ bí mật nhà nước, làm mất uy tín của Công an tỉnh Sơn La.

Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) thừa nhận hành vi của bản thân đã gây hậu quả nghiêm trọng và làm ảnh hưởng uy tín ngành giáo dục, đồng thời làm mất cơ hội của nhiều thí sinh.

Bị cáo vụ gian lận điểm ở Sơn La: Nếu không làm, sẽ không tồn tại được - Ảnh 3.

Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn.

Việc làm của Yến khiến chính bản thân bị cáo bị sốc và hoảng loạn tinh thần trong thời gian dài và tự làm mất đi uy tín của bản thân.

Trong phần nói lời sau cùng, Yến cũng khẳng định bản thân không chỉ đạo hay tác động đến bất kỳ ai để làm trái quy định. Yến đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội.

Còn bị cáo Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) nói rằng cả đời cống hiến cho sự nghiệp vì an ninh tổ quốc nhưng hôm nay phải đứng hầu tòa, Hưng vô cùng ăn năn. Bị cáo khai báo thành khẩn và hợp tác cơ quan an ninh điều tra.

Bị cáo mong HĐXX tuyên mức án nhẹ hơn đề nghị của đại diện VKSND.

Các bị cáo Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai, Sơn La), Đặng Hữu Thuỷ (cựu Hiệu phó trường THPT Tô Hiệu); Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng); Lò Thị Trường (trú tại thành phố Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục); Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) đều mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để các bị cáo có thể sớm trở về với gia đình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại