Ấn Độ ngày 18/1 vừa thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tân tiến nhất của nước này - Agni-V, đủ khả năng đặt mọi mục tiêu trên lãnh thổ Trung Quốc vào tầm ngắm.
Trung Quốc cũng nằm trọn trong phạm vi tấn công của các tên lửa hạt nhân mà Triều Tiên đang sở hữu, trong khi Nhật Bản đang cân nhắc phát triển các khả năng tương tự.
Thế nhưng, điều khá ngạc nhiên là Trung Quốc lại rất ít tập trung cho các nỗ lực phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa chống lại những mối đe dọa này.
Bruce W. MacDonald, chuyên gia hàng đầu về phòng thủ tên lửa Mỹ nhận định, trong những năm tới, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh triển khai một hệ thống phòng thủ chiến lược nhưng với một số lượng tên lửa đánh chặn có giới hạn.
Theo MacDonald, chương trình ICBM của Ấn Độ chính là nguyên nhân lớn nhất, hơn bất cứ mối đe dọa nào đến từ Triều Tiên, Nhật Bản hay Mỹ.
"Trung Quốc quan ngại về Triều Tiên nhưng lại không sợ bị tấn công", MacDonald chia sẻ trên Asia Times. "Việc Nhật Bản đang cân nhắc phát triển các tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân cũng không phải là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại".
"Trước những căng thăng biên giới ở Doklam hồi năm ngoái, Ấn Độ lại là một câu chuyện khác. Tuy nhiên, MacDonald cho rằng, "bất cứ công nghệ nào mà Trung Quốc triển khai đối phó với Ấn Độ cũng sẽ ở mức độ vừa phải" trừ phi các quan hệ với New Delhi diễn biến theo hướng không mong muốn.
Agni-V có thể đặt mọi mục tiêu trên lãnh thổ Trung Quốc vào tầm ngắm
Theo MacDonald, các tên lửa mà Ấn Độ và Trung Quốc chĩa vào nhau chủ yếu dùng cho mục đích răn đe hơn là chuẩn bị cho chiến tranh.
Trung Quốc thậm chí cũng không "để tâm" nhiều tới việc đối phó với ICBM của Mỹ mặc dù Washington đang không ngừng hiện đại hóa kho tên lửa của họ. MacDonald cho rằng, Bắc Kinh sẽ vẫn đi theo chính sách răn đe trước đây, tức coi việc sở hữu vũ khí hạt nhân đã là đủ để răn đe các cuộc tấn công nhằm vào Trung Quốc.
Thế nhưng, MacDonald lại lưu ý rằng, động cơ phía sau của Trung Quốc khi theo đuổi hệ thống phòng thủ tên lửa chính là để phát triển các vũ khí chống vệ tinh (ASAT).
"ASAT là lý do lớn nhất để Bắc Kinh theo đuổi một chương trình phòng thủ tên lửa", MacDonald nói, đồng thời nhấn mạnh, yếu tố này thậm chí còn lớn hơn cả những quan ngại của Trung Quốc về chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ.
Năm 2007, Trung Quốc đã từng bị quốc tế chỉ trích khi tiến hành một vụ thử ASAT nhằm vào một vệ tinh mục tiêu, đồng thời sự kiện cũng đã làm giảm sút uy tín của Trung Quốc về quan điểm vũ khí hóa vũ trụ.
Tuy nhiên, phá hủy hoặc làm mù các vệ tinh do thám của Mỹ được cho sẽ là một mục tiêu lớn trong chiến lược đối phó của Trung Quốc với Washington. Do vậy, dù phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa ở mức độ giới hạn nhưng đây lại chính là "bình phong" để Bắc Kinh tiếp tục thử nghiệm ASAT mà vẫn tránh được sự chỉ trích của quốc tế.
Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-V ngày 18/1/2018