Mải chạy theo Mỹ trong thương chiến, TQ khiến "khách sộp" uất ức vì bị gạt ra rìa: Hậu quả khôn lường?

Hồng Anh |

Liên minh Châu Âu - khách hàng lớn nhất của Trung Quốc hiện nay - ngày càng thất vọng khi Bắc Kinh hầu như chỉ tập trung giải quyết các vấn đề xung đột thương mại với Mỹ...

EU cảm thấy bị "ra rìa"

Liên minh Châu Âu (EU) ngày càng nản lòng khi không thể "kéo" Trung Quốc vào các cuộc thảo luận về kinh tế và thương mại với tổ chức này, vì Bắc Kinh hiện nay đang "tối mắt tối mũi" vì cuộc chiến thương mại với Mỹ, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hong Kong) dẫn lời các nhà quan sát ngoại giao.

Theo đó, cuộc thương chiến Mỹ-Trung kéo dài gần 15 tháng, với hàng loạt đòn trả đũa được hai bên tới tấp tung ra nhằm vào đối phương, đã khiến các quan chức Trung Quốc phải bận rộn nghĩ cách đối phó với Mỹ và không còn thời gian để tới gặp các đối tác châu Âu của họ tại Brussels, Bỉ theo kế hoạch đã định.

Gần đây, Bắc Kinh lại tiếp tục hoãn lịch gặp gỡ các quan chức EU để thảo luận về vấn đề cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ tháng này sang tháng sau, do các quan chức của họ phải tới dự cuộc đàm phán thương mại tại Washington trong các tuần tới.

Trung Quốc và EU đã tổ chức các cuộc họp cấp thứ trưởng để bàn chuyện của WTO lần đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái, nhưng kể từ đó tới nay, họ chỉ tổ chức được thêm 2 cuộc thảo luận nữa.

Trước đây các quan chức EU từng than phiền rằng các cuộc thảo luận của họ với phía Trung Quốc về vấn đề cải tổ WTO chỉ mới ở bề nổi, và khoảng cách (để đạt được thỏa thuận) giữa hai bên vẫn còn rất lớn.

"[EU] thật sự rất thất vọng khi thấy phái đoàn Trung Quốc đi một chặng đường xa xôi tới Washington chỉ để bị [Mỹ] chỉ trích và tiếp tục tăng thuế", SCMP dẫn lời một nguồn tin ngoại giao yêu cầu giấu tên.

Được biết, trong khi EU bị "bỏ rơi", thì tuần trước, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Liêu Mân đã dẫn đầu một phái đoàn tới Mỹ để chuẩn bị cho vòng đàm phán sắp tới giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Càng cố "câu giờ", Trung Quốc càng thiệt

Theo SCMP, trong chuyến thăm chính thức Bắc Kinh của Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi đầu tháng 9 vừa qua, các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc - trong đó bao gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cương - đã cam kết sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế của nước này.

Tuy nhiên, dù Bắc Kinh đã hứa hẹn như vậy, nhưng thực chất việc cải cách ở Trung Quốc đang diễn ra khá chậm chạp, và các nhà ngoại giao và doanh nghiệp châu Âu đã bắt đầu dần mất kiên nhẫn vì điều đó.

Mải chạy theo Mỹ trong thương chiến, TQ khiến khách sộp uất ức vì bị gạt ra rìa: Hậu quả khôn lường? - Ảnh 2.

Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã cam kết sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế của nước này. Ảnh: EPA-EFE

Thứ 3 tuần trước (24/9), Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc đã công bố một bản báo cáo kêu gọi EU tăng cường "chiến lược phòng thủ" chống lại các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc khi bộ phận doanh nghiệp này gần đây được chính phủ Bắc Kinh chú ý nhiều hơn, đồng thời nhận được số vốn tài trợ cũng như nhiều hợp đồng với chính phủ hơn.

Bên cạnh đó, hai khía cạnh tiếp cận thị trường và bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng là những vấn đề "gai góc" mà Bắc Kinh và Brussels vẫn chưa thể đạt được đồng thuận.

Theo một nguồn tin ngoại giao khác của SCMP, Trung Quốc đã từ chối giải quyết trực tiếp những vấn đề kể trên, do lo ngại rằng cách họ xử sự với EU có thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán của họ với Washington. Nguồn tin này cũng cho rằng Bắc Kinh có thể cũng đang áp dụng chiến thuật "câu giờ" để chờ EU chính thức thay đổi nhân sự từ ngày 1/11 tới.

Theo SCMP, Trung Quốc có lẽ cũng đang theo dõi sát sao các cuộc đàm phán giữa EU, Mỹ và Nhật Bản, nơi họ thường là "mục tiêu ngầm".

Trong bối cảnh phải đối mặt với nguy cơ suy thoái, EU khó có thể cưỡng lại sức hút của thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, EU vẫn là khách hàng tiêu thụ hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, và là nơi thu hút vốn đầu tư Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Mỹ.

Do tác động của cuộc thương chiến, ASEAN đã thế chân Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.

Theo nguồn tin ngoại giao thứ nhất của SCMP, Trung Quốc hiện đang phải đổi mặt với thách thức giải quyết xung đột với Mỹ trong khi tiếp tục mở cửa với những "đối tác tin cậy". Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh không thể đạt được đột phá trong các cuộc thảo luận về thương mại và đầu tư với bộ máy lãnh đạo đương nhiệm của EU, thì họ sẽ mất đi một cơ hội lớn.

Bộ máy lãnh đạo mới của EU sẽ không chủ động với Trung Quốc trong vòng 6 tháng đầu sau thời điểm nhậm chức, và thậm chí họ còn có thể quyết đoán hơn trong vấn đề Trung Quốc so với các nhà lãnh đạo đương nhiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại