Kremlin vừa nói "không", TT Putin liền bị đảng Dân chủ Mỹ đưa vào tầm ngắm: Giông tố ở Nhà Trắng có làm Nga lo lắng?

Hồng Anh |

Sau khi Hạ viện Mỹ chính thức mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump, 11 cuộc điện đàm trong vòng 3 năm qua của hai ông Trump-Putin cũng bắt đầu bị đảng Dân chủ "soi" đến.

Trước những "sóng gió" mới nổi lên trong Nhà Trắng gần đây về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ukraine, phía Nga hôm thứ 6 (27/9) tuần trước đã lên tiếng bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Mỹ sẽ không công bố nội dung các cuộc trao đổi riêng giữa lãnh đạo hai nước.

Cụ thể, Nhà Trắng trước đó đã công bố nội dung cuộc điện đàm ngày 25/7 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, trong đó cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đã thúc giục Ukraine "điều tra" cựu Phó Tổng thống Joe Biden - một trong những đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020 sắp tới.

Hạ viện Mỹ sau đó đã tuyên bố chính thức tiến hành cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump, và nội dung trao đổi giữa hai ông Trump-Zelensky hiện nay là bằng chứng trọng tâm của cuộc điều tra này.

Hôm thứ 6 tuần trước, khi được phóng viên hỏi liệu Moskva có lo ngại về việc các cuộc trao đổi giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bị công bố theo cách tương tự hay không, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã trả lời rằng "chúng tôi hy vọng quan hệ giữa hai nước - vốn đã có rất nhiều vấn đề - sẽ không đến mức tồi tệ như vậy".

Bình luận về vụ lùm xùm tại Nhà Trắng hiện nay, ông Peskov nhấn mạnh rằng đó là vấn đề nội bộ của Mỹ, tuy nhiên ông này cũng bình luận rằng việc nội dung cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo (vốn là chuyện tuyệt mật) bị công khai như vậy là điều "khá bất thường".

"Những ghi chú liên quan tới các cuộc trao đổi giữa các nguyên thủ quốc gia thường được bảo mật theo quy ước quốc tế", ông Peskov nói.

Nhiều quan chức và nghị sĩ Nga khác cũng đã phản ứng khá gay gắt về quyết định công bố nội dung cuộc điện đàm giữa hai ông Trump-Zelensky của Nhà Trắng.

"Chúng tôi đang chờ đợi [đảng Dân chủ của Mỹ] tiếp tục hành động", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bình luận. "Cứ để họ tiếp tục công bố nội dung các cuộc trao đổi giữa các thành viên NATO. Sẽ rất hữu ích nếu cả biên bản họp kín của CIA, FBI và Lầu Năm Góc cũng được tung ra. Hãy công bố tất cả đi!"

Bên cạnh đó, bà Zakharova cũng lên án Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vì đã đưa ra quyết định khiến biến nước Mỹ thành "trò cười".

Các cuộc điện đàm giữa hai ông Trump-Putin rơi vào tầm ngắm của đảng Dân chủ

Hai ngày sau khi phát ngôn viên điện Kremlin đưa ra tuyên bố trên, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff đã tiết lộ kế hoạch "nghiên cứu" kĩ lưỡng hơn về những cuộc trao đổi giữa ông Trump và các nhà lãnh đạo khác, đặc biệt là Tổng thống Nga Putin.

Cụ thể, trong chương trình Meet the Press (Gặp gỡ Báo giới) của đài NBC hôm Chủ nhật (29/9) vừa qua, ông Schiff cho biết ông lo ngại rằng cuộc điện đàm giữa các ông Trump-Zelensky chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, đồng thời tiết lộ về kế hoạch mở rộng phạm vi điều tra về những nội dung trao đổi khác mà Nhà Trắng muốn giấu giếm.

Kremlin vừa nói không, TT Putin liền bị đảng Dân chủ Mỹ đưa vào tầm ngắm: Giông tố ở Nhà Trắng có làm Nga lo lắng? - Ảnh 2.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff. Ảnh: Getty

Theo tiết lộ của người tố cáo bí ẩn, đây không phải là lần đầu tiên Nhà Trắng có động thái che giấu nội dung trao đổi giữa ông Trump và các nhà lãnh đạo khác. Điều này đã khiến Hạ viện Mỹ thêm quyết tâm điều tra ông Trump.

"Chúng tôi sẽ điều tra xem liệu trong những cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo khác, đặc biệt là ông Putin, Tổng thống [Trump] có các hành động gây tổn hại tới an ninh quốc gia nhằm đạt được lợi ích cá nhân trong chiến dịch tranh cử của mình hay không", ông Schiff nói.

"Nếu như Nhà Trắng cũng giấu giếm theo cách tương tự đối với các cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Putin hay với các nhà lãnh đạo khác, thì chứng tỏ chúng có vấn đề, và chúng tôi quyết tâm làm rõ điều đó đến cũng", theo Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ.

Trong vòng 3 năm qua, Tổng thống Trump đã thực hiện tổng cộng 11 cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, New York Times cho hay. Hầu hết nội dung của các cuộc điện đàm này đều được giữ bí mật - và có vẻ như Kremlin cũng muốn mọi việc diễn ra như vậy.

Một bài đăng gần đây của CNN cũng xác nhận rằng Nhà Trắng cũng hạn chế việc tiếp cận các bản ghi chép nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, cũng như cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Nga Putin. Nhiều quan chức Mỹ cho rằng đây là động thái khá bất thường, vì những cuộc trao đổi này thường không liên quan tới các thông tin nhạy cảm về an ninh quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại