Giới khảo cổ Trung Quốc từng lưu lại nhiều giai thoại về những sự việc tâm linh kỳ quái mà những kẻ trộm mộ gặp phải ví dụ như thi thể hàng trăm năm vẫn như đang nằm ngủ. Trong số những ngôi cổ mộ, nơi an nghỉ đế vương thường xuyên trở thành điểm oanh tạc của những kẻ mộ tặc.
Vậy nhưng, cho tới ngày nay, vẫn có nhiều ngôi mộ đế vương trở thành nỗi ám ảnh của giới đạo mộ, mà lăng tẩm của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn là một trong số đó.
Bí ẩn về lăng mộ "hớ hênh" nhất Trung Hoa
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn (927 – 976) là vị Hoàng đế khai quốc của nhà Tống. Khác với những Hoàng đế tiền triều, ngay từ khi mới đăng cơ, Tống Thái Tổ đã đặt luật lệ không xây lăng mộ khi còn sống.
Sau 17 năm tại vị, ngày 14/11/976, Tống Thái Tổ băng hà ở tuổi 50. Khi ông qua đời, lăng Vĩnh Xương mới bắt đầu được khởi công xây dựng.
Cũng bởi vậy mà linh cữu của Hoàng đế phải đặt trong cung Vạn Tuế tới 7 tháng sau mới được đưa đi an táng.
Toàn cảnh lăng Vĩnh Xương - nơi an nghĩ của Tống Thái Tổ cùng 7 vị vua nhà Bắc Tống khác. (Ảnh: nguồn internet).
Vĩnh Xương là quần thể lăng mộ của tám vị Hoàng đế nhà Bắc Tống, trong đó có Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn với diện tích lên tới 4000 mẫu.
Khác với lăng mộ đế vương của các triều đại trước đó và sau này, xung quanh lăng tẩm này chỉ trồng tùng bách, hoa cỏ, không hề có tường rào bao quanh. Từ xa nhìn lại, bốn phía lăng mộ rậm rạp như một cánh rừng, người dân vì thế hay gọi nơi đây là "Bách thành".
Mặc dù không có tường bao quanh, nhưng lăng Vĩnh Xương lại được bao phủ bởi tầng tầng lớp lớp cây cỏ, hoa lá. (Ảnh minh họa).
Điểm độc đáo khác ở Vĩnh Xương lăng là nơi đây chỉ chôn cất Hoàng đế, không hợp táng, chôn chung với các hoàng hậu, phi tần.
Về lăng mộ của Triệu Khuông Dẫn, sử nhà Tống có ghi lại: Sau linh đài nơi đặt lô nhang và bài vị vua Tống 20m là Hoàng đường đặt huyệt mộ cùng quan tài của Tống Thái Tổ.
Khi ông qua đời, triều đình khâm liệm kèm theo ngọc khuê, bảo kiếm, hoàng bào và rất nhiều loại minh khí.
Giai thoại ám ảnh hậu thế và kết cục "gặp ma" mộ tặc
Cho tới nay, lăng mộ của Tống Thái Tổ vẫn chưa được giới khảo cổ khai quật, nhưng những giai thoại ám ảnh về nơi đây đã được giới mộ tắc nhiều đời truyền tai nhau.
Sau khi chiếm được kinh độ nhà Bắc Tống, người Kim thiết lập bộ máy cai trị Đại Tề, do Lưu Dân cai quản. Bấy giờ, Lưu Dân thành lập "đào sa quan", công khai đào bới, vơ vét vàng bạc, châu báu và đồ tùy táng quý giá trong những lăng tẩm của các vua nhà Tống.
Trước phong trào "đạo mộ" của giai cấp thống trị, bách tính cũng tranh thủ "hôi của", giới mộ tặc lại càng được dịp "đục nước béo cò". Vĩnh Xương lăng cũng bắt đầu trở thành mục tiêu "ghé thăm" của quan quân, người dân và những kẻ trộm mộ.
Trải qua hơn một thế kỷ, lăng mộ của Tống Thái Tổ từ sớm đã hao mòn cùng năm tháng. (Ảnh: nguồn internet).
Tương truyền rằng, vào cuối những năm nhà Kim đô hộ, giới "đạo mộ" có một kẻ họ Chu khét tiếng với biệt hiệu "Chu tất kiểm".
Sở dĩ kẻ họ Chu này sở hữu gương mặt "như bị đổ sơn" là bởi sự báo ứng từ lời nguyền của lăng mộ vua Tống Thái Tổ.
Trước kia, hàng xóm của y là hậu duệ của người từng trông giữ lăng Vĩnh Xương. Khi đó, gia đình người này thường truyền tai nhau rằng triều đình nhà Tống khi an táng Tống Thái Tổ có chôn kèm một chiếc đai ngọc vô cùng quý giá.
Đai ngọc của Triệu Khuông Dẫn là báu vật "độc nhất vô nhị" trên thế gian, mạt trên có khảm 49 viên dạ minh châu, 49 viên kim cương, 49 miếng phỉ thúy, được cài trên thắt lưng của nhà vua khi khâm liệm và chôn cất.
Chiếc đai lưng bảo vật của Tống Thái Tổ đã trở thành mục tiêu của không ít mộ tặc đương thời. (Ảnh minh họa).
Xuất thân là "con nhà nòi" trong một dòng họ đạo mộ có truyền thống, kẻ họ Chu kia cũng đã có thâm niên nhiều năm trong nghề đào mộ. Vừa nghe được xuất xứ của chiếc đai ngọc kia, y lập tức có chủ ý đột nhập vào lăng Vĩnh Xương.
Lúc bấy giờ vừa hay có "phong trào" đào mộ, mà Vĩnh Xương lăng vốn không có tường rào ngăn cách, họ Chu kia dễ dàng vào được lăng tẩm của Tống Thái Tổ.
Sau khi cậy nắp quan tài, Chu không khỏi sợ hãi khi thấy thi thể của Triệu Khuông Dẫn sau cả trăm năm vẫn nguyên vẹn như người say ngủ.
Những thi thể trải qua hàng trăm năm vẫn nguyên vẹn như người đang say ngủ là nỗi ám ảnh của không ít mộ tặc. (Ảnh minh họa).
Trong lòng kẻ họ Chu vốn có hơi hoảng sợ, nhưng khi nhìn thấy chiếc đai ngọc quý giá ở thắt lưng nhà vua, lòng tham của y lại nổi lên.
Để có thể tháo được đai lưng, Chu liền dùng một sợi dây thưng, buộc một đầu vào cổ nhà vua, còn đầu kia buộc ngang lưng chính mình rồi ra sức mà kéo, quả nhiên thấy được chiếc đai ngọc quý giá trên thi thể nhà vua.
Nghĩ rằng kéo xác lên sẽ dễ dàng tháo đai lưng, y liền dùng một sợi dây thừng, buộc một đầu vào vai xác chết, đầu kia buộc ngang thắt lưng chính mình, mặt đối mặt với xác chết rồi ra sức mà kéo.
Đây chính là chiêu thức "thiếp diện đạo" được giới mộ tặc chuyên dùng để "chôm" bảo vật trên người các xác ướp.
Phương pháp này quả nhiên phát huy hiệu quả, thi thể của Triệu Khuông Dẫn nhanh chóng được kéo lên. Nhưng vì dây thừng thít cổ thi thể quá chặt, kẻ họ Chu kia chưa kịp rút đai lưng bảo vật, miệng Tống Thái Tổ bất ngờ phun ra một chất dịch màu đen.
Vừa bất ngờ lại vừa hoảng hốt, nhưng Chu chỉ kịp vuốt tay lau mặt, vội tháo đai lưng rồi chạy ra khỏi mộ địa.
Giai thoại về "báo ứng" của kẻ trộm họ Chu đã khiến lăng mộ của Tống Thái Tổ trở thành nỗi ám ảnh của giới mộ tặc. (Tranh minh họa).
Khi về tới nhà, còn chưa kịp vui mừng vì chôm được bảo vật, Chu đã hoảng hốt vì thấy vết dịch trên mặt rửa thế nào cũng không sạch, mặt như bị một lớp sơn đen bao phủ.
Sau đó, không ai biết chiếc đai ngọc kia đã được Chu xử lý ra sao, nhưng biệt hiệu "Chu tất kiểm" mãi theo y tới cuối đời, như một minh chứng ám ảnh nhắc nhở y về tội lỗi mạo phạm giấc ngủ của vị Hoàng đế khai quốc nhà Tống.