Bí ẩn liên minh Nga - Iran ở Syria

Xuân Mai |

Iran và Nga gia tăng bất đồng sau khi đạt được mục tiêu bảo đảm sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad

Lợi thế trong cuộc nội chiến ở Syria dường như đang nghiêng về phía chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Dù vậy, một trong những yếu tố then chốt định hình tương lai của Syria lại là bản chất và sự bền vững của mối quan hệ giữa hai nước đã cứu chính quyền ông Assad khỏi sụp đổ: Iran và Nga.

Tehran và Moscow đã hợp tác để củng cố chính quyền ông Assad nhưng bản chất của mối quan hệ liên minh này vẫn là một ẩn số. Mỗi bên đều có mục đích riêng khi muốn chính quyền này tồn tại. Những diễn biến gần đây, đặc biệt là mối lo ngại của Israel về Iran, bắt đầu làm sáng tỏ phần nào vấn đề nói trên, qua đó hé lộ lập trường của ông Putin. Iran và Nga đang không đi chung đường.

Quan điểm của Israel ngay từ đầu cuộc nội chiến ở Syria đã rõ ràng. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ không tham gia cuộc xung đột trừ khi có những "lằn ranh đỏ" bị xâm phạm, bao gồm: phong trào Hezbollah (ở Lebanon) sở hữu vũ khí tiên tiến, mở ra mặt trận mới chống Israel từ Syria và sự hiện diện quân sự lâu dài của Iran ở Damascus.

Israel liên tục ném bom các đoàn xe vận chuyển vũ khí và cơ sở vũ trang của Hezbollah. Việc Nga can dự vào cuộc xung đột Syria năm 2015 làm dấy lên khả năng hệ thống phòng không của Moscow sẽ cản trở các cuộc không kích của Israel. Thế nhưng, khi chính quyền ông Assad củng cố lợi thế, Israel thậm chí còn ra tay phá hủy các mục tiêu mà họ xem là những vị trí Iran có thể sử dụng để tấn công Tel Aviv. Israel làm điều này với sự đồng ý ngầm từ Nga.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu thường xuyên gặp mặt Tổng thống Vladimir Putin và có những dấu hiệu cho thấy cả hai tìm được tiếng nói chung về những khía cạnh quan trọng của tương lai Syria. Đây rõ ràng là thông tin đáng lo đối với Iran.

Ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Nga sẵn sàng chứng kiến lực lượng Iran bị tấn công tại Syria xảy ra gần một tháng trước. Khi đó, Iran và Israel có vụ đụng độ dọc theo biên giới Syria - lần đụng độ trực tiếp đầu tiên sau nhiều năm căng thẳng gia tăng.

Vụ việc xảy ra vào ngày 10-5, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Israel cáo buộc Iran phóng một loạt tên lửa từ Syria qua biên giới và trả đũa bằng cách tấn công hàng chục mục tiêu của Iran ở Syria. IDF cho biết đã nhắm trúng các trụ sở hậu cần thuộc Lực lượng Quds tinh nhuệ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRG) cũng như kho vũ khí, hệ thống tình báo và các cơ sở khác. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cảnh báo "nếu mưa xảy ra ở Israel thì sẽ có lũ lụt ở Iran".

Mỹ đứng về phía Israel, cho rằng Iran nên kiềm chế khiêu khích hơn nữa. Trong diễn biến hiếm hoi, Liên minh châu Âu (EU) cũng có động thái tương tự khi tuyên bố Israel có quyền tự vệ, đồng thời nói vụ đụng độ gây lo ngại nghiêm trọng.

Đối với Nga, họ không nói gì nhiều. Nhưng ông Netanyahu đã dành 10 giờ để nói chuyện với Tổng thống Putin ngay trước khi cuộc phản công nổ ra. Rõ ràng, ông chủ Điện Kremlin đã bật đèn xanh. Hệ thống phòng không của Moscow không hề ngăn chặn các máy bay của Israel trong khi Bộ Ngoại giao Nga hối thúc Iran và Israel giải quyết bất đồng bằng con đường ngoại giao.

Nhiều khả năng những trao đổi hậu trường giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Putin có thể trở thành một thỏa thuận chính thức. Truyền thông Israel trong tuần qua đưa tin Israel và Nga đạt được thỏa thuận bí mật nhằm giữ cho lực lượng Iran tránh xa biên giới ở miền Nam Syria. Theo đó, Israel sẽ chấp nhận cho quân đội Syria trở lại khu vực biên giới dọc cao nguyên Golan và Nga bảo đảm không có lực lượng nào của Iran hoặc dân quân người Shiite, phong trào Hezbollah được phép hiện diện tại đây.

Ngoài ra, Nga sẽ thúc giục tất cả lực lượng nước ngoài rời khỏi Syria, bao gồm Iran, phong trào Hezbollah, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Cho dù thỏa thuận trên có xác thực hay không thì rõ ràng là cuộc chiến ở Syria đã bước sang giai đoạn mà Iran và Nga xung đột về mục tiêu. Nga muốn một Syria ổn định, được kiểm soát bởi chính quyền vững mạnh và duy trì quan hệ tốt với Moscow, qua đó bảo đảm Nga có thể tiếp cận Địa Trung Hải.

Về phần mình, Iran muốn khống chế được chính quyền ở Syria nhằm dễ dàng chuyển vũ khí đến phong trào Hezbollah ở Lebanon và thiết lập một hành lang từ Iran đến Địa Trung Hải. Trên hết, Iran muốn tăng cường và duy trì hiện diện quân sự ở Syria.

Sự khác biệt nói trên khiến căng thẳng giữa Iran và Nga tăng lên thấy rõ. Hồi đầu tháng 5, ông Putin cho rằng tất cả lực lượng nước ngoài nên rời khỏi Syria khi Tổng thống Assad giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Iran phản pháo không ai có thể yêu cầu lực lượng Iran rời đi.

Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây cho thấy Nga cũng chưa thực sự quyết định về chuyện đi hay ở của lực lượng Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov hồi tuần rồi nhấn mạnh chỉ có quân đội Syria mới được hiện diện ở khu vực nước này giáp với Israel nhưng lại không đề cập tới những địa điểm khác.

Trước mắt, cả Moscow và Damascus vẫn cần các lực lượng trung thành với Tehran, như phong trào Hezbollah và lực lượng Quds, chống lại các phiến quân đối đầu với chính quyền ông Assad. Song song đó, các cuộc đàm phán song phương giữa Israel và Nga vẫn tiếp tục, phần nào chỉ ra những hạn chế trong mối quan hệ đối tác Iran - Nga, vốn đang bị xói mòn sau khi đạt được mục tiêu bảo đảm sự tồn tại của chính quyền ông Assad.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại