Bí ẩn kho VK hạt nhân ở Kaliningrad: Nga thấy mình yếu hơn, không còn gì để phô diễn nữa?

QS |

Nga dường như đang tiến hành kế hoạch cải tạo đầy tham vọng đối với một boong-ke quân sự ở Kaliningrad - nơi có thể được sử dụng để cất trữ vũ khí hạt nhân.

Kho vũ khí hạt nhân đáng ngờ ở Kaliningrad

Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation (JF), trụ sở tại Washington D.C, vùng Kaliningrad của Nga đang là nơi diễn ra một số trận đấu trong khuôn khổ Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup 2018), tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nó lại thu hút sự chú ý rộng rãi bởi một nguyên nhân hoàn toàn khác.

Hôm 18/6, truyền thông phương Tây đưa tin Nga dường như đang tiến hành kế hoạch cải tạo đầy tham vọng đối với một boong-ke quân sự ở Kaliningrad - nơi có thể được sử dụng để cất trữ vũ khí hạt nhân.

Thông tin này được chứng thực bằng các hình ảnh vệ tinh. Giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ - Hans M. Kristensen - cho biết, "Trong 2 năm qua, quân đội Nga đã tiến hành cải tạo trên quy mô lớn tại một nơi có vẻ như là cơ sở cất trữ vũ khí hạt nhân ở vùng Kaliningrad, cách biên giới Ba Lan khoảng 50km".

Bí ẩn kho VK hạt nhân ở Kaliningrad: Nga thấy mình yếu hơn, không còn gì để phô diễn nữa? - Ảnh 1.

Cơ sở được cho là boong-ke chứa vũ khí hạt nhân tại Kaliningrad. Ảnh: Fas.org

Tờ Tages-Anzeiger của Thụy Sĩ cho rằng, nhờ có cơ sở hạ tầng được nâng cấp này, Nga có thể nhanh chóng triển khai đến Kaliningrad những vũ khí hạt nhân phi chiến lược hiện đang được cất trữ tại khu vực trung tâm của Liên bang Nga trong trường hợp có khủng hoảng lớn xảy ra.

Điều đó sẽ đặt toàn bộ lãnh thổ Ba Lan trước nguy cơ bị tấn công.

Dựa trên hình ảnh được công bố, các nguồn tin từ Nga đã có thể xác định vị trí của boong-ke đề cập ở trên: Nó nằm giữa làng Kulikovo và Zviagintsevo, mặc dù theo dữ liệu năm ngoái, có nhiều cơ sở tương tự tại Kaliningrad có thể được sử dụng vào mục đích tương tự.

Bí ẩn kho VK hạt nhân ở Kaliningrad: Nga thấy mình yếu hơn, không còn gì để phô diễn nữa? - Ảnh 2.

Phạm vi bao phủ của tên lửa Iskander khi được bắn từ Kaliningrad. Ảnh: Daily Mail

"Vén màn" bí ẩn

Trong khi đó, truyền thông Nga cho rằng, những bức ảnh được đưa ra không chứng thực được sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Nga tại Kaliningrad. Hình ảnh vệ tinh (do phương Tây cung cấp) không chứng minh được điều gì ngoài thực tế là "Nga đang tiến hành một số công tác sửa chữa và xây dựng tại đó".

Một số tờ báo thậm chí còn cáo buộc "các nhà khoa học Mỹ cố tình lan truyền thông tin này" nhằm mục đích "phá đám không khí World Cup 2018" và đánh tiếng rằng Nga đang tích cực chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự với NATO.

Tuy nhiên, theo JF, những chương trình phát triển trước đó của Nga nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng có liên quan và màn phô diễn sức mạnh của tên lửa đạn đạo Iskander-M tại vùng lãnh thổ chiến lược này cho thấy hoàn toàn có khả năng vũ khí hạt nhân hiện diện tại Kaliningrad, chứ không chỉ là nói quá hay tuyên truyền chống Nga.

Bức màn bí ẩn xoay quanh vũ khí hạt nhân tại Kaliningrad đã được vén lên hồi tháng trước bởi một nguồn tin địa phương giấu tên. Người này cho biết hiện nay Hạm đội Baltic (đóng tại Baltiysk, Kaliningrad) đã có trong tay một lữ đoàn tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Song, cũng theo nguồn tin, phía Nga khá tránh việc triển khai các tổ hợp tên lửa đạn đạo này trong các cuộc tập trận quân sự tại Kaliningrad để "không kích động Ba Lan và Lithuania", và quan trọng hơn là "tránh làm lộ vị trí, cũng như số lượng thực của chúng".

Bí ẩn kho VK hạt nhân ở Kaliningrad: Nga thấy mình yếu hơn, không còn gì để phô diễn nữa? - Ảnh 3.

Tên lửa Iskander tại Kaliningrad đã trở thành mối lo ngại rất lớn của phương Tây. Ảnh: Wiki

Các chương trình phát triển đề cập phía trên tại Kaliningrad một lần nữa làm dấy lên hoài nghi liệu Moscow có xem lực lượng hạt nhân như một công cụ chống kiềm chế hay không.

Hồi đầu năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, "Phát triển các lực lượng hạt nhân chiến lược là một ưu tiên không thể tranh cãi đối với các lợi ích quốc gia Nga".

Nhưng vị Bộ trưởng cũng lưu ý rằng "Vai trò như 'công cụ kiềm chế, răn đe kẻ địch' của vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ giảm bớt do hiện nay năng lực tấn công chính xác đang có vai trò ngày càng lớn mạnh".

Nhiệm vụ quan trọng này sẽ được giao phó cho các tên lửa hành trình Kalibr 3M-54, cũng như các loại vũ khí khác đã được thử nghiệm tại Syria.

Quyết định của Nga khi bắt tay tích lũy vũ khí hạt nhân tại Kaliningrad có thể có liên quan tới một mục tiêu rộng lớn hơn.

Thật vậy, việc Nga tập trung vào năng lực tấn công chính xác, kết hợp với triển khai các loại vũ khí hiện đại như S-400, K-300P Bastion-P, 3K60 Bal, Pantsir-S1 đã biến Kaliningrad trở thành một "quả bong bóng" nhiều lớp chống tiếp cận/chống xâm nhập.

Thế nhưng, đối với Moscow, những hệ thống này vẫn chưa hoàn toàn đủ khả năng để chống chọi được "giai đoạn đầu của chiến tranh" nếu xung đột với các lực lượng NATO nổ ra.

Theo JF, suy nghĩ này ngầm xuất phát từ kinh nghiệm tác chiến ở Syria và các bình luận/đánh giá liên quan mà các quan chức quân sự và chuyên gia Nga đưa ra.

Chẳng hạn, Đại tá Leonid Ivashov - Chủ tịch Học viện Các vấn đề địa chính trị, đã công khai phê phán màn phô diễn sức mạnh quân sự của Nga tại Syria.

Theo ông Ivashov, trong giai đoạn 2 của cuộc xung đột (sau đợt rút quân chính thức của lực lượng Nga), phía Nga đã bắt đầu hứng chịu tổn thất nặng nề hơn, chủ yếu do Mỹ không ngại ngần tấn công các lực lượng liên minh với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Vị chuyên gia tuyên bố "Nga không phải là đối thủ tương xứng với Mỹ, ngay cả trên chiến trường".

Ông Ivashov chỉ ra rằng, mặc dù các lực lượng Nga đã thể hiện tốt "trong cuộc xung đột cục bộ chống lại lực lượng khủng bố được trang bị yếu và nghèo nàn" nhưng so với Mỹ, Nga không có gì để phô diễn "ngoài lực lượng hạt nhân chiến lược hiện không được triển khai tại Syria".

Theo JF, những đánh giá này rất quan trọng, bởi nó giúp hiểu được Nga đang tính toán điều gì khi nâng cấp các boong-ke hạt nhân tại Kaliningrad.

Nói cách khác, bất chấp một số thành công chiến thuật mà Nga đã thể hiện trong giai đoạn 2014-2018, việc nâng cấp boong-ke hạt nhân tại Kaliningrad rõ ràng cho thấy Moscow cũng tin rằng các lực lượng vũ trang Nga khá yếu và dễ bị tấn công trong bất cứ cuộc xung đột nào với phương Tây.

Vì thế, vũ khí hạt nhân sẽ tiếp tục đóng vai trò là phương tiện quan trọng để chống kiềm chế đối với Nga.

Một cuộc tập trận của Nga tại Kaliningrad

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại