Hãy tưởng tượng bạn thường xuyên bị tát và đấm bởi chính bàn tay của mình, hoặc khi đi vào cửa hàng và muốn rẽ phải thì cái chân lại quyết định rẽ sang trái, khiến bạn cứ loạng choạng và xoay tròn.
Nghe như chuyện giả tưởng nhưng thực tế, đây là đặc điểm của một căn bệnh bí ẩn mà các nhà khoa học gọi là “Hội chứng bàn tay ngoài hành tinh”.
Bàn tay “vô kỷ luật”
Hội chứng Bàn tay ngoài hành tinh (Alien Hand Syndrome – AHS) được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1908 nhưng mãi đến năm 1972 mới chính thức được giới y khoa xác định và quan tâm nghiên cứu.
Hội chứng này còn có tên gọi khác là “Bàn tay vô chính phủ” hay hội chứng Dr.Strangelove - lấy theo tên một nhà khoa học có cánh tay không kiểm soát được trong bộ phim cùng tên sản xuất năm 1964 của đạo diễn nổi tiếng Stanley Kubrick.
Người mắc hội chứng AHS có cảm giác hoàn toàn bình thường về đôi tay của mình. Tuy nhiên, dường như chúng có khả năng hoạt động độc lập với ý nghĩ chủ quan của chủ nhân, dẫn đến hậu quả là não nghĩ một đằng, cánh tay lại làm một nẻo, cứ như thể nó là một bộ phận của một người khác vậy.
Những gì “bàn tay ngoài hành tinh” biểu hiện có thể khác nhau ở mỗi người. Đôi khi, một người cảm nhận được điều mà bác sĩ gọi là “bàn tay thừa” - nghĩa là họ cảm thấy như mình có thêm một chi nữa. Thông thường, người mắc chứng này thậm chí không nhận ra bàn tay đang làm điều gì, cho đến khi họ nhìn thấy nó thực sự chuyển động hoặc cảm nhận nó chạm vào một vật nào đó.
Trường hợp nghiêm trọng được gọi là “xung đột giữa các tay” - thuật ngữ y học chỉ trường hợp một tay làm việc để phá hủy bất kỳ nhiệm vụ nào mà tay kia đảm nhận.
Ví dụ, nếu một người mắc hội chứng AHS cho thứ gì đó vào miệng, bàn tay của người ngoài hành tinh lại móc nó ra. Không chỉ đơn giản hủy bỏ công việc của bàn tay bình thường, bàn tay ngoài hành tinh còn tự ý hành động theo suy nghĩ của nó, chẳng hạn như chộp lấy mọi thứ và thậm chí tát, đấm, bóp cổ chủ nhân của mình.
Đó là những gì đã xảy ra với Karen Byrne, người đã trải qua cuộc phẫu thuật để điều trị chứng động kinh suy nhược ở tuổi đôi mươi. Bà tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật với cảm giác khỏe khoắn, cho đến khi tay trái đột nhiên cởi quần áo giữa phòng bệnh, trong khi bà nói chuyện với bác sĩ phẫu thuật mà không thể làm gì để ngăn chặn nó.
Các bác sĩ đã chẩn đoán Karen mắc “Hội chứng Bàn tay ngoài hành tinh”. Vì không có cách chữa trị hội chứng này nên bà phải học cách sống chung với tình trạng quái lạ của mình.
Theo thời gian, bà bắt đầu cảm thấy có một khuôn mẫu nào đó trong hành vi tự phát của tay trái. Đôi lúc nó rất bạo lực, đánh vào mặt bà mạnh đến mức để lại vết bầm tím. Karen cảm thấy nó đang cố trừng phạt bà vì những điều mà bà hành xử sai, như hút thuốc lá, chửi bới hoặc cư xử không tử tế…
Không phải lúc nào Karen Byrne cũng thích điều đó, nhưng bà nghĩ rằng bàn tay ngoài hành tinh đang cố gắng khiến bà trở thành một người tốt hơn.
Bà Karen Byrne đau khổ vì thường xuyên bị bàn tay của chính mình hành hạ.
Đâu là nguyên nhân?
Nguyên nhân gây ra “Hội chứng Bàn tay ngoài hành tinh” còn chưa rõ ràng, nhưng các nhà khoa học cho rằng nó có liên quan đến não bộ. Một manh mối cho giả thuyết này có thể là tình trạng xảy ra phổ biến ở những người đã trải qua phẫu thuật tách hai bán cầu não, giống như trường hợp của Karen Byrne.
Biện pháp này được gọi là phẫu thuật cắt bỏ thể chai (corpus callosotomy), thường được thực hiện trong trường hợp động kinh nghiêm trọng, liên quan đến việc cắt đứt các sợi giữ não lại với nhau. Điều này ngăn chặn các tín hiệu điện gây ra bệnh động kinh trong não, nhưng nó cũng có thể cản trở cách não gửi tín hiệu để cử động các chi khiến bàn tay hoạt động ngoài ý muốn của bệnh nhân.
Từ hội chứng thần kinh kỳ lạ này, các nhà khoa học có thể hiểu rõ hơn về sự giới hạn của ý chí con người. Một câu hỏi được đặt ra là cơ thể con người có thể thoát ly khỏi sự chi phối của bộ não không và thoát ly đến đâu? Bệnh nhân có vẻ ý thức được hành động của mình nhưng không thể làm chủ được nó. Bàn tay lúc đó dường như có một “đời sống” riêng.
Mặc dù gần như đã hiểu về cơ chế gây bệnh, cũng như những tác hại mà bệnh nhân sẽ phải gánh chịu cả đời nhưng cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra một biện pháp hữu hiệu nào để điều trị hội chứng lạ lùng này.
Hội chứng Bàn tay ngoài hành tinh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1908 bởi nhà thần kinh học người Đức Kurt Goldstein. Đây là một tình trạng cực kỳ hiếm gặp, ước tính xảy ra ở khoảng 0,006% bệnh nhân đột quỵ có tổn thương chai (corpus callosum). Tuy nhiên, hội chứng này cũng có thể phát sinh từ các nguyên nhân khác, bao gồm khối u não, phẫu thuật não, nhiễm trùng và các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và bệnh Creutzfeldt-Jakob.
Theo Allthatsinteresting