Loài cá có vẻ ngoài giống thằn lằn
Tại Vườn Quốc gia Tam Đảo có một loài cá được xem là "báu vật" và tên của chúng có trong Sách đỏ Việt Nam, đó là cá cóc Tam Đảo.
Theo báo Tuổi trẻ, cá cóc Tam Đảo được tìm thấy từ năm 1934.
Cá cóc Tam Đảo là loài cá có vẻ ngoài giống thằn lằn. (Ảnh: Đại học Thái Nguyên)
Cá cóc Tam Đảo - Paramesotriton deloustali nhìn rất giống các loài thằn lằn và rất có thể chúng ta nghi ngờ nó có họ hàng với loài khủng long hay những loài bò sát khác. Nhưng cá cóc là loài Lưỡng cư, chúng là tổ tiên của các loài khủng long vì xét về tiến hóa thì Cá cóc tiến hóa từ Cá, thuộc Lớp Lưỡng cư và thuộc Bộ Lưỡng cư có đuôi Caudata. Nhóm này xuất hiện từ kỷ Devon trong Đại cổ sinh cách đây khoảng 420 triệu năm. Trong khi đó Khủng long thuộc lớp Bò sát xuất hiện kỷ Trias của Đại trung sinh cách đây khoảng 250 triệu năm.
Trong danh mục thực vật, động vật rừng quý hiếm của Việt Nam, cá cóc Tam Đảo là thành viên số 36. Vị trí này đã ghi nhận sự đặc biệt của loài cá đặc hữu chỉ có ở Tam Đảo.
Các nhà khoa học cho rằng cá cóc Tam Đảo là tổ tiên của loài khủng long còn sót lại. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Sách đỏ Việt Nam ghi: Cá cóc Tam Đảo có tên khoa học là Paramesotriton deloustali, thuộc họ cá cóc Salamandridae, Bộ Nhái ếch có đuôi Caudata. Cấp độ nguy cấp bậc E (sắp tuyệt chủng). Nó được ghi nhận là một trong năm loài cá cóc Việt Nam, theo chương trình hợp tác nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Việt Nam giữa Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật với Bảo tàng động vật Konic Bon (Đức).
Cá cóc Tam Đảo còn được gọi là tắc kè nước, sa giông bụng hoa hay cá cóc bụng hoa.
Ngoài ra, cá cóc Tam Đảo cũng được chính phủ xếp vào nhóm 1B (những loài cần bảo vệ đặc biệt, cấm hoàn toàn việc khai thác) trong phụ lục IB Nghị định 32/2002/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ Việt Nam.
Phần bụng của loài cá này rất đẹp mắt nên chúng còn được gọi là cá cóc bụng hoa. (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô)
Theo trang web của Vườn Quốc gia Tam Đảo, cá cóc Tam Đảo có cơ thể dài giống như thằn lằn, chúng có đuôi dẹp và da thiếu vảy. Cá cóc có thể di chuyển và sống cả trên cạn lẫn dưới nước, khi di chuyển trên cạn loài này dùng 2 chi trước của mình, hình thù của nửa thân trước cùng dáng di chuyển có phần giống với loài cóc sống trên cạn.
Trên da cá cóc Tam Đảo có nhiều mụn cóc xù xì và tiết chất nhầy, những mụn cóc này thường mọc thành dãy dọc sống lưng kéo dài tới đuôi. Lưng cá cóc Tam Đảo có màu đen. Bụng màu đỏ có những đường xám đen nối với nhau tạo thành hình mạng vân đỏ. Sở dĩ chúng được gọi là "cá" vì phần thân trước có 2 chi nhỏ nhô ra giúp chúng có thể di chuyển dễ dàng, bên cạnh đó là thân có vây và đuôi giống cá. Chiều dài cá cóc Tam Đảo khoảng 14 cm đến 20 cm.
Cá cóc Tam Đảo có thể di chuyển và sống cả trên cạn lẫn dưới nước. (Ảnh: VietNamNet)
Miêu tả của trang Sinh vật rừng Việt Nam, con cái thường lớn hơn con đực. Đặc biệt vào mùa sinh sản ở cá cóc đực có một dải xanh sáng chạy suốt hai bên mặt đuôi. Mép đuôi thường đỏ da cam, nhất là phần gần hậu môn. Cá cóc có 4 chi ngắn nhưng khỏe, bò khá nhanh trên mặt đất. Trong nước, cá cóc bơi chủ yếu bằng những uốn lượn của đuôi, chân áp sát thân mình.
Cá cóc Tam Đảo ăn sâu bọ, nhện giun, nòng nọc, ếch nhái con và rong rêu. chúng giao phối vào tháng 3 - 4 bằng cách cuốn đuôi và ép lỗ sinh dục vào nhau. Ngoài tự nhiên, sau khi thụ tinh xong, cá cóc cái bò lên cạn đẻ trứng ở các đám lá mục, ẩm dưới các tảng đá cách suối không xa.
Chúng là loài cá rất có giá trị về khoa học. (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô)
Cá cóc cái đẻ nhiều lần trong một vụ, đẻ cả ban ngày và ban đêm, mỗi lần đẻ với số lượng trứng rất khác nhau (từ 2 - 36 quả). Tỷ lệ nở của trứng và sự phát triển của nòng nọc phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt độ môi trường, nhiệt độ thích hợp nhất từ 17 độ C- 27 độ C. Nòng nọc có mầu đen, có mang ngoài mầu đỏ hồng ở hai bên mang tai, bụng sáng và sau quãng 2 tháng ngả vàng và xuất hiện những mạng lưới đen như họa tiết ở bụng con trưởng thành. Mang ngoài tiêu dần và biến mất ở tháng 4 - 5, ở giai đoạn này cá cóc thường bò lên cạn (trong tự nhiên giai đoạn này vẫn chưa được nghiên cứu kỹ).
Cá cóc Tam Đảo sống ở các suối chảy chậm và hồ nước ở vùng núi ở Vườn quốc gia Tam Đảo. Chúng ưa sống ở những vực nước sâu và trong, hoạt động và kiếm ăn ban ngày. Đây là loài đặc hữu chỉ tìm thấy ở Việt Nam nên chúng rất có giá trị về khoa học.
Loài cá có nguy cơ tuyệt chủng cao
Trong 10 năm gần đây, số lượng cá cóc Tam Đảo đã giảm đi đáng kể. (Ảnh: Pixabay)
Số lượng cá cóc Tam Đảo trong 10 năm gần đây giảm đáng kể do các hoạt động săn bắt loài động vật này nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Một trong số đó là dùng để buôn bán, điều chế thuốc, hay sưu tầm làm động vật quý hiếm... Một số nghiên cứu cho thấy số lượng của loài cá này còn rất ít và hiếm gặp, thậm chí còn có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Theo VietnamPlus, để bảo tồn, khôi phục và phát triển loài cá cóc Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ cá cóc ở khắp các địa phương quanh khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Một số nghiên cứu cho thấy số lượng của loài cá này còn rất ít và hiếm gặp, thậm chí còn có nguy cơ tuyệt chủng cao. (Ảnh: iStock)
Chính quyền địa phương và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tam Đảo sẽ có hình thức xử phạt thật nghiêm về hành vi săn bắt, mua bán trái phép cá cóc Tam Đảo. Các chi cục, hạt, trạm kiểm lâm đẩy mạnh quản lý việc thu mua, săn bắt cá cóc Tam Đảo.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác trồng rừng, phục hồi thảm thực vật ở các sườn dốc, bảo vệ rừng mới trồng nhằm khôi phục và bảo tồn loại cá cóc quý hiếm này; đồng thời nghiêm cấm việc chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác quá mức các sản phẩm của rừng như gỗ, củi, măng, cây thuốc, cây cảnh, khai thác khoáng sản… làm hủy hoại nghiêm trọng đến môi trường sống của cá cóc Tam Đảo.
Các nhà khoa học đã tiến hành đưa cá cóc Tam Đảo nuôi thử nghiệm trong môi trường bán tự nhiên để bảo tồn loài cá đặc biệt này. (Ảnh: Kinh tế Môi trường)
Đồng thời, tỉnh cũng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mạnh vùng trồng cây thuốc, phát triển du lịch, nghề phụ chế biến nông sản tại các vùng miền núi để người dân sống không phụ thuộc vào rừng.
Về phía các nhà khoa học, họ đã tiến hành đưa cá cóc con nuôi thử nghiệm trong môi trường bán tự nhiên tại các suối, hồ vùng núi Tam Đảo, giúp cá cóc thích nghi dần với điều kiện môi trường sống tự nhiên nhằm bảo tồn, lưu giữ loài cá cóc đặc hữu này.