Chúng ta đều biết, xe lửa muốn vận hành được an toàn, không gặp phải nguy hiểm cần phải có đường ray. Các vì sao trên bầu trời vận hành cũng phải tuân theo một quỹ đạo nhất định, cho nên mới có thể ở trên bầu trời cao mà vận hành an toàn hàng trăm năm qua. Vận mệnh của con người cũng là có quỹ đạo, đó chính là “sinh lão bệnh tử”. Vạn sự vạn vật trong vũ trụ bao la này đều có quỹ đạo vận hành riêng của nó. Hết thảy những điều này đều giống như có sự an bài sẵn vậy.
(Hình minh họa: Qua kankansa.com).
Quay lại tìm hiểu lịch sử một chút, chúng ta có thể thấy việc lên ngôi và thời gian tại vị của các đời Đế Vương là dài hay ngắn dường như cũng là đã được an bài từ trước.
Vào những năm đầu khai quốc triều đại nhà Đường, có một pho tượng bằng vàng rất kỳ lạ được xưng là tượng Thần. Pho tượng bằng vàng này được một kỳ nhân vô cùng am hiểu pháp thuật đúc vào thời Bắc Chu. Thời kỳ Võ Tắc Thiên tại vị, pho tượng được đặt trong một tòa điện của Hoàng cung, do một người đặc trách bảo quản nghiêm ngặt.
Sau khi Đường Huyền Tông lên ngôi, nghe nói đến pho tượng vàng thần kỳ này liền tìm đến cung điện kia để kiểm chứng. Ông sai người mở điện ra để xem diện mạo của pho tượng.
Ngày hôm sau, Hoàng đế Đường Huyền Tông hỏi cận thần Cao Lực Sĩ: “Pho tượng vàng này thần kỳ ở chỗ nào?”
Cao Lực Sĩ nói: “Thần được biết pho tượng này do cao nhân của triều đại trước đúc ra. Pho tượng có thể tính ra thời gian tại vị của một Hoàng đế là dài hay ngắn. Phương pháp xem chính là đứng trước pho tượng hô lớn. Nếu như thời gian tại vị của Hoàng đế là rất lâu dài thì pho tượng sẽ rung động trong khoảng thời gian rất lâu. Nếu thời gian tại vị là ngắn thì pho tượng chỉ rung động một lát là ngừng lại ngay”.
Hoàng đế Đường Huyền Tông thấy vậy liền đứng trước pho tượng vàng hô lớn giống như quát mắng, lập tức pho tượng giống như sợ hãi và rung động rất lâu mới gục đầu xuống mặt đất. Hoàng đế sai người nâng pho tượng vàng dậy rồi cười nói: “Quả là giống như trong truyền thuyết vậy! Xem ra ta có thể làm Thiên tử trong thời gian rất lâu!”. Cao Lực Sĩ chắp tay lễ bái và chúc mừng Hoàng đế.
Lúc ấy, người con trai thứ ba của Hoàng đế Đường Huyền Tông, Lý Hanh vẫn là thái tử Đông Cung. Con trai của Lý Hanh là Lý Dự lúc ấy tuổi còn rất nhỏ. Hoàng đế Đường Huyền Tông cho gọi cả hai cha con Lý Hanh đến điện để bói toán xem họ sau này có thể được thừa Thiên mệnh hay không. Ông bảo thái tử Lý Hanh đứng trước pho tượng hô lớn. Kết quả là pho tượng chỉ rung động một chút rồi dừng lại. Sau đó, ông lại bảo cháu trai của mình đứng trước tượng vàng và hô lớn một tiếng. Kết quả là pho tượng rung động trong khoảng thời gian lâu hơn. Hoàng đế Đường Huyền Tông nói: “Xem ra cháu trai của ta sau này cũng được lâu dài giống ta vậy!”.
(Tượng Phật Di Lặc bằng vàng được đúc năm thứ 10 niên hiệu Thái Hòa, Bắc Ngụy).
Hoàng đế Đường Huyền Tông là vị Hoàng đế thứ 7 của triều đại nhà Đường. Ông tại vị trong suốt hơn 40 năm, từ năm 712 đến năm 756. Sau khi con trai ông là Lý Hanh lên ngôi, lấy hiệu là Đường Túc Tông, tại vị trong 6 năm từ năm 756 đến năm 762. Sau này, Lý Dự lên ngôi, lấy hiệu là Đường Đại Tông, tại vị trong hơn 17 năm từ 762 đến năm 779. Thời gian tại vị của ba vị Hoàng đế này rất phù hợp với kết quả mà pho tượng vàng đã dự đoán trước đây.
Theo ghi chép trong lịch sử, ba vị Hoàng đế nhà Đường đều rất tôn kính Thần Phật và Phật Pháp. Đường Huyền Tông thiện đãi và đối xử lễ độ với ba vị đại sư Phật giáo nổi danh thời bấy giờ là Thiện Vô Úy, Kim Cang Trí và Bất Không. Đường Túc Tông từng lập đàn tràng trong Hoàng cung và mời cao tăng tới giảng giải Pháp. Đường Túc Tông còn hạ lệnh lựa chọn những nhân tài kiệt xuất của các địa phương xuất gia làm tăng, học tập Kinh Phật. Lúc ấy, có hơn một vạn người bước vào tu hành. Đường Túc Tông còn hạ chiếu, phàm là chùa chiền nơi danh sơn thắng địa phải do hòa thượng đức cao vọng trọng làm trụ trì, bảo trì và giữ sự thanh tịnh trong Phật môn.
Đến thời Đường Đại Tông, ông hạ chiếu đúc tượng Phật bằng vàng và đồng, đặt ở những nơi trang nghiêm. Ông cũng thường xuyên dẫn quan lại đến cúng lễ, khẩn cầu. Đồng thời, ông cũng hạ chiếu cho người phiên dịch Kinh Phật. Vào triều đại nhà Đường, Phật Pháp hưng thịnh, việc lễ Phật là một việc vinh dự và được truyền rộng khắp.
Có thể thấy, pho tượng vàng không chỉ đoán biết người kế vị ngôi vua mà còn đoán biết được thời gian tại vị của họ là ngắn hay dài. Pho tượng không thể mở miệng được nhưng tại sao lại có thể đoán biết trước được tương lai? Huống hồ khi ấy Đường Túc Tông và Đường Đại Tông còn chưa lên ngôi. Điều này cho tới nay vẫn là một bí ẩn gây tranh cãi.