Bí ẩn dòng sông đột nhiên chuyển màu máu: Sự thật đằng sau đáng sợ hơn "tử thần"

Trang Ly |

Khung cảnh quanh con sông hiện lên một màu chết chóc. Không khí đặc sệt những thứ độc hại khiến con người, động vật, cây cối khó lòng tồn tại.

Ở Norilsk, nơi nhiệt độ xuống đến -10 độ C, tuyết rơi có màu đen; con sông vốn trong xanh của nó bỗng một ngày nhuốm đỏ màu máu tươi; trẻ em, phụ nữ đều mắc các bệnh hiểm nghèo, tỉ lệ tử vong vì thế cũng tăng theo từng năm.

Norilsk tựa như "một cái bẫy chết người" thực sự!

Kỳ 8 trong series "Những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh" sẽ giải mã vì sao một trong những thành phố lạnh giá nhất của Nga này lại là "một cái bẫy chết người" khổng lồ, và vì sao tại đây lại có con sông máu!

#8: Norilsk - Thành phố của những "sát thủ thầm lặng"

Bí ẩn dòng sông đột nhiên chuyển màu máu: Sự thật đằng sau đáng sợ hơn tử thần - Ảnh 1.

Tại sao con sông từng một thủa xanh ngắt lại chuyển màu máu tươi? Hình minh họa.

Gần 300 năm kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất diễn ra trên thế giới, con người ngày nay đang sở hữu những thành tựu công nghệ vượt bậc, cho phép khai thác tối đa các nguồn tài nguyên quý giá trên Trái Đất.

Một hiện thực nhức nhối - một tảng băng chìm của vấn đề phát triển - lại đến từ chính việc con người "cật lực" lấy đi của thiên nhiên rất nhiều thứ để rồi cái giá mà chúng ta phải trả chưa bao giờ là NHỎ!

Ô nhiễm môi trường - cụm từ quá quen thuộc nhưng lại chính là mặt trái của sự phồn vinh đã, đang cướp đi không gian sống cũng như sinh mệnh của loài người và sinh vật sống trên Trái Đất.

Trong "danh sách đen" top 10 khu vực ô nhiễm nặng nhất thế giới mà Viện Blacksmith (Mỹ) đưa ra, có một cái tên chỉ nghe đến thôi đã nhức nhối: Norilsk.

Những con số vạch trần sự nguy hiểm chết người tại Norilsk

Có lẽ, thành phố công nghiệp Norilsk là cái tên được các nhà môi trường học thế giới, các chuyên gia Nga xếp nhiều "thứ hạng đen" nhất về sự ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí của nó:

Đầu tiên, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) xếp Norilsk trở thành "lò nóng chảy công nghiệp" lớn nhất hành tinh khi chỉ mỗi năm thôi, thành phố này đã phải "ăn-ngủ" cùng gần 1000 tấn đồng oxit cộng nickel oxit, thêm 2 triệu tấn khí sunfurơ độc hại phát thải ra môi sinh.

Tổng cục thống kê của Nga xếp hạng Norilsk là thành phố ô nhiễm nặng nhất Liên Bang Nga. Năm 2007, thành phố thuộc bang Krasnoyarsk Krai này phát thải lượng khí thải CO2 nhiều khủng khiếp, khoảng 1.798 triệu tấn CO2 ra không khí. Con số khổng lồ này gấp gần 6 lần so với lượng khí CO2 mà thành phố ô nhiễm thứ hai của Nga (là Cherepovets) thải ra.

Bí ẩn dòng sông đột nhiên chuyển màu máu: Sự thật đằng sau đáng sợ hơn tử thần - Ảnh 2.

Norilsk - thành phố ô nhiễm nặng nhất nước Nga, cũng là một trong những thành phố lạnh nhất nước này, với mức nhiệt có thể đạt đến -10 độ C. Photograph: Elena Chernyshov/Theguardian

Vì những chỉ số ô nhiễm đáng sợ như vậy tại Norilsk, năm 2007, Viện Blacksmith (Mỹ) cũng xếp thành phố này vào danh sách 10 địa điểm ô nhiễm nhất trên Trái đất.

Một trong những biểu hiện "tức nước vỡ bờ", lời tố cáo đanh thép nhất về sự ô nhiễm khủng khiếp của Norilsk, phải kể đến sự kiện xảy ra vào tháng 9/2016, khi con sông Daldykan từng một thời xanh ngắt của thành phố đột nhiên chuyển sang màu máu.

Thủ phạm đơn giản là những con người vô tâm!

Bộ Môi trường Nga tức tốc điều tra nhằm trấn an dư luận nhanh nhất có thể. Không hề có ma thuật, không có mùi máu tanh, cũng không có những điều kỳ bí được người dân thêu dệt. Sự thực về con sông Daldykan chuyển màu máu đơn giản đến không ngờ: Nó bị nhiễm nước thải của Nornickel (tên khác: Norilsk Nickel) - công ty ra đời cách đây 76 năm của Nga sản xuất kim loại trắng bạc Palladium lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nhà cung cấp Nickel, bạch kim và đồng có "máu mặt" trên thế giới.

Nornickel đổ lỗi cho tự nhiên khi đưa ra những lời xảo ngôn nhằm biện hộ cho "tội ác" của mình rằng, những cơn mưa lớn đã khiến nước thải của nhà máy rò rỉ ra sông; và rằng, màu đỏ của con sông không hề gây nguy hiểm cho sức khỏe con người hay động vật hoang dã.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, Nornickel có một quá khứ bất hảo trong vấn đề môi trường của Norilsk: Mỗi năm, nó phát thải ra bầu không khí của thành phố tổng cộng 350.000 tấn sunfurơ độc hại. Riêng trong năm 2015, con số này lên tới 1.883.000 tấn.

Theo báo cáo của BBC News hồi tháng 4/2007, công ty đang "nuôi miệng ăn" cho hàng chục nghìn công nhân trong thành phố này đã lên tiếng thừa nhận trách nhiệm về những việc làm gây tổn hại đến tài nguyên rừng của Norilsk và khăng khăng khẳng định đang triển khai những biện pháp làm giảm ô nhiễm môi trường. Đích thân chủ tịch của công ty là Vladimir Potanin, năm 2016, còn nhấn mạnh, một trong những mối quan tâm hàng đầu của Nornickel chính là đảm bảo an toàn môi sinh, môi trường cho thành phố.

Nhưng nói và làm là hai chuyện hoàn toàn khác nhau của Nornickel. Bởi sự kiện "dòng sông đổ máu" hồi tháng 9/2016 đã tố cáo những lời xảo ngôn của Nornickel.

Năm 2010, sau chuyến thăm đến thành phố công nghiệp Norilsk, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng về những hành động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường của thành phố, ông nhấn mạnh việc "gia tăng các khoản phạt môi trường nếu các nhà máy không nâng cấp và xử lý đúng đắn việc cắt giảm khí thải."

Bí ẩn dòng sông đột nhiên chuyển màu máu: Sự thật đằng sau đáng sợ hơn tử thần - Ảnh 3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh việc "gia tăng các khoản phạt môi trường nếu các nhà máy không nâng cấp và xử lý đúng đắn việc cắt giảm khí thải."

Cùng với đó, khi các nhà chức trách và người dân Nga đồng loạt lên tiếng đòi đóng cửa nhà máy, thì đến năm 2013, Nornickel mới rục rịch hiện thực hóa các việc làm nhằm lấy lại niềm tin cho người dân cũng như khắc phục những hậu quả to lớn mà mình gây ra.

Cụ thể: Nornickel công bố chương trình hành động vì môi trường bằng hàng loạt các hoạt động bao gồm: Đầu tư 14 tỷ USD nhằm cắt giảm lượng khí thải sunfurơ độc hại ở Norilsk xuống 75% vào năm 2023; Đóng cửa lò luyện kim cũ của công ty tại thành phố (đây là nguồn phát thải khí sunfurơ chính trong phạm vi thành phố kể từ năm 1942); Nâng cấp hệ thống xử lý chất thải kim loại nặng; Dự kiến vào năm 2020, công ty đầu từ 3,5 tỷ USD để hiện đại hóa sản xuất; Ngoài ra, công ty còn xây dựng các đơn vị tái chế để chiết xuất khí sunfurơ từ khí thải tại nhà máy luyện kim Nadezhda và nhà máy đồng....

Hệ lụy khôn lường về sức khỏe của người dân

Theo báo cáo của Viện Blacksmith, trẻ em sống gần các nhà máy luyện kim có khả năng mắc các bệnh về tai, mũi và họng nhiều gấp hai lần so với các khu vực khác. Đối với phụ nữ, sinh non và biến chứng thai kỳ muộn cũng thường xuyên xảy ra ở thành phố.

Bí ẩn dòng sông đột nhiên chuyển màu máu: Sự thật đằng sau đáng sợ hơn tử thần - Ảnh 4.

Một góc bên trong nhà máy Nornickel. Photograph: Alec Luhn/Theguardian

Bí ẩn dòng sông đột nhiên chuyển màu máu: Sự thật đằng sau đáng sợ hơn tử thần - Ảnh 5.

Tháng 6/2016, nhà máy Nornickel buộc phải đóng cửa tạm thời để giải quyết những hậu quả về môi trường mà mình gây ra. Photograph: Alec Luhn/Theguardian

Nghiên cứu của Tiến sĩ Boris Revich, thuộc Viện Khoa học Nga, cho thấy các bệnh ở trẻ em sống tại Norilsk cao hơn so với toàn khu vực Krasnoyarsk Krai, cụ thể, bệnh máu cao hơn 44%, bệnh thần kinh cao hơn 38%, và bệnh liên quan đến hệ thống xương và cơ bắp cao hơn 28%.

Với người dân thường xuyên hít phải khí độc sunfurơ có thể mắc các bệnh về đường hô hấp, ung thư phổi và hệ tiêu hóa.

Sự cố môi trường biến con sông Daldykan nhuốm màu máu tươi cho thấy ngành công nghiệp của Norilsk cũng gây ô nhiễm cho các ngư trường địa phương. Trong số 29,8 triệu mét khối nước thải Nornickel phát thải vào năm 2015, chỉ có 5,18 triệu mét khối nước được làm sạch theo tiêu chuẩn của chính phủ.

Tất cả các mẫu nước lấy tại sông của thành phố đã tố cáo nồng độ các sản phẩm đồng, sắt và dầu vượt quá giới hạn ngưỡng, và tất cả các mẫu được lấy ở con sông khác là Talnakh cho thấy nồng độ đồng và coban vượt quá giới hạn an toàn.

Không chỉ ô nhiễm không khí, nước, ngành công nghiệp nặng tại thành phố còn gây ô nhiễm đất, trong đó, khí sunfurơ (SO2) là một trong những khí gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Nó là một trong những chất gây ra mưa axit, có thể ăn mòn các công trình, phá hoại cây cối, phá hủy đất đai màu mỡ thành hoang mạc.

----

Hơn 500 năm kể từ những cuộc phát kiến địa lý vĩ đại của người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Trái Đất dần trở thành ngôi nhà tấp nập, nhộn nhịp hơn. Những vùng đất mới màu mỡ, đầy khoáng sản bắt đầu được con người chuyển đến sinh sống và định cư. Cùng với sự phát triển không ngừng của giao thương, kinh tế, những cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật tất yếu xảy ra nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng bùng nổ.

Tuy nhiên, cân bằng vốn là cụm từ chỉ xuất hiện nhiều trong sách vở, lòng tham vô đáy của con người vô hình chung kéo cán cân cân bằng ấy xuống tận cùng của sự kiệt quệ.

Nếu không dừng lại và không ngừng cải thiện Trái Đất, sẽ có thời khắc, chúng ta buộc phải nhắm mắt để khép lại toàn bộ tương lai còn dài phía trước!

Mời độc giả đọc những kỳ hấp dẫn khác trong series "Những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh" - TẠI ĐÂY.

Bài viết sử dụng nguồn: Theguardian, Weather, Futurism

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại