Cái giá phải trả khi Liên Xô sở hữu bom nguyên tử mạnh nhất TG: Hơn 22.000 người sống mòn

Trang Ly |

"Chúng tôi ốm đau liên miên. Bệnh tật giày vò quanh năm suốt tháng. Cuối cùng, tất cả đều chết vì ung thư và nhiều bệnh khác."

Hơn 4 thập kỷ diễn ra cuộc đối đầu dai dẳng giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1946 - 1989), những cuộc đua leo thang về công nghệ, vũ khí, không gian... giữa hai cường quốc cứ thế diễn ra, để rồi "cuộc chiến không đổ máu" ấy phần nào kết thúc bằng việc Liên Xô sụp đổ và tan rã.

Gần 30 năm sau khi cuộc chiến ấy "tàn canh", những hệ quả mà nó gây nên vẫn còn rất nhức nhối cho đến tận ngày nay. Một trong số đó là thị trấn nhỏ Mailuu-Suu ở miền nam Kyrgyzstan, nơi được Worldatlas xếp thứ 4 trong danh sách "10 địa điểm nhiễm phóng xạ nặng nhất thế giới".

Chủ đề chính trong series "Những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh" kỳ này chính là về Mailuu-Suu - mảnh đất buồn không thể thoát khỏi cái bóng "tử thần" mà quá khứ để lại.

#3: Mailuu-Suu và câu chuyện đau thương còn dai dẳng

1. Long - Hổ tranh hùng

Quay trở lại thời điểm cách đây 73 năm, vào cuối thời kỳ Thế chiến thứ 2, Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới tạo nên thời kỳ mà lịch sử gọi bằng cái tên vô cùng mỹ miều "Bình minh của kỷ nguyên nguyên tử" nhờ việc cường quốc này chế tạo và thử nghiệm hàng loạt quả bom nguyên tử với sức tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại.

Tính từ năm 1946 đến năm 1958, 23 quả bom nguyên tử với sức công phá khác nhau đã được Mỹ thử nghiệm thành công.

Bước vào Chiến tranh Lạnh với thế không mấy cân bằng với Mỹ, Liên Xô tức tốc bí mật nghiên cứu hòng chế tạo bằng được bom nguyên tử nhằm lấy lại cán cân ngang bằng với đối thủ... Và để làm bom nguyên tử thời bấy giờ, người ta cần Uranium.

Được nhà bác học người Đức Martin Heinrich Klaproth (1743 - 1817) tìm ra cách đây hơn 200 năm (năm 1789), nguyên tố Uranium với thuộc tính phóng xạ cao trở thành "con át chủ bài" của Liên Xô và Mỹ trong cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử.

Để thấy được sức mạnh khủng khiếp của nguyên tố này, Euronuclear cho biết, 1kg Uranium-235 có sức mạnh gấp 2 đến 3 triệu lần năng lượng của 1kg than đá.

May mắn thay cho Liên Xô, vùng đất xa xôi Mailuu-Suu của Kyrgyzstan (lúc này vẫn thuộc Liên Xô) được trời phú cho những mỏ Uranium giàu có. Không bỏ lỡ cơ hội trời cho này, Liên Xô lệnh cho công ty Zapadny Mining & Chemical Combine khai thác tối đa nguồn tài nguyên tuyệt vời này.

Chỉ trong 22 năm, từ năm 1946 đến 1968, công ty này đã khai thác và chế biến 9.100 tấn quặng Uranium tại các vùng núi của Mailuu-Suu, rồi sau đó chuyển về căn cứ hạt nhân bí mật nằm cách Moskva hàng trăm km nhằm phục vụ cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Liên Xô thời bấy giờ.

Cái giá phải trả khi Liên Xô sở hữu bom nguyên tử mạnh nhất TG: Hơn 22.000 người sống mòn - Ảnh 2.

Vị trí của Mailuu-Suu trên bản đồ. Đồ họa: Theguardian

Những nỗ lực chạy đua với Mỹ của Liên Xô đã được đền đáp khi vào tháng 8/1949, Liên Xô phát triển và thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nước này.

Không dừng ở đó, 12 năm sau, Liên Xô vượt mặt Mỹ trở thành "siêu cường hạt nhân" khi nước này thử nghiệm thành công quả "bom vua" mang mật danh Sa Hoàng (Tsar Bomba) vào ngày 30/10/1961. Quả "bom vua" khiến không chỉ Mỹ mà cả thế giới chao đảo, nể sợ và dè chừng Liên Xô.

Với sức mạnh tương đương 57 triệu tấn thuốc nổ TNT, bom Sa Hoàng trở thành vũ khí hạt nhân mạnh nhất từng được thí nghiệm trong lịch sử loài người.

Nếu như Mỹ mở ra "Bình minh của kỷ nguyên nguyên tử" thì Liên Xô lại là nước vùi dập "ánh bình minh" ấy, vùi dập luôn cả giấc mộng "làm vương" của Mỹ về vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.

Thế nhưng...

Có vinh quang nào mà không ẩn chứa những nỗi đau thầm lặng? Nếu như cả thế giới bàng hoàng và nể sợ Liên Xô khi họ sở hữu vũ khí hạt nhân mạnh nhất hành tinh thì ở chốn xa xôi, hẻo lánh ở tận phía nam của Liên Xô, những người dân vùng mỏ Mailuu-Suu ấy vẫn hàng ngày sống cùng sợ hãi, và luôn bị bệnh tật cũng như cái chết giày vò...

2. Nỗi đau nhức nhối từ quá khứ giày vò hiện tại và tương lai

Trở lại với câu chuyện của thị trấn Mailuu-Suu miền nam Kyrgyzstan. Hơn 22.000 cư dân sinh sống tại vùng đất này cho đến tận ngày nay vẫn còn bị ám ảnh nặng nề bởi "thứ" mà Liên Xô từng để lại cho họ: 23 hố chôn thải quặng Uranium khổng lồ chứa hàng triệu tấn chất thải tại vùng đồi núi bất ổn định (thường xuyên xảy ra sạt lở đất); cùng 2 triệu mét khối rác thải phóng xạ được lưu trữ quanh thị trấn. Đây là lúc người ta phải công nhận rằng, thảm họa về môi trường và sức khỏe con người không còn là chuyện trên bàn giấy!

Giới khoa học nói gì?

Rất nhiều cuộc nghiên cứu khoa học trong những năm 2000 đã chỉ ra rằng, sự rò rỉ chất phóng xạ từ các hố thải quặng đã ngấm vào con sông, đất đai... của thị trấn sau hàng loạt những biến cố tự nhiên như vụ sạt lở đất tại vùng khai thác năm 1994, hay trận lũ lụt năm 2002... tất cả đã khiến cho thị trấn rộng 120 km2 bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất phóng xạ.

Trong bản báo cáo năm 2005 của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), một vụ sạt lở đất tại hố thải quặng vào tháng 4/1958 đã giải phóng khoảng 600.000 mét khối chất thải phóng xạ ra dòng sông ở thị trấn Mailuu-Suu.

Cái giá phải trả khi Liên Xô sở hữu bom nguyên tử mạnh nhất TG: Hơn 22.000 người sống mòn - Ảnh 3.

Dòng sông chảy qua Mailuu-Suu, đây là con sông cung cấp nguồn nước cho hơn 6 triệu người dân các nước Kyrgyzstan, Uzbekistan và Kazakhstan. Ảnh: Tien Tran

Mức độ kim loại nặng và chất phóng xạ trong nước tại thị trấn Mailuu-Suu đôi khi cao gấp 3 lần so với mức giới hạn do Liên minh châu Âu (EU) đề ra. Chưa hết, mẫu nước tại khu vực bị ô nhiễm nặng nề nhất chứa lượng phóng xạ cao gấp 200 lần so với mức giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong cuộc điều tra của Viện Blacksmith của Mỹ (tên gọi mới là Viện Pure Earth) năm 2006, Mailuu Suu là một trong 10 địa điểm bị ô nhiễm nhất trên thế giới, trong khi đó, Worldatlas xếp Mailuu Suu ở vị trí thứ 4 trong danh sách "10 địa điểm nhiễm phóng xạ nặng nhất thế giới".

Nhiễm chất phóng xạ được đánh giá là một trong những thảm họa môi trường gây những hệ lụy về sức khỏe con người mạnh nhất trên thế giới. Các mối đe dọa khủng khiếp từ thải quặng Uranium vẫn luôn rình rập cuộc sống và sức khỏe người dân nơi đây - Đó là những nhận định của những người làm khoa học...

Còn người dân?

"Chúng tôi ốm đau liên miên. Bệnh tật giày vò quanh năm suốt tháng. Bọn trẻ thì nôn mửa suốt. Cuối cùng, tất cả đều chết vì ung thư và nhiều bệnh khác.", một người dân tên Ainagul Parpibaeva trả lời phỏng vấn của The Guardian năm 2015.

Khi đến Mailuu-Suu, nếu gặp bất cứ người dân nào, người ta cũng đều nghe những câu chuyện đau lòng gần như giống nhau của họ khi kể về những cái chết của người thân, bạn bè, phần lớn họ đều chết vì ung thư.

"98% người dân sống gần các bãi chôn thải quặng đều bị các bệnh liên quan đến tuyến giáp và gan.", Rarmen Toychev, một nhà khoa học thuộc Học viện Khoa học Kyrgyzstan cho biết.

"Cháu gái tôi đang bị bệnh giảm tiểu cầu giày vò. Chúng tôi tin đó là vì chất phóng xạ từ các mỏ quặng Uranium đã khai thác gây nên. Nhưng các bác sĩ không công nhận điều ấy, còn các vị quan chức, họ chẳng nói với chúng tôi điều gì cả.", một góa phụ 63 tuổi sống ở thị trấn trả lời phỏng vấn của The Guardian năm 2015.

Theo nghiên cứu của Viện Các vấn đề Y khoa, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Kyrgyzstan thì "Mức độ nhiễm phóng xạ tại Mailuu Suu đã phản ánh một loạt các tỉ lệ bệnh tật cao hơn so với bất cứ khu vực nào trên quốc gia này, trong đó tỉ lệ dị tật bẩm sinh cao hơn 5,12%, tỉ lệ sẩy thai cao hơn 12,1% và tỉ lệ tử vong cao hơn 1,25%."

Nếu như cách đây khoảng 50, 60 năm, hàng chục nghìn người dân Mailuu-Suu nhờ có công ăn việc làm và tiền lương được trả hậu hĩnh tại các mỏ khai thác quặng Uranium thì giờ đây thanh niên ở thị trấn đều tha phương cầu thực, phần vì muốn tránh bệnh tật, phần vì muốn được đổi đời ở vùng đất không bị "tử thần" treo lơ lửng trên đầu.

Hơn 7 thập kỷ trôi đi, nhưng những nỗi đau của bệnh tật và nỗi sợ hãi từ cái chết vẫn cứ hàng giờ đeo bám những người dân vùng Mailuu-Suu xa xôi, hẻo lánh. Có lẽ, họ luôn tự hỏi: "Đến khi nào, ác mộng này mới thôi giày vò họ và con cháu?"

Tạm kết

Những nỗ lực thu hồi chất thải quặng đã được Ngân hàng Thế giới (WB) triển khai khi tổ chức này phê duyệt khoản viện trợ trị giá 5 triệu USD năm 2004, thêm 1 triệu USD vào năm 2011. Chưa hết, WB còn đầu tư 11,76 triệu USD cho dự án "Giảm nhẹ thiên tai" tại Mailuu Suu, giai đoạn 2004 - 2012, với mục tiêu "giảm thiểu phơi nhiễm ở người, vật nuôi, hệ thực vật, động vật tại khu vực Mailuu-Suu..."

Các nỗ lực giải quyết hậu quả không ngừng đưa ra khi vào ngày 30/3/2017, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), Ủy ban châu Âu và chính phủ Kyrgyzstan đã họp bàn để đưa ra thỏa thuận nhằm giải quyết mối đe doạ từ "di sản" mà Liên Xô để lại. Dự kiến, cuối năm 2018, bản thỏa thuận sẽ được các bên thống nhất.

Cùng hy vọng, mảnh đất Mailuu-Suu ấy sẽ có được tương lai tốt đẹp phía trước!

Cái giá phải trả khi Liên Xô sở hữu bom nguyên tử mạnh nhất TG: Hơn 22.000 người sống mòn - Ảnh 5.

Sabira Kotchibekova, 44 tuổi, người dân thị trấn Mailuu-Suu, sống cách bãi quặng thải vài trăm mét. Ảnh: Tien Tran

Cái giá phải trả khi Liên Xô sở hữu bom nguyên tử mạnh nhất TG: Hơn 22.000 người sống mòn - Ảnh 6.

Đám trẻ Mailuu-Suu đang chơi đùa. Ảnh: Tien Tran

Bài viết sử dụng các nguồn: Equaltimes, Thediplomat, Worldatlas, Theguardian

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại