Cơm hộp bento vẫn luôn là một nét đẹp truyền thống đáng tự hào của đất nước mặt trời mọc. Vào mỗi buổi sáng, các bà mẹ Nhật sẽ thức dậy sớm để chuẩn bị bữa trưa một cách tỉ mỉ với cơm nắm, rong biển khô, cá nướng, trứng chiên và rau củ hấp cho con mình.
Cơm hộp bento còn là niềm tự hào của phụ nữ Nhật Bản vì bento là một bữa trưa thuận tiện nhưng vẫn giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, gần đây bento đã vượt ra khỏi cái khung của "bữa trưa thuận tiện" và trở thành một hình thức nghệ thuật sáng tạo mới. Cơm hộp không còn mang vẻ đơn điệu của những món ăn mà khoác lên mình những nhân vật hoạt hình yêu thích của các cô bé, cậu bé.
Những hộp cơm hình Totoro, người tuyết Olaf trong Frozen mà bọn trẻ háo hức mang đến trường đều được chính tay mẹ chuẩn bị, từ việc cắt thịt xông khói thành hình chú gấu hay tạo ra mắt, miệng từ rong biển khô.
Đáng yêu là vậy, nhưng văn hóa ẩm thực này đã tạo ra áp lực vô cùng lớn đối với cả phụ huynh lẫn những đứa trẻ khi mỗi chiếc cơm hộp giờ đây lại trở thành biểu tượng cho sự khéo léo của các bà mẹ và tình trạng gia đình của trẻ.
Phụ nữ Nhật Bản sẽ phải hứng chịu sự soi mói và chỉ trích khi họ chỉ chuẩn bị những hộp cơm bình thường - không hình tượng thủy thủ mặt trăng, không có hình mèo con đáng yêu.
Chuẩn bị một hộp cơm bento bình thường có thể không mất nhiều thời gian vì thông thường các bà mẹ sẽ dùng thức ăn còn lại từ tối hôm trước. Tuy nhiên, cơm hộp bento nhân vật (Kyaraben) yêu cầu đến 90 phút để chuẩn bị.
Ruriko Tomita, một phụ nữ Nhật Bản có hai con nhỏ cho biết, các bà mẹ vẫn dậy rất sớm từ 4 hoặc 5 giờ sáng để cắt rong biển làm cơm hộp cho con.
Nhưng ngày nay, những kiểu ảnh như vậy tràn lan trên mạng xã hội Facebook và Internet...họ muốn khoe với bạn bè và được khen ngợi.
Tuy nhiên, làm cơm hộp bento không chỉ là cách để các bà mẹ trở nên nổi bật trên mạng xã hội hay tăng số lượng người theo dõi.
Makiko Itoh, tác giả của quyển sách The Just Bento Cookbook: Everyday Lunches to Go nhận định, một cuộc cạnh tranh ngầm về tính nghệ thuật được thể hiện qua cơm hộp bento đang diễn ra giữa các vị phụ huynh có con nhỏ.
Giáo sư Midori Otake dạy môn Công nghệ tại trường Đại học Tokyo Gakugei cũng cho biết: "Xã hội Nhật Bản thể hiện sự quan tâm đến con cái rất sâu sắc và mọi người đều luôn ý thức được trách nhiệm của người mẹ".
Bởi vậy những hộp cơm bento mang đến trường học không chỉ là những bữa trưa bình thường, mà chúng còn là minh chứng cho tình yêu thương của người mẹ đối với con mình.
Một hộp cơm bình thường, giản tiện đồng nghĩa với việc các bà mẹ không đủ quan tâm đến con cái mình. Và do vậy, những người phụ nữ đó được xem như đã thất bại trong việc làm mẹ.
Dù công việc chuẩn bị cơm hộp vẫn được xem là "buồn tẻ" và "mệt mỏi" nhưng nỗi sợ hãi trước những định kiến trong xã hội khiến các bà mẹ phải tuân thủ theo "truyền thống bento nghệ thuật" này.
Giải thích rõ ràng hơn về hiện tượng này, nhà xã hội học Mutsuko Tendo tại trường Đại học Nữ sinh Công giáo Tokyo nói thêm: "Chuẩn bị cơm hộp nghệ thuật là một sự lựa chọn mang tính ép buộc.
Nói cách khác, nếu muốn thể hiện tình yêu và sự chăm sóc đối với con mình, các bà mẹ phải chuẩn bị hộp cơm bento nghệ thuật".
Kazuyo Matsumoto, một nạn nhân khác của "cuộc thi cơm hộp bento" vẫn còn nhớ rõ mình đã bị ám ảnh như thế nào trước ngày hội thể thao ở trường mẫu giáo của con.
Cô không lo lắng về biểu hiện của con mình nhưng cảm thấy hồi hộp và không thoải mái trước một cuộc thi nơi mà mẹ của những đứa trẻ khác mới chính là giám khảo.
Cô mở hộp cơm bento Pokemon mà mình đã vất vả chuẩn bị từ 5 giờ rưỡi sáng, đưa cho con trai và chắc chắn rằng mọi người đều phải trầm trồ trước tuyệt tác của mình.
"Tôi dặn con phải mời mọi người ăn cùng vì tôi muốn cho những người mẹ khác thấy, tôi săn sóc con mình chu đáo thế nào", cô cho biết.
Nhưng áp lực không chỉ dừng lại ở các bậc phụ huynh mà còn gây ảnh hưởng đến tinh thần của những đứa trẻ.
Anne Allison, Giáo sư ngành văn hóa và nhân loại học tại trường Đại học Duke, đã sống tại Nhật Bản và nghiên cứu về đất nước này đưa ra nhận định rằng, kể cả bọn trẻ cũng chịu sự đánh giá của bạn bè cùng trang lứa và thậm chí cả thầy cô giáo của chúng.
Hộp cơm bento bỗng chốc trở thành một công cụ quyền lực và phân chia tầng lớp. Do vậy, một số trường mẫu giáo còn cấm mang hộp cơm bento nghệ thuật đến trường sau nhiều vụ trẻ em bị bắt nạt chỉ vì có hộp cơm bình thường.
Sonoko Sakai, một bé gái Nhật Bản chia sẻ với tờ Los Angeles Times rằng, "khi hộp cơm của em bị nghiêng và tràn một phần ra ngoài, bỗng nhiên mùi nước tương rất nồng thoát ra ngoài. Em biết là hộp bento của em đã bị nghiêng.
Nước tương thấm vào đáy cặp, làm bẩn góc tập của em và cũng nhuộm nâu tờ giấy ăn in hình bông hoa đẹp đẽ. Em có thể cảm nhận những ánh mắt đổ dồn về phía mình.
Em muốn khóc kinh khủng. Suốt bữa trưa, em dựng lên một hàng rào chắn bằng sách để không ai thấy mình đang ăn hộp cơm trưa xấu xí này".
Những trải nghiệm như vậy tuy không có sức ảnh hưởng đáng kể với người lớn nhưng lại tác động mạnh mẽ đến tâm trí của trẻ nhỏ.
Đặc biệt là với lứa tuổi này, sức ép từ bạn bè đồng trang lứa cộng với sự non nớt và dễ tổn thương có thể để lại những ám ảnh khó quên trong tâm hồn các em. Ở độ tuổi 36, Kyoko Sudo vẫn nhớ như in ký ức bị bắt nạt chỉ vì hộp cơm bento của mình.
"Bọn bạn bắt đầu chê bai thứ mà mẹ tôi đã chuẩn bị". Có thể gia đình Kyoko rất nghèo vì bento của Kyoko chỉ có mỗi một quả trứng và một cây xúc xích. Kyoko nhớ lại: "Bọn bạn đánh giá tôi và cả gia đình tôi. Điều đấy thực sự rất khó chịu!".
Đây chính là mặt tối trong lịch sử cơm hộp bento.
Giáo sư Otake cho biết, trẻ nhỏ thường hay có tâm lý muốn được giáo viên chú ý và được khen ngợi về hộp cơm của mình. Do vậy, chúng không chỉ đối mặt với áp lực từ bạn bè mà còn chịu những lời đánh giá không mấy tốt đẹp của giáo viên.
Griseldis Kirsch, một giảng viên môn văn hóa Nhật Bản đương đại tại trường Đại học London đã định cư và sống ở Nhật Bản cho biết, cô không thể vắng mặt trong "cuộc thi cơm hộp bento" ở trường mẫu giáo của con mình.
Dù cô đã cố gắng hết sức để chuẩn bị những bữa ăn trưa đẹp mắt và hấp dẫn, một ngày thằng bé trở về nhà và nói: "Cô giáo bảo với con rằng: cơm hộp của em ấy, trông không đẹp mắt lắm.
Và cô giáo bảo sẽ nói chuyện với mẹ". Và Kirsch thực sự đã nhận được một cuộc gọi về việc cơm hộp cô làm không được đẹp mắt theo chuẩn mực như thế nào.
Nhật Bản là một quốc gia có nhiều nền văn hóa đặc trưng và đáng tự hào. Trong những năm gần đây, văn hóa Nhật Bản đã được lan truyền rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới và được ca ngợi.
Những truyền thống được tung hô và gìn giữ như một nét đẹp rạng ngời không phai của đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên những giá trị truyền thống cũng tạo ra áp lực đè nặng lên con người trong xã hội.
Đằng sau những hộp cơm bento đẹp mắt và thu hút này là áp lực nặng nề không chỉ với các bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ nữ Nhật Bản mà còn đối với cả những đứa trẻ.
Trên thực tế, tình trạng các bà mẹ chịu áp lực lớn trong "cuộc thi làm cơm hộp" này chỉ được xoa dịu khi xã hội Nhật Bản xóa bỏ hình ảnh của người mẹ hy sinh tất cả và cần quan tâm đến những người mẹ đang đi làm.
Nhưng giáo sư Otake cũng cho biết: "Quan điểm cho rằng phụ nữ cần phải là một người nội trợ hoàn hảo kể cả khi đi làm sẽ không dễ dàng thay đổi trong xã hội Nhật Bản hiện nay".
Theo số liệu thống kê, phụ nữ Nhật Bản theo đuổi nền giáo dục lên cao và có tỉ lệ tốt nghiệp đại học lớn hơn nam giới.
Tuy nhiên, hơn 70% đã nghỉ việc sau khi có con. Nếu tình trạng này tiếp diễn, lực lượng lao động sẽ giảm khoảng 10% vào năm 2030 và nền kinh tế Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Nguồn: Tổng hợp từ National Geographic, Japan Times, Los Angeles Times và NPR