Trong những năm gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc có khái niệm tiếng lóng "bệnh rỗng tuếch" hay "bệnh tim rỗng" để miêu tả một "căn bệnh" mới của thế hệ trẻ ngày nay, nắm bắt chính xác trạng thái tinh thần của phần đông giới trẻ đương thời và khiến tất cả mọi người phải suy ngẫm.
Ông Lý Tùng Úy, nhà tâm lý học và tiến sĩ nổi tiếng về tâm lý học lâm sàng tại Đại học Bắc Kinh cho biết căn nguyên của "căn bệnh" thời đại này là từ cách dạy con mới của bố mẹ hiện đại. Bố mẹ ngày nay yêu thương và quan tâm đến con em vô điều kiện, đã dẫn đến kết quả là những đứa trẻ nhận được sự bao dung, bảo bọc tuyệt đối từ gia đình. Nhưng đồng thời, chúng lại bị nuôi như "gà công nghiệp", đi theo một lộ trình, một guồng quay được định sẵn: học trường điểm, đỗ trường tốt để sau này kiếm được công việc lương cao ở công ty lớn. Và khi gặp phải những thách thức ngoài xã hội hay bên trong chính mình, những chú "gà con" này không thể chống chọi được.
Ảnh minh họa
Khi các yếu tố bề nổi như kỳ thi tuyển sinh đại học, điểm số, thứ hạng, mức lương,… biến mất, nhiều người trẻ cũng không thể tìm thấy động lực và ý nghĩa bên trong nào khác nữa, và chúng ta có thể gọi trạng thái tâm lý này là "bệnh rỗng tuếch".
Những năm gần đây, hiện tượng "bệnh rỗng tuếch" ngày càng phổ biến. Từ Khải Văn, giáo sư tâm lý học tại Đại học Bắc Kinh - ngôi trường số 1 Trung Quốc từng có tuyên bố sốc rằng "40% sinh viên năm nhất Đại học Bắc Kinh tin rằng cuộc sống là vô nghĩa". Giáo sư tin rằng đằng sau "bệnh rỗng tuếch" thực chất là một cuộc khủng hoảng giá trị. Thế hệ thanh niên này gặp những khủng hoảng hiện sinh trong quá trình trưởng thành, nhất là với vấn đề "tôi là ai", "tôi muốn làm gì", "làm cách nào để chứng tỏ bản thân", "làm sao để nhận ra giá trị của mình",...
Chuyên gia đã tiếp xúc với nhiều sinh viên đại học rất thông minh, xuất sắc và đạt được nhiều thành tích. Họ đã nỗ lực và phấn đấu rất nhiều trên con đường đó, để rồi cuối cùng khi đạt được vị trí mà mọi người xung quanh đều ghen tị, họ sẽ bắt đầu hỏi một số câu hỏi rất quan trọng đi sâu vào bên trong, và hoang mang vì không thể tìm được đáp án. Những câu hỏi cơ bản này nghe rất chua chát: Tôi đang làm việc này để làm gì? Tôi nỗ lực chăm chỉ vì cái gì? Tại sao tôi lại phải đỗ vào một trường danh tiếng và làm việc ở một công ty lớn? Tại sao làm "con nhà người ta" rồi tôi vẫn không thấy hạnh phúc và hoàn toàn trống rỗng?
Ảnh minh họa
Nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể thấy những đứa trẻ được nuôi theo kiểu "gà công nghiệp" ngày nay dường như không thể thực sự có cho mình một kỳ nghỉ, cũng như không biết cách hít một hơi thật sâu và nói: "Mình đã làm được rất nhiều và làm rất tốt, mình có thể đối xử tốt với chính mình".
Chúng chỉ bận... bị áp lực đồng trang lứa, nhìn những người xung quanh và cảm thấy họ vẫn đang làm việc chăm chỉ nên mình cũng không thể dừng lại. Nhưng chúng cũng không biết tại sao mình cứ phải làm như vậy. Chúng học tập, làm việc, sống rất vất vả và luôn bận rộn, nhưng thực sự không biết tại sao mình lại phải chăm chỉ và "bán mạng" như thế. Và cái ngày mà chúng đặt ra những câu hỏi đó chính là thời khắc sụp đổ.
Vậy để con mình không mắc phải "căn bệnh" này, bố mẹ có thể làm gì?
Trong những năm qua, nhiều nhà tâm lý học đều nói rằng bạn nên quan tâm tích cực và vô điều kiện đến con mình. Nếu con có nhu cầu thì bạn phải đáp ứng, bạn phải chấp nhận nhiều cảm xúc đa dạng của con và cung cấp cho con chất lượng giáo dục tốt nhất có thể. Là cha mẹ, bạn phải dành cho con mình thật nhiều tình yêu thương và sự quan tâm. Sau đó, cách dạy con này dường như đã trở thành tiêu chuẩn đúng đắn trong việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
Ảnh minh họa
Nhưng khi ngày càng có nhiều trẻ em đến "cầu cứu" các chuyên gia tâm lý, người ta mới nhận ra chúng không phải là bị cha mẹ không quan tâm, hay chưa đón nhận đủ tình yêu thương. Ngược lại, sự quan tâm và yêu thương đã bị nhiều đến mức quá đáng.
Sự chấp nhận, cho phép, bao dung quá nhiều không thực sự khiến trẻ cảm thấy tự tin hay thích thú mà thay vào đó, chúng không tìm ra không gian để thoát khỏi những khó khăn, áp lực. Có lẽ, các bậc cha mẹ cần phải suy nghĩ lại rằng có thật chỉ cần yêu thương con, dành cho con tình yêu vô điều kiện thì sẽ dạy dỗ nên được những đứa trẻ hạnh phúc không?