Vị tỷ phú gây bức xúc khi tuyên bố 'người trẻ phải làm việc 70 tiếng/tuần nếu muốn đất nước phát triển'

Vũ Anh |

Nhận định này đang gây tranh cãi lớn.

Vị tỷ phú gây bức xúc khi tuyên bố người trẻ phải làm việc 70 tiếng/tuần nếu muốn đất nước phát triển - Ảnh 1.

Narayana Murthy, nhà sáng lập 77 tuổi của gã khổng lồ công nghệ thông tin Infosys, trong một bài phỏng vấn mới đây cho biết thanh niên Ấn Độ cần làm việc 70 giờ mỗi tuần nếu muốn đất nước phát triển.

“Người trẻ phải nhận ra ‘Đây là đất nước của tôi. Tôi muốn làm việc 70 giờ một tuần’, Narayana Murthy nói.

Ông Murthy, đồng sáng lập Infosys với khối tài sản ròng khoảng 4,3 tỷ USD nhận định Ấn Độ là một trong những quốc gia có mức năng suất thấp nhất thế giới và vì vậy, thanh niên phải có trách nhiệm thay đổi quan niệm sống lẫn thái độ trong công việc.

“Văn hóa của chúng ta phải thay đổi theo hướng quyết tâm cao, cực kỳ kỷ luật và cực kỳ chăm chỉ”, nhà sáng lập nói và cho biết đây là thời điểm thích hợp để đẩy nhanh đà tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ.

Tuy nhiên, theo ILO, người Ấn Độ làm việc rất nhiều, trung bình khoảng 47,7 giờ mỗi tuần. Nhận định của ông Murthy theo đó nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng việc làm việc 70 giờ/tuần có thể khiến thanh niên kiệt quệ.

Trong một bài đăng trên X, một doanh nhân công nghệ tên Vishal Gondal viết: “Gửi ông Narayana Murthy. Làm việc chăm chỉ là rất quan trọng nhưng một tuần làm tới 70 giờ thì chúng tôi sẽ kiệt sức và không thể sáng tạo”. Ngoài ra, người này cũng cho rằng làm việc như vậy gây ra rất nhiều khó khăn đối với phụ nữ bởi họ còn đảm nhận nhiều công việc nhà.

Một khảo sát hồi năm 2019 cho thấy phụ nữ Ấn Độ dành khoảng 299 phút mỗi ngày để làm việc nhà, trong khi nam giới chỉ dành 97 phút để thực hiện các nhiệm vụ tương đương.

“Với tuyên bố này, về cơ bản, ông Murthy đang đẩy phụ nữ ra khỏi nơi làm việc”, một phụ nữ bình luận. “Đàn ông sẽ không bao giờ chia sẻ công việc nhà, chăm sóc và nuôi dạy con cái đâu”.

Thực tế, rất nhiều người cùng chung quan điểm với ông Narayana Murthy. Với họ, chỉ có làm việc chăm chỉ, cống hiến hết mình, thì sự nghiệp mới có thể phát triển, thăng tiến.

Chẳng hạn, hồi tháng 3, trong một bức thư gửi tới nhân viên, Gao Xinhua, phó Chủ tịch điều hành công ty sản xuất ô tô Chery Automobile, khẳng định “thứ 7 nên là ngày làm việc bình thường”. Phát ngôn sau đó lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, đồng thời dấy lên nhiều tranh cãi về tình trạng bóc lột sức lao động tại đất nước tỷ dân. Chủ tịch Gao dĩ nhiên biện minh cho hành động của mình và khẳng định làm việc vào thứ 7 “không phải là bóc lột”.

Để phản bác, Jiang Shengnan, nhà văn nổi tiếng kiêm thành viên Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC), đã đề xuất một hệ thống làm việc toàn diện và khả thi để đảm bảo người lao động một ngày chỉ cần làm việc 8 tiếng. Điều này vốn đã có trong luật lao động nhưng bị một số công ty “ngó lơ”.

“Con người không phải máy móc. Làm việc chăm chỉ và ngủ ngon sẽ giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”, bà nói.

Nỗi sợ văn hoá ‘làm việc đến chết’ tại Trung Quốc đang khiến nhiều người trẻ nản lòng. Họ sẵn sàng từ bỏ mức lương này để sống một cuộc sống an nhàn và cân bằng hơn. Thực tế trên được phát hiện sau một cuộc khảo sát hồi tháng 6/2022 có tên Báo cáo việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc. Người tham gia khảo sát là sinh viên tốt nghiệp năm 2021 và đã có 1 năm kinh nghiệm làm việc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại