Bé trai 14 tháng tuổi tổn thương não vì gặp tai nạn thương tâm ngay tại nhà

Đinh Kim |

Người mẹ gọi nhưng không thấy tiếng con, vội chạy vào trong nhà kiểm tra thì sững sờ với cảnh tượng trước mắt.

Theo Tiền Phong, ngày 26/11, bác sĩ Phạm Hoàng Minh Khôi, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết một vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra với bé trai 14 tháng tuổi ở Củ Chi (TP.HCM).

Cụ thể, trong lúc người mẹ làm vườn, bé trai chơi cùng với một em bé khác ở trong nhà. Khi người mẹ gọi nhưng không nghe tiếng con, chị vội chạy vào nhà tìm thì tá hỏa phát hiện con đang úp mặt vào xô nước sạch.

Khi được kéo ra, bé trai đã tím tái và rơi vào hôn mê, lập tức được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhi đã bị ngưng tim ngưng thở. Sau 30 phút nỗ lực hồi sức tim phổi, bé trai đã có nhịp tim trở lại, được chuyển ngay lên Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Tiếp nhận bệnh nhi, ekip bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 nỗ lực điều trị thở máy, chống phù não tích cực. Tuy nhiên, do thời gian ngạt nước kéo dài, tình trạng thiếu oxy não nghiêm trọng khiến não bệnh nhi không thể phục hồi.

Bé trai 14 tháng tuổi tổn thương não vì gặp tai nạn thương tâm ngay tại nhà - Ảnh 1.

Bé trai không may ngã vào xô nước, thời gian ngạt nước kéo dài, tình trạng thiếu oxy não nghiêm trọng khiến não bệnh nhi không thể phục hồi. Ảnh: Tiền Phong

VietNamNet dẫn lời bác sĩ Phạm Hoàng Minh Khôi cho biết đây là tai nạn rất thương tâm, thường gặp vào dịp hè hoặc khi nghỉ Tết. Đặc biệt, tai nạn xảy ra nhiều hơn trong giai đoạn nghỉ học vì dịch COVID-19 như hiện tại.

Theo bác sĩ Khôi, trẻ em vốn rất thích khám phá thế giới xung quanh nên cha mẹ cần lưu ý không để trẻ một mình, cần có người lớn trông nom và quan sát. Các xô, chậu và vật dụng chứa nước trong nhà cần có nắp đậy hoặc không chứa nước nếu đã dùng xong. Bên cạnh đó, không để xô, chậu chứa nước ở những khu vực trẻ dễ tiếp cận.

Trường hợp phát hiện trẻ bị chìm trong nước, người lớn cần cố gắng bình tĩnh cấp cứu ban đầu, đặt trẻ trên mặt phẳng cứng, dùng khăn lau và ủ ấm để tránh hạ thân nhiệt. Tiếp đó, người lớn có thể hà hơi thổi ngạt hoặc ấn tim ngoài lồng ngực, rồi nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Thời điểm vàng sơ cứu là trong vòng 1 – 4 phút đầu tiên khi bị chìm trong nước (ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên). Người nhà cần xử lý tốt các chấn thương kèm theo, nhất là chấn thương đầu cổ và cột sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại