Triều Tiên nhanh chóng tiến gần mục tiêu phát triển tên lửa
Việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa một lần nữa khẳng định chương trình phát triển tên lửa của quốc gia này đang có những bước tiến ổn định, và có thể đe dọa trực tiếp đến an ninh của Mỹ.
Trong bước tiếp theo, Bình Nhưỡng phải thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vừa đầu tên lửa cũng như tạo được lớp bảo vệ đầu đạn khỏi các lực cản, lực ma sát khi tên lửa tiến vào lớp khí quyển Trái Đất.
Hiện tại, chưa thể biết được khi nào Triều Tiên sẽ cân nhắc tới vấn đề này, nhưng khả năng rất cao nước này sẽ đạt được mục tiêu trước khi ông Donald Trump kết thúc nhiệm kì Tổng thống.
Điều này đặt dấu hỏi lớn lên khả năng phòng thủ của Mỹ trong trường hợp bị tấn công tên lửa. Mỹ đã chi một khoản tiền khổng lồ vào hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo với một mạng lưới cảm biến vệ tinh toàn cầu có khả năng phát hiện và theo dõi các vụ phóng tên lửa. Các tên lửa đánh chặn luôn sẵn sàng.
Nhưng giới chuyên gia cho rằng hệ thống phòng thủ của Mỹ không đáng tin cậy. Chính quyền Trump hiện đang có kế hoạch kiểm tra rà soát lại toàn bộ hệ thống này.
Tên lửa đánh chặn thế hệ mới bắt đầu được đưa vào sử dụng. Nhưng trong tương lai gần, chỉ một số nhỏ có thể đương đầu với nguy cơ tiềm tàng từ phía Triều Tiên.
4 tên lửa của Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: KCNA
Từ thời Tổng thống Ronald Reagan, nước Mỹ đã hy vọng sẽ xây dựng được lá chắn tên lửa khắp khu vực Mỹ và các đồng minh. Tại thời điểm đó, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo được xem là gây mất ổn định và bị cấm trong Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo thời Chiến tranh Lạnh.
Theo đó, việc lắp đặt nhiều lá chắn tên lửa bị cho là gián tiếp làm gia tăng khả năng tấn công hạt nhân vào những vị trí không được lắp đặt, hệ quả là làm giảm hiệu quả của việc ngăn chặn bùng phát chiến tranh hạt nhân.
Hệ thống phòng thủ Mỹ tồn tại rủi ro
Lá chắn tên lửa được xem như phép cân bằng chiến lược giữa các cường quốc hạt nhân. Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ cần một hệ thống ở mức trung bình cũng có thể khiến đối phương phải cân nhắc và tính toán lại rất nhiều.
Nhưng ý tưởng về một lớp phòng thủ tên lửa tuyệt đối lại được coi là khoa học viễn tưởng, nếu không muốn nói là ảo tưởng. Hệ thống đó sẽ cực kì tốn kém trong khi công nghệ này đơn thuần không thể tồn tại trong thời điểm hiện tại.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không chỉ tập trung chống lại vũ khí hạt nhân từ Nga nữa, mà nhằm bảo vệ Mỹ khỏi mối đe dọa mà Washington cáo buộc do chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên.
Trong bối cảnh này, Mỹ không đơn thuần muốn khiến đối phương phải cân nhắc lại chiến thuật, mà còn muốn bắn hạ mọi tên lửa tiếp cận vùng trời Mỹ.
Israel đã có những bước tiến vượt bậc trong công nghệ. Hệ thống tên lửa đánh chặn và radar quan sát – được Mỹ tài trợ phần lớn – cho thấy hiệu quả khả quan, dù hệ thống này cũng chưa thể chống đỡ được một cuộc tấn công tổng lực quy mô lớn.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Ảnh: Reuters
Ngược lại, hệ thống phòng thủ của Mỹ, theo nhiều chuyên gia, vẫn chưa thực sự ổn định. Các cuộc thử nghiệm cho thấy những kết quả bất ổn, lúc thành công lúc không.
Bên cạnh đó, những bài kiểm tra còn thường xuyên bị chỉ trích vì không hề tương đồng với hoàn cảnh thực địa khi chiến tranh xảy ra.
Thậm chí các tướng lĩnh của Mỹ cũng thừa nhận rằng lá chắn của họ không hoàn toàn chống được tên lửa và sẽ nhanh chóng bị xuyên thủng nếu quốc gia đối phương sở hữu một kho tên lửa lớn.
Cho dù Tổng thống Trump có ý định gì với Triều Tiên và mối đe dọa tên lửa từ quốc gia này, thì thời gian cũng không còn nhiều. Lựa chọn khả thi nhất hiện tại là nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bằng các tên lửa đánh chặn thế hệ mới.