Ngày 6/12/2018, Không quân Mỹ triển khai một máy bay do thám OC-135 tới Ukraine theo đề nghị của Kiev. Bộ Ngoại giao Mỹ nói trên chiếc máy bay bốn động cơ là các quan sát viên đến từ Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Romania và Anh.
Chuyến bay này diễn ra hai tuần sau khi lực lượng tuần duyên Nga bắt giữ ba tàu của Ukraine đang cố vượt qua eo biển Kerch nối giữa biển Azov và biển Đen.
“Thời điểm của chuyến bay được thiết kế nhằm mục đích tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Ukraine và các quốc gia đối tác khác”, Bộ Quốc phòng Mỹ nói. Vậy nó bay đi đâu? Theo suy nghĩ thông thường, nó phải bay đến vùng căng thẳng để xem xét tình hình.
Trong thực tế, chiếc OC-135 chỉ bay theo một lộ trình “dễ chịu” trong lãnh thổ Ukraine, theo Steffan Watkins, một chuyên gia an ninh độc lập. “Họ không bay tới vùng tranh chấp nào cả”, ông Watkins nói với National Interest.
Một chiếc OC-135 của Mỹ
Watkins sử dụng phần mềm theo dõi các chuyến bay thương mại để theo dõi chiếc OC-135, bởi vị trí của chiếc máy bay được xác định khi nó sử dụng thiết bị thu phát tín hiệu radio.
Ai cũng biết Donbass là khu vực ở miền đông có đụng độ giữa lực lượng ly khai với binh lính của chính phủ Ukraine. Nhưng chiếc OC-135 không bay qua Donbass. Thay vào đó, nó “bay theo hình hạt nước từ Kiev tới miền nam, cách biên giới với vùng bán đảo Crimea tới 20km”, theo lời ông Watkins.
Chuyến bay ngắn tháng 12/2018 này được thực hiện theo hiệp ước Bầu trời mở 1992, theo đó 34 quốc gia bao gồm Nga, Mỹ và hầu hết các nước châu Âu thực hiện các chuyến bay không mang theo vũ khí nhưng được trang bị camera và radar, theo các đường bay đã cho trước trong lãnh thổ của nhau, tất cả vì mục đích theo dõi các động thái quân sự và thẩm tra sự tuân thủ hiệp ước.
Hiệp ước này yêu cầu các nước thành viên chỉ sử dụng các cảm biến thương mại trên các chuyến bay. Vì thế trên chuyến bay của chiếc OC-135, các camera chỉ có thể chụp ảnh vật thể ở khoảng cách vài km.
Ở khoảng cách 20km so với Crimea, chiếc OC-135 trong chuyến bay ngày 6/12/2018 không thể chụp hay quan sát được lực lượng Nga trên bán đảo này.
Hồi tháng 2/2014, khi Nga sáp nhập Crimea, Không quân Mỹ đã triển khai một chiếc OC-135 tới Ukraine và thực hiện các chuyến bay dọc biên giới Nga-Ukraine, rất gần với các lực lượng Nga.
“Năm 2014, họ bay do thám thực sự, với lực lượng hỗ trợ dưới mặt đất”, ông Watkins bình luận. “Nhưng chuyến bay cuối năm 2018 chỉ là lượn vòng chút chút thôi”.
“Chắc là do thiếu toilet (nên không bay lâu được)”, ông Watkins châm biếm về điều kiện thiếu thốn của chiếc OC-135.
Một nhóm nghị sỹ Mỹ từng cố gắng trong nhiều năm nhằm loại bỏ chiếc máy bay lạc hậu này khỏi đôi bay do thám phục vụ hiệp ước Bầu trời mở của Mỹ.
Mặc dù vậy, chiếc OC-135 vẫn được sử dụng để thực hiện chuyến bay cuối năm 2018 ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Mỹ tâng bốc chuyến bay này là “thể hiện giải pháp của Mỹ đối với tình hình”. “Chúng tôi đứng bên cạnh Ukraine trước sự gây hấn của Nga và các hoạt động đe dọa trên biển Azov”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Nhưng theo ông Watkins, chính quyền Trump muốn tỏ ra đối đầu với Nga nhưng không thực sự đối đầu. “Tôi không thấy có gì được thể hiện trong chuyến bay đó cả”, ông nói.