Bầu trời Thủ đô Moscow sẽ bao trùm bởi hệ thống phòng thủ tên lửa tuyệt mật

Bảo Lam |

Các nhà phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của khu vực Thủ đô Moscow, Nga vừa vén nhẹ bức màn về loại vũ khí mới còn đang ở trong vòng tuyệt mật.

Hé lộ loại tên lửa mới tuyệt mật

Các hoạt động thử nghiệm hệ thống phòng thủ chống tên lửa tầm ngắn thế hệ mới thuộc hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Nga sẽ diễn ra trong vài ngày tới trên thao trường Sary-Shagan (Nga).

Thông tin này do Trưởng phòng thuật toán chiến đấu và các chương trình kết nối hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Lực lượng Không quân-vũ trụ Nga, Đại tá Ilgar Tagiev cung cấp.

Mặc dù ông Tagiev không đưa ra bất cứ thông tin liên quan nào tới hệ thống nói trên, nhưng có thể phỏng đoán rằng, đó là hệ thống phòng thủ tên lửa đầy tiềm năng của Moscow mang tên A-235 "Nudol" mà sắp tới sẽ thay thế hệ thống A-135 "Amur".

Đại tá Tagiev đề cập tới cả những kế hoạch phóng thử nghiệm trên thao trường Sary-Shagan các tên lửa đã được bàn giao cho quân đội nhằm khẳng định các tính năng kỹ-chiến thuật của chúng. Đó, nhiều khả năng, sẽ là tên lửa tầm ngắn 53T6 được trang bị cho hệ thống "Amur".

Ông Tagiev cũng nhắc tới các kế hoạch thử nghiệm tên lửa được thiết kế mới bởi tập đoàn "Almaz-Antey". Thực ra, vì tất cả các nghiên cứu về hệ thống phòng thủ chống tên lửa là tuyệt mật, nên vẫn chưa rõ đó là tên lửa mới hoàn toàn hay phiên bản nâng cấp của 53T6? Bởi vì hàng loạt các nguồn tin gọi phiên bản nâng cấp là "kẻ kế nhiệm" của 53T6.

Bầu trời Thủ đô Moscow sẽ bao trùm bởi hệ thống phòng thủ tên lửa tuyệt mật - Ảnh 1.

Tên lửa tầm ngắn 53T6.

Cần phải nói rằng, cả phiên bản nâng cấp của tên lửa cũ, về bản chất, vẫn là nghiên cứu mới. Điều này hoàn toàn đúng, trước tiên, về mặt ứng dụng công nghệ trong dự án. Bởi vì 53T6 đã ngừng được sản xuất và toàn bộ dây chuyền đã bị tháo dỡ. Vì vậy, công tác sản xuất tên lửa nâng cấp sẽ phải bắt đầu gần như từ con số 0.

Ông Tagiev gọi tên lửa nhiều tiềm năng này là độc đáo và có một không hai trên thế giới. Nhưng điều này cũng giống như với tên lửa 53T6. Và ông Tagiev có vẻ hơi cường điệu khi tô vẽ thêm cho tính năng duy nhất của quả tên lửa mới – tốc độ tương đương 3km/giây. Có nghĩa là hơn 8M.

Và các tính năng được nêu ra trước đây của quả tên lửa cũ cũng ẩn chứa nhiều sự cường điệu tương tự. Khi đó, người ta đưa ra tốc độ tối thiểu là 3,6km/giây và tối đa, vượt quá sự tưởng tượng, là 14M.

Vì thế, chúng ta chỉ có thể phỏng đoán rằng, tên lửa mới mà chúng ta tự gọi là 53T6M sẽ phải có những tính năng vượt trội hơn tên lửa cũ.

Được biết 53T6M có đầu đạn tiêu diệt tên lửa đối phương bằng phương pháp chạm nổ nhờ độ chính xác định vị mục tiêu được nâng cao trên cơ sở hệ thống điều khiển hoàn thiện hơn và nhờ khả năng chịu được quá tải lớn khi di chuyển ở tốc độ cao.

Bầu trời Thủ đô Moscow sẽ bao trùm bởi hệ thống phòng thủ tên lửa tuyệt mật - Ảnh 2.

Tên lửa tầm ngắn 53T6.

Phần lớn các tính năng của 53T6M đều mang tính chất ước đoán. Độ cao mà quả tên lửa này có thể đánh chặn được mục tiêu là 30km, còn tầm xa lên tới 100km. Độ quá tải tối đa: 210 g – trục dọc, 90 g – trục ngang. Quả tên lửa với trọng lượng gần 10 tấn được trang bị động cơ phản lực nhiên liệu thể rắn.

Kế thừa những tinh hoa của thế hệ trước

Cần phải nhấn mạnh rằng, 2 phiên bản nâng cấp trước đây của hệ thống phòng thủ chống tên lửa bảo vệ Thủ đô Moscow là A-35 và A-135 là những hệ thống khá "khủng". Và không chỉ đối với những mục tiêu của chúng là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Để có thể đảm bảo bắn hạ được các tên lửa đe dọa khu vực thủ đô Moscow, người ta đã sử dụng cả đầu đạn hạt nhân.

Trong các quả tên lửa A-35, đầu đạn có sức công phá 2 Megaton. Trong A-135, người ta đã giảm sức công phá xuống còn 20 kiloton nhờ sử dụng luồng neutron mạnh mà có thể vô hiệu hóa đầu đạn hạt nhân của các tên lửa tấn công. Còn hiện tại, sức công phá đã được giảm xuống còn 10 kiloton.

Hệ thống A-135 hiện tại, mà sắp được thay thế bằng A-235, bắt đầu được đưa vào trực sẵn sàng chiến đấu từ năm 1995. Các đơn vị nghiên cứu thiết kế chủ lực của hệ thống này là công ty "Vympel", Viện Nghiên cứu công cụ và Phòng thiết kế "Novator". Thành phần của A-135 bao gồm:

- Trạm định vị sóng (TĐVS) "Don-2N" có những tính năng độc đáo. Trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung Nga-Mỹ những năm 2000, TĐVS này đã có thể phát hiện và dựng quỹ đạo bay của một vật thể có đường kính 5cm ở khoảng cách tới 2.000km;

- Hai loại hệ thống chống tên lửa phóng giếng: tầm gần và tầm xa;

- 7 tổ hợp phóng;

- Trung tâm tính toán-chỉ huy trên cơ sở Siêu máy tính "Elbrus 2".

Dù A-135 không thể chặn được hoàn toàn các cuộc tấn công của tất cả những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện có của Mỹ nhưng sức công phá của nó tăng đáng kể so với A-35, có thể cùng một lúc đánh chặn cuộc tấn công từ 2 tầu ngầm chiến lược của Mỹ với 16 tên lửa mang 3 đầu đạn hạt nhân mỗi quả trên mỗi tàu.

Tên lửa tầm xa 51T6 được chế tạo theo sơ đồ hỗn hợp: tên lửa đẩy cấp 1 sử dụng nhiên liệu thể rắn, còn cấp 2 – thể lỏng. Khu vực bắn hạ mục tiêu về độ cao – từ 70km đến 670km.

Những thông số về tầm xa có sự không thống nhất – tầm xa tối thiểu 130km, tầm xa tối đa, theo nhiều thông tin khác nhau, dao động từ 350km tới 850km. Những tên lửa này được triển khai sẵn sàng chiến đấu cho tới năm 2006, sau đó chúng bắt đầu được tháo bỏ.

Như vậy, hiện nay tên lửa tầm ngắn 53T6 đang bảo vệ bầu trời thủ đô Moscow của Nga. Ngoài những tính năng vượt trội được mô tả ở trên, nó còn sở hữu kỷ lục thế giới về khả năng bão hòa năng lượng.

Tổng công trình sư của dự án chế tạo tên lửa này, ông Basistov khẳng định rằng, các tính năng của tên lửa này cao hơn nhiều so với tính toán. Sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm cấp nhà nước, ông Basistov cho biết:

"Hệ thống này chứng tỏ nhiều tiềm năng lớn trên tất cả các thông số. Các tên lửa chống tên lửa của 53T6 có thể tiêu diệt những mục tiêu đạn đạo ở tầm xa gấp 2,5 lần và tầm cao gấp 3 lần so với những gì chúng ta đang kiểm tra. Hệ thống này sẵn sàng thực hiện cả những nhiệm vụ tiêu diệt các vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp và những nhiệm vụ khác".

Nếu như hệ thống thế hệ thứ hai (A-135) được chế tạo trên cơ sở thay đổi hần như toàn bộ các linh kiện của hệ thống A-35, thì khi tiến hành thiết kế A-235, phần lớn các thiết bị của hệ thống A-135 sẽ được nâng cấp sâu.

Và công tác này được triển khai từ đầu những năm 2010. Trong vòng vài năm gần đây, tầm hoạt động và khả năng cho phép của ăng ten mảng pha đã được nâng cấp lên gấp 2 lần ban đầu.

Công suất tính toán của trung tâm chỉ huy cũng tăng đáng kể nhờ siêu máy tính hiện đại "Elbrus-3M" được lắp đặt để thay thế cho "Elbrus-2". Thêm vào đó, các thuật toán hoàn thiện hơn để phát hiện mục tiêu, theo dõi chúng và dự báo quỹ đạo bay đã được nghiên cứu lập trình.

Việc đưa các tên lửa mới vào hệ thống là một quá trình mang tính từng bước. Hiện nay các tên lửa 53T6 đang được triển khai chiến đấu. Sau đó, hệ thống sẽ được bổ sung các tên lửa tầm xa mới. Kế đến, sẽ xuất hiện tên lửa chống tên lửa tầm ngắn được nâng cấp như Đại tá Ilgar Tagiev đề cập ở trên.

Và cuối cùng, trong tương lai dài hạn, sẽ xuất hiện tên lửa chống tên lửa tầm trung mà hiện nay hoàn toàn chưa có thông tin nào được hé lộ.

Còn tên lửa tầm xa hoàn toàn nằm trong tầm tay của lĩnh vực chế tạo tên lửa Nga. Những lần thử nghiệm đầu tiên loại tên lửa này được bắt đầu vào năm 2014 trên thao trường Plesetzk. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, vào tháng 5/2015, tên lửa này đã tiêu diệt thành công mục tiêu là một vệ tinh đã hết hạn sử dụng.

Có những thông tin cho biết tầm bắn của tên lửa này có thể đạt tới mức 1.500km, còn điểm cao nhất của quỹ đạo bay tương đương 750km.

Như đã đề cập ở trên, trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa thế hệ mới hoàn toàn vắng bóng các đầu đạn hạt nhân. Thay vào đó có thể là đầu đạn động lực học hoặc nổ trùm văng mảnh.

Thêm một điểm quan trọng: nếu như các tên lửa chống tên lửa trước đây được bố trí từ bệ phóng giếng ngầm, thì bây giờ chúng được bố trí cơ động trên các xe kéo. Như vậy, có khả năng tổ hợp phòng thủ chống tên lửa mới sẽ bảo vệ không chỉ bầu trời Moscow mà cả khu vực ngoại ô của Thủ đô nước Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại