Giấc mơ tỷ phú thế giới
Từng là người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2009 với tổng tài sản hơn 6.100 tỷ đồng, ông Đoàn Nguyên Đức tạo lập được khối tài sản ban đầu bằng việc kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Khi đó, ông nuôi khát vọng có tên trong danh sách tỷ phú thế giới, thay vì chỉ đơn thuần là người giàu Việt Nam. "Tất nhiên, ước mơ chỉ là ước mơ, tôi tin rằng, tất cả những doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này. Đây không còn là danh dự cá nhân mà còn là niềm tự hào dân tộc".
Tuy nhiên, năm 2009 là lần duy nhất ông Đức chạm được đến ngôi vị giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Kể từ đó cho tới nay, thứ bậc của ông cứ tụt dần theo đà suy giảm của cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai và những khó khăn với bất động sản trong nước. Năm 2015, khi bầu Đức hầu như buông bỏ địa ốc ở Việt Nam, 5.000 tỷ đồng từ tài khoản chứng khoán của ông Đức đã "bốc hơi".
Gàn 10 năm sau phát ngôn tỷ phú, hiện thực của bầu Đức là ra khỏi top 35 người giàu nhất sàn chứng khoán, tổng tài sản trên sàn chỉ còn 73 triệu USD.
Kỳ vọng ông hoàng ngành đường Đông Nam Á
Những khó khăn với bất động sản trong nước khiến bầu Đức tìm kiếm cơ hội trong ngành nông nghiệp ở nước ngoài. Thời gian đầu, ông đặt cược vào đường, cao su, dầu cọ... với niềm tin giá cao nên không thể chết được.
Với đường, bầu Đức rót 100 triệu USD khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Mía đường Attapeu. Cụm khu công nghiệp khép kín này đặt ngay trên nông trường mía rộng hơn 10.000 ha bao gồm một máy tinh luyện đường công suất 120.000 tấn/năm, một nhà máy nhiệt điện 30 megawatt và một nhà máy sản xuất ethanol. Năm 2012, ông tuyên bố sẽ đưa 100.000 tấn đường về Việt Nam và khuyên các doanh nghiệp đường trong nước "nên đóng cửa nếu thua lỗ vì công nghệ đã quá lạc hậu".
Năm 2017, các ngành kinh doanh của bầu Đức ngoài lãnh thổ Việt Nam đứng trước nguy cơ phải chuyển nhượng vì công ty này không còn đủ năng lực vay vốn để đáp ứng dòng vốn lưu động. Dẫu đặt nhiều kỳ vọng vào ngành đường, nhưng bầu Đức phải bán lại cơ ngơi này cho một người quen ngành đường khác là ông Đặng Văn Thành với giá 1.330 tỷ đồng.
Đánh cược với cao su
Cùng thời điểm với đường, cao su được bầu Đức "đặt cửa" sẽ là cứu cánh với Hoàng Anh Gia Lai. Ngay cả trong giai đoạn 2012-2015, Hoàng Anh Gia Lai chịu gánh nặng lãi vay rất lớn, bầu Đức từng đưa ra những tuyên bố chắc nịch: "Bán nhà cũng phải trồng cao su"; "Từ năm 2014 trở đi, mỗi năm lợi nhuận thu được của tôi sẽ là 450 triệu USD".
Tuy nhiên, những biến động giá trên thị trường thực tế lại không chiều lòng ông chủ Hoàng Anh Gia Lai. Khi công ty đầu tư vào cao su, mức giá trên thị trường thế giới là 4.000 - 5.000 USD tấn, giá thành sản xuất chỉ là 1.200 - 1.300 USD. Đến năm 2016, khi cao su bắt đầu khai thác, giá lại ở mức thấp kỷ lục, chỉ 1.650 USD/tấn. Hiện tại, dù giá đã hồi phục nhẹ lên trên 2.000 USD, nhưng doanh thu của 40.000 ha cao su thuộc sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai chỉ chưa đầy 500 tỷ đồng, tức khoảng 2,2 triệu USD.
Vẽ lại bản đồ ngành bò sữa
Năm 2014, bầu Đức gây bất ngờ khi quyết định nuôi bò số lượng lớn tại Lào. Theo thông tin mà vị này cung cấp, Hoàng Anh Gia Lai sẽ nuôi cả bò thịt và bò sữa, trong đó, bò sữa của tập đoàn này sẽ cho sản lượng trên mỗi con cao gấp đôi những gì TH đang thực hiện. Khi đó, bầu Đức nắm trong tay 200.000 bò thịt và bò sữa, ông khẳng định "HAGL nuôi bò thì thế giới không đâu bằng".
Sợ bị truyền thông gọi là "nổ", nhưng vị chủ tịch gần 50 tuổi của Hoàng Anh Gia Lai khi đó không giấu tham vọng thu triệu đô từ bò với tiết lộ sẽ chi tới 3.000 tỷ đồng để phát triển các ngành công nghiệp xoay quanh đàn bò. "Tôi sẽ mở rộng đàn bò vì đây là kênh hiệu quả nhất trong tất cả những ngành tập đoàn từng đầu tư. Nếu nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh".
2 năm sau, quả thật đàn bò đã "cứu" bầu Đức. Trong giai đoạn mà cơn khủng hoảng tài chính của HAGL lên tới đỉnh điểm, phải cầm cố hầu hết tài sản để trả nợ vay đến hạn, doanh thu từ đàn bò là bệ đỡ duy nhất, giúp đế chế của bầu Đức thoát khỏi cảnh sụp đổ. Ông cảm thán: "Năm nay (2016), không có bò thì chúng tôi cũng… bò luôn". Thậm chí, bầu Đức từng xót xa thốt lên: "Nhiều lúc kiếm 50 tỷ thôi nhưng không ra, thật cay đắng"
Nhưng sang đến năm 2017, biên lợi nhuận kinh doanh bò giảm sút, thậm chí lỗ, Hoàng Anh Gia Lai xoay lại kế hoạch phát triển, tập trung vào cây ăn trái. Đàn bò bị cắt giảm xuống chỉ còn 5% so với trước, chỉ đóng vai trò là một phần trong chuỗi nông nghiệp khép kín (lấy phân bón).
Từ số 1 đến vĩ đại
Trong đại hội cổ đông năm 2017 vừa diễn ra vào tháng 6/2018, bầu Đức đứng trước áp lực lớn của cổ đông, khi đã rất lâu rồi báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán và những thông tin cổ tức không còn là điều thúc đẩy niềm tin của cổ đông vào tập đoàn. Trong những cuộc họp đại hội, người ta không còn thấy lạ khi bầu Đức tiếp tục nhắn nhủ những người đã đầu tư vào cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai "kiên nhẫn", "cho thêm thời gian".
"Trồng cây phải có thời gian, tôi rất hiểu nóng lòng của các bạn sao trồng mãi chưa thấy thu hoạch dòng tiền. Tuy nhiên, các bạn cần nhớ HNG chuyển từ trồng cao su sang cây ăn quả, mà cây ăn quả phải nhiều năm mới có kết quả. Dự kiến năm 2018 doanh thu vẫn sẽ khiêm tốn, có muốn vội cũng không được", ông phân trần.
Báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai quý I/2018 vẫn đẹp, doanh thu trên 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận 56,6 tỷ đồng, nhưng những kết luận trong báo cáo kiểm toán lại là đòn giáng mạnh cho công ty này. Báo cáo kiểm toán được E&Y thực hiện cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2017 của Hoàng Anh Gia Lai đạt 4.841 tỷ đồng, giảm 27,8% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.032 tỷ đồng xuống còn 371,6 tỷ đồng, chênh lệch hơn 660 tỷ đồng sau kiểm toán.
Khó khăn về thanh khoản và sắp xếp các khoản trả nợ vay là nguyên nhân khiến các kiểm toán viên "nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn". Ngay lập tức, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai rơi vào diện cảnh báo trên sàn chứng khoán.