Bầu cử Tổng thống Pháp: Với ông Macron, chiến thắng chưa phải là cuối cùng

Quang Dũng |

Trong bầu cử Pháp hiện nay, ông Macron đang có cơ hội cao giành chiến thắng nhưng bà Le Pen chưa hẳn tắt hy vọng. Sau sự kiện này là một cuộc bầu cử lớn khác tại Pháp vào thời điểm 2 tháng tới.

Tổng thống Pháp Macron.

Tổng thống Pháp Macron.

Hầu hết các con số đều rất dễ dàng đưa đến nhận định rằng đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tái cử một cách không quá khó khăn. Nhưng trong thời đại của những bất trắc, bà Marine Le Pen vẫn chưa tắt hy vọng vào một điều thần kỳ trong nỗ lực, có lẽ là cuối cùng, để bước lên nấc thang quyền lực cao nhất của nước Pháp. Quan trọng hơn, cuộc đối đầu Macron-Le Pen này sẽ còn định hình tương quan lực lượng cho một cuộc bầu cử lớn khác tại Pháp sau đó 2 tháng.

Đảm bảo từ con số

Các con số đều đang đứng về phía ông Macron. Các cuộc thăm dò dư luận quy mô lớn cuối cùng do các hãng Ipsos-Sopra Steria, Elabe hay IFOP-Fiducial… thực hiện 2 ngày trước khi diễn ra vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đều cho ra các kết quả tương tự: ông Emmanuel Macron duy trì cách biệt lớn với bà Marine Le Pen. Không lớn đến mức gần gấp đôi như kết quả năm 2017 (66,1% và 33,9%) nhưng đủ lớn để an toàn. Cách biệt lớn nhất, như thăm dò trên 12.000 cử tri của Ipsos-Sopra Steria là 13 điểm, ông Macron dự kiến sẽ giành 56,5% phiếu vòng 2, so với 43,5% của bà Le Pen. Cách biệt thấp nhất cũng là 9 điểm (54,5% và 45,5%).

Thăm dò dư luận không phải là phán quyết bất biến. Trong lịch sử, những hãng thăm dò dư luận uy tín nhất của Pháp cũng đã từng sai, điển hình là năm 2002, khi không ai nghĩ rằng Jean-Marie Le Pen, cha của bà Marine Le Pen, lại đánh bại đương kim Thủ tướng Lionel Jospin để lọt vào vòng 2 lịch sử.

Nhưng các cuộc thăm dò dư luận cũng ngày càng sai ít hơn. Các thuật toán tinh vi và mức độ tương tác sâu rộng với cử tri qua nhiều hình thức đã giảm thiểu sai số đến các mức rất thấp. Như Ipsos-Sopra Steria tự tin rằng, dự đoán lần này sai số chỉ là 1,1%, tức trong trường hợp “tệ nhất”, ông Macron vẫn còn hơn bà Marine Le Pen khoảng 10 điểm. Trong 3 kỳ bầu cử Tổng thống Pháp gần đây nhất, từ 2007, 2012 đến 2017, kết quả của cả vòng 1 lẫn vòng 2 đều nằm đúng trong dự đoán của các cuộc thăm dò.

Nói cách khác, ông Emmanuel Macron có một sự đảm bảo lớn từ các con số. “Tai nạn” tất nhiên vẫn có thể diễn ra nhưng về mặt kỹ thuật, rủi ro nằm trong tầm kiểm soát, đặc biệt là khi thử thách cuối cùng - cuộc tranh luận trực tiếp tối ngày 20/4 với bà Marine Le Pen cũng đã kết thúc với các lợi thế rõ rệt nghiêng về Tổng thống Pháp.

Dù bị không ít chỉ trích là đã thể hiện một thái độ có phần hung hăng, ngạo mạn nhưng ông Macron vẫn được 59% cử tri Pháp đánh giá thuyết phục hơn bà Le Pen, trên 50% cho rằng ông đã thể hiện được phong thái của một Tổng thống, gần gấp đôi đánh giá tương tự cho bà Le Pen.

Cảnh báo kịp thời

Giữa tháng 3/2021, tức hơn nửa tháng sau khi cuộc chiến tại Ukraine bùng nổ và vào lúc chỉ còn 1 tháng sẽ diễn ra vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, rất nhiều cuộc tranh luận chính trị tại Pháp đều xoay quanh một chủ đề, đó là liệu một cuộc bầu cử Tổng thống gần như đã biết trước kết quả có làm xói mòn hơn nữa niềm tin vốn đang suy giảm từ nhiều năm qua của cử tri Pháp vào nền dân chủ nước này hay không?

Đó là thời điểm mà cuộc chiến tại Ukraine đã đưa uy tín của ông Macron, với tư cách một Tổng tư lệnh thời chiến, lên cao chưa từng thấy trong vài năm qua. Trong các cuộc thăm dò dư luận cho cuộc bầu cử, ông Macron được dự đoán sẽ chiếm tới gần 32% phiếu bầu vòng 1, cao gấp đôi bà Marine Le Pen và bỏ xa tất cả các ứng cử viên khác. Đó cũng là thời điểm mà mọi đối thủ của ông Macron, kể cả bà Le Pen, đều đang bế tắc trong việc tạo được một lực đẩy mạnh mẽ cho chiến dịch tranh cử. Không ai trong đội ngũ thân cận với ông Macron lo lắng cho cuộc bầu cử vào lúc đó, khác hẳn với việc âm thầm chuẩn bị kịch bản hồi cuối năm 2020 rằng ông Macron có thể sẽ bị loại ngay từ vòng 1.

Nhưng sự thăng tiến mạnh mẽ của bà Marine Le Pen và ông Jean-Luc Mélenchon trong giai đoạn tranh cử nước rút, và được thể hiện bởi các số phiếu cao chưa từng thấy tại vòng 1 của hai ứng cử viên này, đã mang lại hồi chuông cảnh tỉnh kịp thời, đó là trong thời đại của mạng xã hội, của công nghệ và của những bất trắc chính trị vốn không ai nghĩ có thể xảy ra, từ Brexit, Donald Trump đến cuộc chiến Ukraine, mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh.

Gần 28% số phiếu mà ông Macron giành được tại vòng 1 hôm 10/4 là một sự giải thoát rất lớn. Con số này ngăn chặn được điều mà các cố vấn của ông Macron lo sợ thực sự, đó là nếu như bà Marine Le Pen đứng đầu vòng 1, hiệu ứng mà nó tạo ra có thể sẽ không thể cản nổi và sẽ xói mòn chính những nền tảng cử tri vững chắc nhất của ông Macron.

Lo sợ đó đã không diễn ra, và ông Macron cũng đã lập tức sửa sai. Thay cho vòng 1 “không tranh cử” là những cuộc mít-tinh, trả lời phỏng vấn và các chuyến đi vận động dồn dập cho vòng 2. Vài tiếng sau khi vòng 1 kết thúc, ngay sáng ngày 11/4, ông Macron đã có mặt tại Denain, một trong những địa phương nghèo nhất nước Pháp ở miền Bắc, xắn tay áo ra chợ nói chuyện 6 tiếng đồng hồ với các cử tri. 11 ngày sau, ngày 22/4, ông Macron kết thúc chiến dịch tranh cử tại Figeac, một vùng quê nông thôn heo hút ở miền Nam. Thông điệp gửi đi rất rõ: đương kim Tổng thống Pháp không muốn bỏ mặc lãnh địa nông thôn và những khu vực khó khăn cho bà Marine Le Pen.

Bài học từ khủng hoảng “Áo vàng” cuối năm 2018 vẫn còn rất nhức nhối: Sự bất mãn của dân chúng bình dân có thể bùng nổ ngoài tầm kiểm soát và khiến những người cầm quyền trả giá đắt qua lá phiếu, nhất là với một Tổng thống hay bị chỉ trích là “của người giàu” và quá “thành thị” như ông Macron. Và cũng giống như “Áo vàng” 2018 khi bạo loạn bùng phát ban đầu chỉ vì vài xen tăng thêm trong giá nhiên liệu, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay cũng gắn chặt với chủ đề khiến nhiều người Pháp lo lắng nhất - sức mua, giá cả leo thang và chất lượng sống suy giảm.

Có những cử tri nghèo, những người hưu trí bất mãn vì tiền hưu bị cắt giảm thực sự muốn ông Macron phải trả giá và thách thức của ông Macron là phải ngăn chặn, không cho sự bất mãn âm ỉ đó lan rộng hơn như trước vòng 1.

Cho đến hiện tại, sau nhiều ngày tranh cử quyết liệt, ông Macron đang hoàn thành nhiệm vụ này. Trên lý thuyết.

Rủi ro nào?

Được đánh giá cao hơn nhiều bà Le Pen trong các cuộc thăm dò dư luận, được hỗ trợ bởi “rào cản cộng hòa” mà các cử tri dựng lên để ngăn các ƯCV cực hữu và cũng đã áp đảo bà Marine Le Pen trong dịp đối đầu tranh luận, về hầu hết các khía cạnh, đương kim Tổng thống Pháp đã bước vào vòng 2 cuộc bầu cử với vị thế tốt nhất có thể vào thời điểm này.

Nhưng, rủi ro thất bại luôn tồn tại và với ông Macron cũng không phải ngoại lệ.

Đầu tiên, đó là tỷ lệ cử tri vắng mặt. Các con số đưa ra trong các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ cử tri vắng mặt có thể dao động từ 26% đến 29%. Những người vắng mặt đa số sẽ là những cử tri ủng hộ ông Macron và tự tin cho rằng ông Macron sẽ thắng nên sẽ đi du lịch trong dịp lễ Phục sinh thay vì đi bỏ phiếu. Phần lớn trong số đó cũng sẽ là những cử tri vốn ủng hộ ông Jean-Luc Mélenchon tại vòng 1, rất thù địch với các kế hoạch của bà Marine Le Pen nhưng cũng hoàn toàn không có ý muốn tạo lợi thế cho ông Macron. Những thành phần cử tri này vắng mặt càng nhiều, nguy cơ ông Macron bị bà Marine Le Pen thu hẹp cách biệt càng lớn bởi bao năm qua bà Marine Le Pen luôn duy trì được một ưu thế so với các đối thủ khác, đó là lượng cử tri ủng hộ cực hữu luôn tích cực đi bỏ phiếu nhất.

Đánh giá một cách khách quan, rủi ro này không quá lớn. Nhưng sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều cho ông Macron nếu tỷ lệ cử tri vắng mặt đông đảo lại đi kèm với số lượng lớn phiếu trắng và phiếu bất mãn âm thầm. Khác với năm 2017, giờ đây ông Macron đã có 5 năm lãnh đạo, đã có một bảng thành tích để các cử tri soi xét và đánh giá.

Bảng thành tích đó gây ra rất nhiều tranh cãi. Một mặt, không có một Tổng thống nào trong nền cộng hòa thứ 5 nước Pháp phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng lịch sử dồn dập như ông Macron: “Áo vàng” năm 2018, đại dịch Covid-19 từ 2020 và cuộc chiến tại Ukraine. Đó đều là những cuộc khủng hoảng vài thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ mới đến một lần và về cơ bản, trừ bạo loạn “Áo vàng”, ông Macron đều đã xử lý không tệ. Nhưng mặt khác, vai trò “Tổng thống của khủng hoảng” cũng không lấn át được những cải cách thất bại (cải cách hưu trí, cải cách hiến pháp), những bất bình đẳng xã hội và mất an ninh gia tăng, sức mua dân chúng sụt giảm và một sự phân cực lớn trong nền chính trị khi các đảng phái truyền thống, đặc biệt là cánh hữu, bị ông Macron chia rẽ một cách khốc liệt.

Cá tính và cách điều hành của ông Macron cũng đặt ra nhiều hoài nghi. Sự tự tin thái quá, đôi khi bị coi là ngạo mạn, và xu hướng tập trung quyền lực cá nhân lớn… là những điều khiến không ít cử tri Pháp không thiện cảm với ông Macron. Sự không thiện cảm âm ỉ này có thể nhanh chóng biến thành một lá phiếu chống nếu các cử tri này có một lựa chọn khác thay thế. Và đây chính là vấn đề khi bà Marine Le Pen đang được nhiều người Pháp chấp nhận hơn so với cách đây 5 năm.

Cộng số phiếu của bà Marine Le Pen, ông Eric Zemmour và ông Nicolas Dupont Aignan sau vòng 1, trên lý thuyết đã có gần 33% cử tri Pháp lựa chọn ủng hộ bà Le Pen và phe cực hữu. Con số đó chắc chắn sẽ lớn hơn sau vòng 2 và nếu có chiến thắng, ông Emmanuel Macron cũng sẽ phải điều hành đất nước với một thực tế rằng, gần một nửa số cử tri Pháp chấp nhận các rủi ro với một ƯCV cực hữu chỉ vì muốn thay đổi.

Bầu cử Tổng thống chưa phải là cuộc chơi lớn cuối cùng. Kể cả nếu thắng bà Marine Le Pen, ông Macron cũng vẫn còn một thử thách lớn trong 2 tháng tới - bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6/2022. Thế chia ba trong nền chính trị Pháp đang dần hiện rõ, với 3 lực lượng chính gồm: phe trung hữu xoay quanh đảng “Nền cộng hòa tiến bước” (LREM) của ông Macron; phe cực hữu tập hợp các lực lượng từ hai đảng “Tập hợp quốc gia” (RN) của bà Marine Le Pen và đảng “Tái chinh phục” của ông Eric Zemmour; phe cánh tả với trụ cột là đảng “Nước Pháp bất khuất” (LFI) của ông Jean-Luc Mélenchon, đảng Cộng sản Pháp (PCF) và đảng Sinh thái (EELV).

Một chiến thắng không thuyết phục của ông Macron trước bà Le Pen sẽ gây ra các hệ luỵ lớn hơn sau đó 2 tháng, khi các liên đảng đối thủ sẽ có động lực tìm mọi cách giành đa số tại Quốc hội Pháp và buộc ông Macron phải “chung sống chính trị”, tức đưa một Thủ tướng từ đảng đối lập lên nắm chính phủ.

Với ông Macron, chiến thắng ngày 24/4 chưa phải là chiến thắng cuối cùng. Nhưng trước hết vẫn là phải thắng. Nếu thua, tương lai có thể sẽ bất trắc hơn rất nhiều, cho không chỉ ông Macron mà còn cho nước Pháp, cho châu Âu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại