Một tấm hình cũ của Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder tin rằng đất nước của ông cần nguồn cung năng lượng khổng lồ của Nga để duy trì sức mạnh công nghiệp của mình, theo nội dung trao đổi của ông với thời báo New York Times (Mỹ).
Cụ thể, theo bài phỏng vấn được NYT đăng tải hôm 23/4, cựu Thủ tướng Đức Schröder đã nhấn mạnh rằng một quốc gia như Nga không thể bị cô lập trong dài hạn. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh giới chức Đức tiếp tục không hưởng ứng những lời kêu gọi cấm vận dầu khí Nga.
Cựu Thủ tướng Đức khẳng định: Nga và Đức cần nhau. "Họ cần nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt. Còn chúng ta cần dầu và khí đốt để sưởi ấm và giữ cho nền kinh tế phát triển".
Ông Schröder nói thêm: "Ngành công nghiệp của Đức cần những nguyên liệu thô mà Nga sở hữu - không chỉ là dầu và khí đốt, mà còn cả đất hiếm. Những nguyên liệu thô này đơn giản là không thể bị thay thế".
"Không thể cô lập một quốc gia như Nga về lâu dài, cả về chính trị lẫn kinh tế", nhà cựu lãnh đạo Đức nhận định.
Ông Schröder là người có mối quan hệ cá nhân gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi ông còn là Thủ tướng Đức (1998-2005) và ngay cả sau khi ông đã rời nhiệm sở. Ông cũng là người đã giám sát việc xây dựng đường ống Nord Stream đầu tiên giữa Nga-Đức và tiếp tục tư vấn cho nhiều công ty năng lượng của Nga.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ sau khi sự kiện tháng 2 nổ ra, ông Schröder đã nói rõ rằng ông sẵn sàng sử dụng mối quan hệ tốt đẹp này để làm trung gian hòa giải xung đột.
Hồi tháng 3 vừa qua, ông Schröder đã tới Moskva nói chuyện với Tổng thống Putin trong khi đương kim Thủ tướng Scholz cho biết ông không nhận được thông tin về chuyến đi này.
"Tôi luôn đại diện cho lợi ích của Đức. Tôi làm những gì có thể. Ít nhất có một bên tin tưởng tôi", ông Schröder nhấn mạnh sự cần thiết của việc đạt được giải pháp hòa bình càng sớm càng tốt giữa hai bên xung đột.
Bản thân giới chức Đức hiện tại cũng thừa nhận rằng nếu không có năng lượng giá rẻ của Nga, nền kinh tế Đức có thể sụp đổ.
Đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 22/4 đã nói rằng một lệnh cấm vận khí đốt có thể sẽ không đạt được kết quả như những người khởi xướng nó mong muốn, trong khi nó có thể dẫn tới hậu quả là "một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, hàng triệu việc làm mất đi và các nhà máy bị đóng cửa vĩnh viễn".
Giới công nghiệp Đức cũng chia sẻ quan điểm tương tự. BASF, công ty hóa chất lớn nhất thế giới, trước đó đã cảnh báo rằng họ sẽ ngừng sản xuất nếu việc nhập khẩu khí đốt từ Nga bị gián đoạn; trong khi người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Đức đã tuyên bố rằng việc cấm vận khí đốt Nga sẽ gây ra sự "sụp đổ các mạng lưới công nghiệp của Đức".
"Một phần ba lượng dầu nhập khẩu của chúng tôi đến từ Nga", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với tờ báo Bild vào tháng trước. "Nếu Đức ngừng nhập mặt hàng này từ Nga ngay lập tức, thì ngay ngày mai phương tiện giao thông ở Đức sẽ không thể di chuyển nữa."
Tuy nhiên, sau đó, bà Baerbock đã sửa đổi quan điểm thành ủng hộ lệnh cấm vận nhập khẩu dầu khí Nga theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, khi chính phủ Đức khuyên người dân giảm nhiệt độ sưởi và tắm ít đi để tiết kiệm năng lượng, ông Schröder nhận định rằng lệnh cấm vận năng lượng hoàn toàn "sẽ không xảy ra".
Theo ông Schröder, khi cuộc khủng hoảng hiện tại kết thúc, "Đức sẽ phải quay lại làm ăn với Nga. Chúng ta luôn làm như vậy".