VÒNG 2 BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP: Ông Emmanuel Macron chiếm ưu thế

Hoàng Phương |

Kết quả cuộc bầu cử sẽ phụ thuộc nhiều vào những lá phiếu của số cử tri ủng hộ 10 ứng viên bị loại tại vòng 1.

Tổng thống Emmanuel Macron, một người theo đường lối trung dung và lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen sẽ đối đầu nhau tại vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra ngày 24-4.

Nếu chiến thắng, ông Macron, ứng viên Đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM), sẽ là tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử trong 20 năm qua để tiếp tục nắm quyền thêm 5 năm nữa. Ngược lại, bà Le Pen, ứng viên Đảng Tập hợp dân tộc, sẽ trở thành nữ tổng thống Pháp đầu tiên.

Mọi cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy ông Emmanuel Macron đang dẫn trước với tỉ lệ ủng hộ cao hơn đối thủ từ 6-15 điểm %. Trong khi đó, bà Le Pen được đánh giá là không còn thời gian thu hẹp khoảng cách với ông Macron trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, nhất là khi bà bỏ qua cơ hội làm điều này trong cuộc tranh luận trực tiếp với đối thủ hôm 20-4.

Tại vòng đầu tiên của cuộc bầu cử hôm 10-4, 10 ứng viên đã bị loại và kết quả của vòng 2 sẽ phụ thuộc nhiều vào lá phiếu của những người ủng hộ họ. Đây là lựa chọn không dễ, nhất là đối với các cử tri cánh tả không thích ông Emmanuel Macron nhưng cũng không muốn bà Le Pen thắng cử.

Điều đó buộc nhà lãnh đạo Pháp gần đây có những động thái, phát biểu nhằm thu hút số cử tri này. Dù vậy, nỗ lực này đã gặp trở ngại khi lãnh đạo cực tả Jean-Luc Melenchon từ chối lên tiếng kêu gọi hàng triệu cử tri ủng hộ mình bầu chọn ông Macron. Điều an ủi là ông Melenchon cũng kêu gọi họ không bỏ phiếu cho bà Le Pen.

 VÒNG 2 BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP: Ông Emmanuel Macron chiếm ưu thế  - Ảnh 1.

Hai ứng viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen trước khi tham gia cuộc tranh luận hôm 20-4 Ảnh: REUTERS

Thực tế là ngay cả khi không được ông Melenchon hậu thuẫn, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn có sự ủng hộ của nhiều chính trị gia cánh hữu và tả theo sau vòng 1 cuộc bầu cử. Trong khi đó, theo trang Bloomberg, bà Le Pen lại bộc lộ điểm yếu về kinh tế khi cuộc bỏ phiếu đến gần.

Giữa 2 ứng viên này cũng có nhiều quan điểm khác biệt. Ông Macron muốn tiếp tục củng cố Liên minh châu Âu (EU) bằng cách tăng cường sự nhất trí về một loạt vấn đề, từ sức khỏe cho đến quốc phòng. Ngoài ra, nhà lãnh đạo này còn cam kết thay đổi nền kinh tế đất nước theo hướng trở nên độc lập hơn trong lúc bảo vệ các phúc lợi xã hội.

Trong khi đó, bà Le Pen muốn cải tổ EU thành một liên minh các quốc gia, đồng thời cam kết giúp hàng triệu công dân Pháp cải thiện thu nhập sau khi cho rằng những người này đã "nghèo đi trong 5 năm cầm quyền" của ông Macron.

Theo Reuters, bà Le Pen còn theo đuổi các chính sách như cấm phụ nữ Hồi giáo đội khăn trùm đầu ở nơi công cộng, ưu tiên công ăn việc làm và phúc lợi cho công dân Pháp và hạn chế các quy định của châu Âu về vấn đề đi lại xuyên biên giới.

Các lãnh đạo châu Âu đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử tổng thống Pháp, với nỗi lo về kịch bản bà Le Pen chiến thắng. Trong bài viết chung đăng trên một số tờ báo hôm 21-4, thủ tướng các nước Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã kêu gọi cử tri Pháp không bỏ phiếu cho bà Le Pen.

Ngay cả giới chức Mỹ cũng quan tâm nhiều đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp bởi nỗi lo một kết quả không như ý có thể tác động đến mối quan hệ giữa Tổng thống Joe Biden và châu Âu.

Theo tờ The New York Times, ông Emmanuel Macron hiện là đối tác quan trọng của Mỹ khi ông chủ Nhà Trắng nỗ lực xây dựng lại quan hệ với châu Âu, cũng như hình thành liên minh đối phó với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại