Bầu cử tổng thống Pháp đang bước vào hồi gay cấn: Kết quả chỉ có thể biết vào phút chót

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Nước Pháp đang chứng kiến cuộc chạy đua gay cấn giữa đương kim Tổng thống Emmanuel Macron và đại diện cánh hữu Marie Le Pen.

Tổng thống Emmanuel Macron và đại diện cánh hữu Marie Le Pen.

Tổng thống Emmanuel Macron và đại diện cánh hữu Marie Le Pen.

Ngày 10/4/2022, hơn 48,8 triệu cử tri Pháp (73,7%) đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống. Đây là cuộc bầu cử Tổng thống thứ mười hai của nền Cộng hòa Pháp thứ năm. Tham gia chạy đua vào Điện Élysée lần này có 12 ứng cử viên, tám nam và bốn nữ. Theo kết quả của Bộ Nội vụ Pháp công bố, không có ai trong số 12 ứng cử viên đạt được trên 50% số phiếu tại vòng một.

Đương kim tổng thống Emmanuel Macron của Phong trào Cộng hòa – Tiến lên (La République en Marche) đạt được 27,8% số phiếu. Bà Marie Le Pen thuộc đảng Tập hợp Quốc gia (Rassemblement national) cánh hữu về thứ hai với 23,1%. Jean-luc Melenchon của đảng cực tả nước Pháp bất khuất (La France Insoumise) về thứ ba với 22%. Eric Zemmour, một nhà báo cực hữu chiếm được 7,2%. Valerie Pecresse, Cộng hoà "Les Républicains" nhận được 4,8%.

Bầu cử tổng thống Pháp đang bước vào hồi gay cấn: Kết quả chỉ có thể biết vào phút chót - Ảnh 1.

Công dân Pháp xếp hàng chờ bỏ phiếu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp tại Palais des Congres ở Montreal, Quebec, Canada, ngày 9 tháng 4 năm 2022

Tổng thống Pháp được bầu chọn như thế nào?

Tổng thống Pháp được bầu trực tiếp từ người dân. Hiến pháp quy định nhiệm kỳ của Tổng thống là 5 năm. Tất cả công dân Pháp đủ 18 tuổi vào ngày bầu cử và đã đăng ký trong danh sách bầu cử có quyền bỏ phiếu. Các ứng cử viên thu thập được 500 chữ ký ủng hộ của các đại biểu dân cử đều được quyền tranh cử. Các chữ ký được đệ trình lên Hội đồng Hiến pháp là cơ quan duy nhất để quyết định danh sách những người tham gia.

Các cử tri Pháp đi bỏ phiếu vào tháng 4 để bầu Tổng thống mới. Theo luật định, ứng cử viên nào giành được trên 50% số phiếu sẽ là người đắc cử. Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số tuyệt đối ở cuộc bỏ phiếu vòng đầu, vòng hai sẽ được tổ chức sau đó hai tuần giữa hai ứng cử viên nhận được nhiều phiếu nhất. Trong vòng hai, ứng viên nào giành được nhiều phiếu hơn sẽ trở thành Tổng thống. Trong tất cả các cuộc bầu cử Tổng thống kể từ năm 1965, Tổng thống thường được bầu ở vòng hai.

Bầu cử tổng thống Pháp đang bước vào hồi gay cấn: Kết quả chỉ có thể biết vào phút chót - Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc tranh cử năm 2017. Ảnh: Reuters

Theo Hiến pháp của Pháp, vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống phải được tổ chức từ 20 đến 35 ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm. Tổng thống E. Macron nhậm chức ngày 14/5/2017, việc chuyển giao quyền lực ​​sẽ diễn ra ngày 13/5/2022.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022 của Pháp, vòng một được tổ chức vào ngày 10/4 và vòng hai sẽ được tổ chức giữa ông Macron và bà Le Pen vào ngày 24/4. Tổng thống đắc cử sẽ nhậm chức ngày 13/5/2022.

Macron và Le Pen đã tranh giành chức tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2017. Trong cuộc đua này Le Pen đã thất bại với số phiếu cách biệt quá lớn (34% số phiếu so với 66% của Macron). Đương kim Tổng thống Macron đặt mục tiêu giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử vòng hai được tổ chức vào ngày 24/4/2022.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã thay đổi lớn, kết quả bầu cử vòng một cho thấy tỷ lệ phiếu ủng hộ của hai đối thủ rất sít sao. Tại vòng chung kết, cuộc cạnh tranh sẽ gay gắt hơn rất nhiều và rất khó có thể dự đoán được ai sẽ giành được chiếc ghế vào Điện Elysee.

Bầu cử tổng thống Pháp đang bước vào hồi gay cấn: Kết quả chỉ có thể biết vào phút chót - Ảnh 4.

Ông Macron và bà Le Pen trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2017. Ảnh: AFP

Cơ hội thắng cử của Le Pen

Nhiều nhà phân tích am hiểu tình hình chính trị nước Pháp cho rằng bà Le Pen vẫn có cơ hội giành thắng lợi ở vòng hai.

Lần đầu tiên, bà có thêm phiếu bầu của đại cử tri thuộc Eric Zemmour (7% số phiếu bầu) và Nicolas Dupont-Aignan (2%). những người này đã kêu gọi cử tri của mình bỏ phiếu cho Le Pen. Tổng cộng, bà có thể giành được hơn 30% phiếu bầu, tương đương với kết quả thu được ở vòng hai năm 2017. Mặt khác, kể từ khi Mặt trận Quốc gia bắt đầu đầu tham gia chính trường cách đây 20 năm, số lượng cử tri bỏ phiếu cho đảng này đã tăng gấp đôi.

Bầu cử tổng thống Pháp đang bước vào hồi gay cấn: Kết quả chỉ có thể biết vào phút chót - Ảnh 5.

Ứng viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen

Trong chiến dịch tranh cử, Le Pen đã hứa giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như giá cả tăng, cải cách lương hưu, giảm thuế VAT... Đây là những vấn đề cử tri Pháp hết sức quan tâm khi tình hình kinh tế sa sút, lạm phát tăng cao. Bà hứa sẽ tăng lương hưu và trợ cấp xã hội, giảm giá khí đốt, điện và các mặt hàng thiết yếu khác.

Về đối ngoại, bà Le Pen tuyên bố sẽ đưa Pháp rút khỏi NATO hoặc ít nhất là hạn chế sự tham gia của Paris vào liên minh, tăng cường hợp tác với Nga. Tuy nhiên, bà cũng không thể hiện mình quá gần gũi với Tổng thống Nga V. Putin, mặc dù bà đã gặp ông năm 2017 và tỏ ra ngưỡng mộ ông. Liên quan đến Liên minh châu Âu, bà hứa sẽ cải tổ và thay thế nó bằng một "Liên minh các quốc gia có chủ quyền".

Với quan điểm này, bà Le Pen rất có thể tranh thủ thêm phiếu trong số các cử tri cánh tả của Jean-Luc Mélenchon, nhân vật xếp thứ ba với 21% số phiếu trong bầu cử vòng một.

Eric Zemmour, trong quá khứ nhiều lần bị tố cáo về tội kích động hận thù chủng tộc. Macron không thể trông chờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của ông trong vòng hai. Bản thân Melenchon cũng không kêu gọi bỏ phiếu cho Macron. Trên thực tế, ông Macron chỉ có thể trông cậy vào "những người Cộng hòa", tức là những cử tri của các đảng dân chủ đang tìm cách ngăn chặn phái cực hữu.

Phát biểu trước những người ủng hộ mình, bà Le Pen đã kêu gọi tất cả những người không bỏ phiếu cho Macron trong vòng một hãy bỏ phiếu cho bà. Le Pen nói: "Tôi dự định, ngay lập tức sẽ hàn gắn lại những mảnh vỡ của nước Pháp đang bị xé nát và giải quyết những vấn đề mà các nhà chức trách cho đến nay vẫn chưa làm được gì."

Tôi dự định, ngay lập tức sẽ hàn gắn lại những mảnh vỡ của nước Pháp đang bị xé nát và giải quyết những vấn đề mà các nhà chức trách cho đến nay vẫn chưa làm được gì.

Ứng viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen

Những khó khăn, thách thức của Macron

Tổng thống Macron đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong nước cũng như ngoài nước. Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang phủ bóng đen lên toàn bộ châu Âu, bất bình của dân chúng về đời sống khó khăn, ngày 3/3/2022 ông mới chính thức tuyên bố ra ứng cử nhiệm kỳ hai, tức là chưa đầy 40 ngày trước khi diễn ra bầu cử vòng một. Ông cũng từ chối tham gia các cuộc tranh luận trực tiếp với các ứng viên khác, với lý do dại dịch Covid-19 và lịch trình dày đặc.

Bầu cử tổng thống Pháp đang bước vào hồi gay cấn: Kết quả chỉ có thể biết vào phút chót - Ảnh 7.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Ngoài cuộc xung đột Ukraine, các vấn đề lớn khác chị phối chiến dịch tranh cử lần này là kinh tế, hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, nhập cư, an ninh, chi phí sinh hoạt cao, đặc biệt là giá năng lượng và hàng hóa tăng chóng mặt.

Về nhập cư, theo thống kê chính thức năm 2020 có khoảng 6,8 triệu người nhập cư sống ở Pháp. Khoảng 1/3 số người này là đến từ cả các nước Đông Âu thuộc EU, số còn lại từ các nước Trung Đông và châu Phi. Trong những năm gần đây, Pháp đã phải hứng chịu một loạt các cuộc tấn công khủng bố, chủ yếu do những người nhập cư gây ra. Đây là mối lo ngại lớn của nhiều cử tri Pháp về an ninh.

Bầu cử tổng thống Pháp đang bước vào hồi gay cấn: Kết quả chỉ có thể biết vào phút chót - Ảnh 8.

Trên cương vị Tổng thống, E. Macron đã tiến hành một loạt cải cách, trong đó có việc việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty được sa thải công nhân, giảm thuế và đưa ra luật an ninh cứng rắn trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, ông đã phải rút lại mức thuế nhiên liệu được đề xuất vào năm 2018 sau nhiều tuần biểu tình bạo động "áo vàng".

Tổng thống Macron đang phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh từ phe cực hữu do Le Pen đứng đầu, người đã chuẩn bị cho mình mọi điều kiện và hạ quyết tâm giành chiếc ghế Tổng thống nhiệm kỳ 2022-2027.

Về chương trình tranh cử, Macron tập trung phần lớn vào chính sách đối ngoại, trong đó có cố gắng đưa Paris trở thành người đóng vai trò trung gian hòa giải trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại Kiev.

Về đối nội, ông Macron đặt trọng tâm vào chính sách quốc phòng và tiếp tục các cải cách đầy tham vọng. Ông ủng hộ việc tăng ngân sách quốc phòng của Pháp từ 40,9 tỷ euro lên 50 tỷ euro và tăng cường sự phối hợp hành động giữa quân đội các nước EU.

Ông hứa giảm thuế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, giảm tỷ lệ thất nghiệp và hoàn thành cải cách lương hưu bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 65 tuổi, bất chấp sự phản đối gay gắt từ những người làm ngân sách của chính phủ.

Chương trình trái ngược

Chương trình của bà Le Pen hoàn toàn trái ngược với các chính sách của Macron. Le Pen tập trung vào việc giải quyết các vấn đề nội bộ. Bà chủ trương bãi bỏ thuế thu nhập cho người dưới 30 tuổi và miễn thuế cho tất cả các công ty nếu họ tăng lương tối thiểu cho nhân viên thêm 10%. Le Pen cũng phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu và đề xuất giải quyết các vấn đề người di cư bằng cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc hạn chế nhập cư và ủng hộ lệnh cấm đội khăn trùm đầu ở nơi công cộng.

Từ nay đến vòng hai của cuộc bầu cử chỉ còn mười ngày, Trước 24/4 sẽ có các cuộc tranh luận lớn, các cuộc tiếp xúc cử tri và nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau. Rất có thể, lính đánh thuê người Pháp nếu bị quân Nga bắt ở Mariupol và đưa ra công chúng chắc chắn sẽ là một đòn mạnh giáng vào uy tín của Macron.

Chính trường Pháp đang có sự thay đổi, các đảng truyền thống ủng hộ Tổng thống đã mất uy tín như Đảng Xã hội của Annae Hidalgo chỉ giành được chưa đến 2% số phiếu, đảng Cộng hòa cánh hữu của Valerie Pecresse dưới 5% và đảng Cộng sản của Fabien Roussel chỉ giành được 2,6%.

Cuộc chạy đua giữa ông Macron 44 tuổi là bà Le Pen, 53 tuổi đang bước vào phút chót. 5 năm trước, Macron đã dễ dàng đánh bại Le Pen, nhưng nay tình hình đã thay đổi và ông đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới to lớn hơn nhiều. Không phải mọi thứ đều màu hồng đối với cả Macron và Le Pen trong vòng chung kết. Các cuộc thăm dò dư luận và kết quả bầu cử vòng một cho thấy cách biệt giữa hai ứng viên không đáng kể. Có lẽ tỷ số trận đấu sẽ được quyết định ở phút 89.

Cuộc chạy đua giành chiếc ghế Tổng thống sẽ quyết định tương lai chính trị của nước Pháp. Dù Macron hay Le Pen thắng cử thì nước Pháp vẫn phải thay đổi, không thể đi theo con đường cũ.

(*) Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại