Cứ 5 năm một lần, người nông dân nuôi ngỗng Frederic Coudray-Ozbolt đều chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đón cánh nhà báo đễn gõ cửa nhà vào thời điểm bầu cử tổng thống Pháp.
Cách thủ đô Paris (Pháp) khoảng 2 tiếng rưỡi lái xe, ngôi làng Donzy được biết đến là nơi luôn phản ánh chính xác kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pháp từ năm 1981 tới hiện tại. Chia sẻ về việc cứ 5 năm một lần lại có phóng viên tới gõ cửa nhà, ông Condray-Ozbolt cho biết: "Điều này khiến chúng tôi cảm thấy mình thật sự là một phần của nước Pháp".
Khả năng dự đoán người chiến thắng của ngôi làng Donzy từng không chính xác trong vòng bỏ phiếu đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 nhưng sau đó, tới vòng bỏ phiếu thứ 2, Donzy đã khôi phục "năng lực" này. Khi ấy, Donzy, giống như phần còn lại của nước Pháp, đã bỏ phiếu bầu ông Emmnuel Macron, khi ấy mới 39 tuổi, làm tổng thống.
Chiến thắng của ông Macron năm 2017 mang tính lịch sử vì ông được coi là người phá vỡ sự cầm quyền lâu đời của các đảng truyền thống Pháp.
Áp phích bầu cử bên ngoài một điểm bỏ phiếu ở Donzy. Ảnh: AFP
Nhưng 5 năm trôi qua, người nông dân làng Donzy cho biết ông đã lưỡng lự trong việc bỏ phiếu bầu Tổng thống Macron thêm một lần nữa.
Người đàn ông 54 tuổi chia sẻ: "Có quá nhiều chiêu trò quảng bá. Mỗi ngày, họ đều thông báo một thứ gì đó mới. Nhưng bao nhiêu trong số những lời hứa này sẽ thành hiện thực?"
Trong thời điểm các cuộc thăm dò cho thấy khoảng cách sít sao giữa Tổng thống Macron và đối thủ phe cực hữu Marine Le Pen trước thềm cuộc bỏ phiếu cuối cùng, sự lưỡng lự của những cử tri như ông Coudray-Ozbolt có thể sẽ mang yếu tố quyết định kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử năm nay.
Sau một chiến dịch hết sức bất thường bị lu mờ bởi các sự kiện thế giới bên ngoài, những gì khiến người dân ở Donzy - cũng như những nơi khác ở Pháp - quan tâm nhất là "khủng hoảng".
Jacques Martin, một cảnh sát đã nghỉ hưu, chủ tịch câu lạc bộ bóng bầu dục, thở dài: "Đã có COVID-19, bây giờ lại là cuộc chiến ở Ukraine".
Trong khi đó, Thị trưởng địa phương Marie-France Lurier cho biết "mọi người đều đang lo lắng và họ cảm thấy khó khăn khi nghĩ về tương lai".
Ba lần giãn cách xã hội kể từ năm 2020 đã khiến cuộc sống của người dân địa phương nhiều lần rơi vào bế tắc. Hiện nay, lạm phát tăng cao liên quan đến đại dịch COVID-19 và xung đột Ukraine đang bào mòn vào túi tiền của các hộ gia đình.
Bà Lurier, một cử tri độc lập thiên tả, nhận xét: "Mối quan tâm cơ bản, lớn nhất là chi tiêu, nhu cầu tăng lương và lo lắng về việc giá nhiên liệu và năng lượng leo thang".
Ở Donzy, chủ đề được mọi người đề cập đến nhiều nhất là những đợt tăng giá đột ngột khiến tỷ lệ lạm phát chính thức là 4,5%.
Một nhà quy hoạch địa phương tâm sự ông vừa được thông báo về việc giá thạch cao tăng 12%. Trong khi đó, nhà sản xuất rượu cũng phải đối mặt với mức tăng 53% trong giá chai thủy tinh.
Giá dầu diesel tại siêu thị địa phương dao động gần 2,0 euro (2,18 USD) một lít, tăng khoảng 20% kể từ đầu năm 2022.
Cô Sarah Leasage, 37 tuổi, một y tá và bà mẹ 4 con, tâm sự: "Chúng tôi đã ít ra ngoài hơn và không biết phải làm gì trong mỗi kỳ nghỉ".
Các cuộc trò chuyện với các cử tri ở Donzy cho thấy rằng vòng bầu cử thứ nhất và thứ hai sẽ được quyết định bởi ứng viên đáng tin cậy nhất có thể tìm ra giải pháp cho tình hình hiện nay.
Mặc dù có sự lưỡng lự đối với những cử tri ở Donzy về việc tiếp tục bầu ông Macron làm tổng thống nhưng ông vẫn nhận được sự ngưỡng mộ và kính trọng với tư cách người đứng đầu giải quyết khủng hoảng của đất nước.
Ông Jacqueline Vincent, 69 tuổi, nhận xét: "Với mọi thứ đang diễn ra, ít nhất chúng ta có một tổng thống vững vàng. Nếu không có ông ấy mọi thứ có lẽ còn tệ hơn".
Nhiều người biết ơn kế hoạch giải cứu trị giá 100 tỷ euro (110 tỷ USD) được công bố vào tháng 9 /2020, vốn khiến nợ quốc gia tăng vọt, nhưng lại giúp những nơi như Donzy giảm bớt gánh nặng.
Bốn quán bar địa phương, nơi mọi người tụ tập uống một ly rượu vang vào cuối ngày, có thể tránh được nguy cơ đóng cửa nhờ viện trợ của chính phủ trong các đợt giãn cách xã hội.
Bà Martine, một người phục vụ 67 tuổi, chia sẻ: "Tôi muốn cảm ơn ông Macron vì tất cả những gì tôi nhận được. Tôi đã nhận được 7 tháng lương do nhà nước trả".
Bên cạnh những chính sách và quyết định đúng đắn, ông Macron lại mang tiếng là một người cao ngạo và khiến các cử tri ở các thị trấn và làng mạc nhỏ phẫn nộ. Năm 2018, một phong trào biểu tình phản đối ông đã diễn ra, được gọi là những người biểu tình "Áo vàng". Theo AFP, phong trào này được "châm ngòi" bởi các chính sách ủng hộ doanh nghiệp và cắt giảm thuế với người giàu có của ông.
Gần đây, ông Macron cũng đang bị phân tâm bởi những vấn đề thế giới, bao gồm việc thực hiện các nỗ lực ngoại giao để giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine. Điều này khiến ông tuyên bố tranh cử khá muộn.
Trong khi đó, đối thủ của ông, bà Marine Le Pen đã dành hàng tháng trời vận động tranh cử tại các chợ tỉnh và hội chợ nông sản, tập trung vào vấn đề mà mọi người đang quan tâm hiện nay: Lạm phát và thu nhập. Theo đó, bà đã cam kết về việc cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu xã hội.
Điều này cũng khiến bà gia tăng lợi thế và tỷ lệ ủng hộ.
Với việc tỷ lệ ủng hộ Le Pen tăng lên và bám đuổi "sát nút" trong các cuộc thăm dò, ông Macron đã cố gắng để cảnh báo cử tri về những gì có thể xảy ra nếu những cử tri ủng hộ ông không tham gia bầu cử. Ông nói: "Hãy nhìn vào những gì đã xảy ra với Brexit, và nhiều cuộc bầu cử khác: Những thứ tưởng như không thể đều đã xảy ra. Không có gì là không thể".