Bầu cử Tổng thống Pháp: Nước Pháp sẽ thay đổi nếu bà Le Pen chiến thắng

Mạnh Hà |

Nước Pháp sẽ thay đổi nếu lực lượng cực hữu nắm quyền. Đây là cảnh báo của nhiều chính trị gia tại Pháp. Trước viễn cảnh trên, Tổng thống Macron ngày 14/4 tiếp tục vận động tranh cử tại Le Havre còn bà Le Pen cũng tổ chức buổi vận động để công kích các chính sách của ông Macron.

Bà Le Pen đi tranh cử. Ảnh: AFP/Getty.

Bà Le Pen đi tranh cử. Ảnh: AFP/Getty.

Tại thành phố cảng Le Havre, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết bên cạnh việc xây mới các nhà máy điện hạt nhân, sẽ đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, với mục tiêu tăng gấp 10 lần công suất điện mặt trời và lắp đặt mới 50 tổ hợp điện gió trên biển.

Người đứng đầu nước Pháp chì trích chính sách nói “không” với năng lượng tái tạo của đối thủ Marine Le Pen và cho rằng điều này có thể dẫn đến việc đóng cửa tổ hợp điện gió lớn nhất nước Pháp Siemens Gamesa được đặt ở ngoài khơi biển Le Havre. Đáng chú ý, thành phố Le Havre cũng nơi cử tri dành nhiều phiếu bầu nhất cho ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon và ứng cử viên đảng Sinh thái Yannick Jadot.

Quan điểm của ông Emmanuel Macron đã nhận được sự chia sẻ của ông Edouard Philippe, Thị trưởng thành phố Le Havre, đồng thời cũng nguyên là Thủ tướng trong chính phủ của ông Macron giai đoạn 2017 – 2020.

Trên kênh truyền hình TF1, cựu Tổng thống Pháp cánh tả Francois Hollande cảnh báo nước Pháp có thể sẽ trải phải qua những thay đổi lớn nếu ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen chiến thắng. Theo cựu Tổng thống Pháp, kế hoạch tranh cử của bà Le Pen đặc ra nhiều “vấn đề” lớn bao gồm việc sửa đổi 1/4 nội dung của Hiến pháp Pháp hiện nay, tiếp đến là tư cách thành viên EU của Pháp hay việc Pháp có thể rời NATO để thúc đẩy quan hệ với Nga.

Ông Francois Hollande công khai kêu gọi cử tri bầu cho ông Emmanuel Macron để tránh những hệ luỵ đối với nước Pháp: “Điều quan trọng và cốt yếu nhất trong một cuộc bầu cử vẫn là nước Pháp, là sự đoàn kết, là tương lai châu Âu, là sự độc lập của nước Pháp. Vì những lý do này, tôi kêu gọi người Pháp hiểu được tình hình để đi bầu cho ông Emmanuel Macron".

Trong khi đó, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đã có buổi mít tinh vận động tranh cử lớn đầu tiên tại thành phố Avignon ở miền Nam nước Pháp. Đây cũng là nơi ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon dẫn đầu tại vòng 1. Theo bà Le Pen, nhiệm kỳ của ông Macron đã để lại một nước Pháp bị chia rẽ, người dân không được coi trọng và bị bỏ rơi. Ứng cử viên cực hữu này cũng công kích kế hoạch tranh cử của Tổng thống sắp mãn nhiệm Emmanuel Macron.

“Ngày 24/4 tới, nếu người Pháp ngăn chặn ông Emmanuel Macron tái cử, thì cũng có nghĩa là ngăn chặn sự đổ của sức mua, ngăn chặn đà tăng thuế, ngăn chặn kế hoạch nâng độ tuổi về hưu lên 64 hay 65, ngăn chặn sự dễ dãi của tư pháp và ngăn chặn vấn đề nhập cư đang đe doạ sự cân bằng của hệ thống xã hội”.

Trong một diễn biến liên quan, khoảng 400 sinh viên trường thuộc đại học nổi tiếng Sorbonne của Pháp đã tiến hành biểu tình, đóng cửa và chiếm đóng trường học để phản đối cương lĩnh tranh cử của cả hai ứng cử viên Tổng thống. Theo cuộc thăm dò của Viện Ipsos-Sopra Steria, 42% thanh niên Pháp trong độ tuổi từ 18 – 24 đã không đi bầu cử tại vòng 1 ngày 10/4./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại