2.000 năm trước, có một người đàn ông nọ liên tục trượt kỳ thi trạng nguyên. Chán mộng làm quan để hưởng vinh hoa phú quý, anh ta quyết định theo học Đạo thuật. Anh ta đi lên núi để tìm Đạo sĩ bái làm sư phụ.
Sau khi xem xét kỹ người đàn ông này, vị Đạo sĩ này nhanh chóng thu nạp anh ta làm đồ đệ. Mỗi ngày, anh ta đều chăm chỉ học thiền và các kiến thức mới do sư phụ chỉ giáo.
Sau vài năm, vị Đạo sĩ nói với người đàn ông: “Ta muốn xây một tòa lâu đài tráng lệ. Tuy nhiên, ta không có đủ tiền. Ban ngày, con hãy vào trong thành bán phấn má. Sau đó lại quay về đây tập thiền hàng đêm”.
Người đàn ông hỏi: “Sư phụ, con không có tiền trong tay. Con lấy vốn đâu mà bán phấn?
Vị đạo sĩ chỉ tay vào một chồng đá kế bên, tức thì chúng biến thành những hộp phấn má. Người đàn ông nghĩ: “Sư phụ có thể biến đá thành vàng. Tại sao còn bắt ta về thành bán phấn kiếm tiền làm chi?”.
Tuy nhiên, người đàn ông vẫn nghe theo lời sư phụ căn dặn. Dù còn chút lưỡng lự, ông vẫn xuống núi và đi đến chợ.
Ảnh minh họa.
Vượt qua nỗi sợ hãi
Người đàn ông này khá nhút nhát nên không dám lớn tiếng trên đường. Anh ta dựng một cái quầy ở chỗ có ít người qua lại và rao một cách lặng lẽ, đầu cúi gằm. Vì thế, chẳng một ai nghe thấy gì.
Lúc này, sư phụ của người đàn ông đang đứng quan sát từ xa. Ông quyết định sẽ ra tay giúp đồ đệ của mình vượt qua nỗi sợ đám đông.
Vị Đạo sĩ hóa thân thành một tay đồ tể hống hách. Với con dao trong tay, tên đồ tể tiến tới chỗ người đàn ông kia và hỏi anh ta đang làm gì. Không dám ngẩng đầu lên, người đàn ông đáp: “Tôi đang bán phấn”.
“Ngươi nói cái gì cơ? Ta chẳng nghe được gì cả!”, tên đồ tể hét lên, kề dao vào cổ người đàn ông nọ. Cố bình tĩnh lại, người đàn ông nhìn con dao rồi đáp một cách run rẩy: “Tôi đang bán phấn”.
“Bán thì phải rao to lên. Đường phố đông đúc thế này còn ngươi thì cứ nói lí nha lí nhí. Ai mà nghe thấy được?”, tên đồ tể mắng.
Nhờ thế, người đàn ông không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Anh ta đã biết rao to hơn để thu hút khách hàng.
Tối đó, người đàn ông phải mất một lúc để bình tĩnh và tìm thấy bình yên trong quá trình thiền định. Anh ta nhận ra rằng, là một người tu hành, anh ta cần chuyên tâm tu thân dưỡng tính hơn. Chỉ khi ấy, anh ta mới không bị xã hội làm biến chất. Anh ta cũng chẳng có gì phải sợ hãi cả.
Giữ lòng vững vàng
Một tháng trôi qua nhưng người đàn ông nọ vẫn chưa bán được một hộp phấn nào. Anh ta tự hỏi tại sao bán hàng còn khó hơn cả tu hành. Tuy nhiên, đây là công việc sư phụ giao phó, anh ta quyết tâm phải làm bằng được. Người này nhận ra anh ta cần phải chuyên tâm bán hàng như khi tu hành vậy.
Để bán được phấn má, anh ta phải tìm được đúng đối tượng khách hàng: phụ nữ. Tuy nhiên, anh ta lo lắng: Cứ tiếp xúc với phụ nữ thế này, làm sao mà anh ta tu hành được? Vài người phụ nữ dặm thử phấn má và hỏi anh ta có thấy mình có đẹp không.
Cuối cùng, anh cũng giác ngộ: “Con người cũng chỉ là con người, dù là phụ nữ hay đàn ông. Là người tu hành, không phải kẻ bình thường, cớ sao mình lại để những thứ trần tục này ảnh hưởng tới mình”.
Nghĩ vậy, người đàn ông liền bình tĩnh lại. Kể từ đó, dù tiếp xúc với đủ loại người, lòng anh ta vẫn vững như đá.
Sau đó, một vài vị tiên hạ phàm để thử thách anh. Họ biến thành những phụ nữ xinh đẹp và tỏ ý mời gọi anh. Tuy nhiên, người đàn ông này vẫn rất tập trung và không để bất cứ thứ gì xoay chuyển mình, cho tới khi các vị tiên đành bỏ đi.
“Con đã giúp ta xây cung điện”
Một vị tiên quay lại, giả trang thành một bà cụ già. Bà ta mua phấn và dặm lên má, rồi bỗng dưng biến thành một cô gái trẻ đẹp. Chứng kiến cảnh tượng trên, người dân trên phố ồ ạt đi mua phấn má của người đàn ông.
Khi ấy, Hoàng Thái hậu đang đi thắp hương tại một ngôi đền gần đó. Biết được loại phấn má đó có thể biến già thành trẻ, bà ra lệnh mua tất cả với giá 10 lượng vàng.
Người đàn ông vui mừng vì giờ đây ước nguyện của sư phụ sắp thành hiện thực. Anh ta cầm vàng vui vẻ về núi.
Trên đường, người đàn ông gặp một toán lính đang hà hiếp thiếu nữ nhà lành. Anh ta thấy việc cứu người là quan trọng nhất nên liền hét lên: “Tôi có 10 lượng vàng. Tôi sẽ đưa cho các ngài nên các ngài tha cho các thiếu nữ ấy”.
Lóa mắt vì đống vàng, toán lính nhanh chóng thả người. Trong tay chẳng còn gì, người đàn ông lủi thủi về núi, không biết làm sao đối mặt với sư phụ.
Sau khi nghe xong câu chuyện của đồ đệ, vị Đạo sĩ chỉ tay lên trời. Người đàn ông ngạc nhiên khi nhìn thấy một cung điện nguy nga trên ấy.
“Con đã giúp ta xây cung điện rồi”, vị Đạo sĩ nói. “Con đã giữ tâm không bị lay động khi bán hàng, như thế là đủ để xây cung điện rồi”.
Đột nhiên, người đàn ông hiểu ra: “Kinh doanh cũng là một cách tu thân dưỡng tính”.
Lúc này, anh ta mới nhận ra, sư phụ của mình đã quan sát toàn bộ mọi chuyện từ đầu, hóa thân thành nhiều người khác nhau để thử thách và giúp anh trưởng thành!
Lời bình: Trời sắp cho ai cái gì, trước tiên phải khiến họ khổ tâm trí, nhọc gân cốt, vạn sự trắc trở. Người thường coi đó là đày đọa, kẻ trí giả lại coi đây là cơ hội để rèn luyện. Có khổ tâm, có bế tắc thì sau mới làm nên chuyện lớn được. Kể cả khi phải dấn thân vào lĩnh vực mình chưa biết, biết vượt qua nỗi sợ, giữ cho mình trái tim thiện lương thì chẳng chuyện gì là không thể làm. Kinh doanh cũng chính là một loại bài học để tu thân dưỡng tính.