Diệp Vĩnh Thanh nổi tiếng khắp giới nghệ thuật trong nước và trên thế giới nhờ họa phẩm “Điểu”. Tác phẩm của ông mấy năm nay được đẩy lên với giá cao chót vót.
Theo số liệu của Trung tâm giám sát thị trường nghệ thuật Nhã Xương, mấy năm gần đây Diệp Vĩnh Thanh đã bán được 387 tác phẩm, thu về 163 triệu Nhân dân tệ (570,5 tỷ VND), bình quân giá mỗi bức là 421 ngàn NDT (1,47 tỷ VND).
Thế nhưng, thật bất ngờ, mới đây họa sĩ người Bỉ Christian Silvain đã lên tiếng tố cáo: suốt 30 năm qua, Diệp Vĩnh Thanh liên tục sao chép lại các tác phẩm của ông (Christian Silvain) rồi bán với giá cao gấp hàng trăm lần để kiếm lợi.
Làng nghệ thuật Trung Quốc đã “ngã ngửa” trước thông tin này được đăng tải trên báo chí.
Họa sĩ Chiristian Silvain.
Theo truyền thông Bỉ, những tác phẩm bị nghi là bị đạo nhái được ông Christian Silvain sáng tác trong thời gian 1985, 1986; còn Diệp Vĩnh Thanh thì bắt đầu “sáng tác” từ 1993 – 1995.
Trong đó, tác phẩm “Birthday Memories” của Diệp Vĩnh Thanh vẽ năm 1994 được coi là giống hệt họa phẩm “Prinaud Andre” của Christian Silvain sáng tác năm 1990.
Christian Silvain chỉ trích Diệp Vĩnh Thanh đạo nhái tác phẩm của ông để kiếm tiền. Ông nói, một tác phẩm gốc của ông chỉ bán được 6 ngàn euro, còn bức vẽ nhái của Diệp Vĩnh Thanh thì bán được tới 600 ngàn euro.
Tờ Tân Kinh Báo cho biết, khi bị báo chí truy hỏi về vấn đề này, ông Diệp Vĩnh Thanh trả lời ông không phủ nhận việc có liên quan đến họa sĩ người Bỉ Christian Silvain: “Đó là một nhà nghệ thuật mà tôi chịu ảnh hưởng rất sâu sắc; chúng tôi đang tìm cách liên hệ với ông ấy” (!?).
Lý Á Lợi, người chủ trì “Long Môn nhã tập” – một người có mối thâm giao với Diệp Vĩnh Thanh, nói: “Diệp Vĩnh Thanh đã nói với tôi, ông ấy trong lần du lịch tới châu Âu hồi thập niên 1990 đã được gợi mở, chịu ảnh hưởng rất mạnh và bắt đầu sáng tác theo cách tương tự, nhưng tác phẩm của ông ấy luôn tồn tại và chấp nhận ảnh hưởng”.
Vụ việc bắt đầu được biết đến khi tờ HNL của Bỉ hôm 19/2 đăng bài: “Người Trung Quốc làm giàu nhờ phục chế tác phẩm của Christian Silvain : “ông ta thậm chí dám trưng bày tác phẩm của tôi tại Brussel” ”.
Theo những hình ảnh đăng trên trang web này thì tranh của Diệp Vĩnh Thanh nhìn khá giống tác phẩm của Chiristian Silvain cả về phong cách, kết cấu, thủ pháp tô màu, chữ Thập đỏ, lồng chim...
Ông chủ phòng tranh của Christian Silvain còn đưa ra chứng cứ chứng minh Chiristian Silvain là người đầu tiên sáng tạo ra phong cách nghệ thuật này, các tác phẩm của ông vẽ từ thập niên 1980, trước Diệp Vĩnh Thanh tới 10 năm.
Phóng viên tờ “Hồng Tinh tân văn” đã liên lạc với Christian Silvain để làm rõ về vấn đề này và được họa sĩ người Bỉ này cho biết, ông bắt đầu sáng tác nghệ thuật từ năm 1965.
Khi nói về bức tranh như bức ghép hình bị Diệp Vĩnh Thanh sao chép, Christian Silvain nói, ông lấy cảm hứng từ tuổi thơ của mình và sự giao tiếp của tôi với những đứa trẻ bị mắc chứng tự kỷ”.
Christian Silvain nói, ông đã phát hiện ra việc Diệp Vĩnh Thanh sao chép tranh mình từ tháng 7/1996: “Chủ một phòng tranh ở Amsterdam gửi cho tôi một bức fax thông báo ông ấy thấy tác phẩm của tôi được trưng bày tại một cuộc triển lãm tranh Trung Quốc ở Bonn, nhưng xem kỹ thì nghệ thuật rất kém so với trước đây.
Thế là tôi bắt đầu nghiên cứu những tác phẩm mà ông ấy nói là “nghệ thuật rất kém” ấy và phát hiện ra những tác phẩm ấy do người khác vẽ.
Tôi rất kinh ngạc, sửng sốt. Sau đó, tôi lập tức liên hệ với Sebastian, người đại diện của tôi và yêu cầu gỡ bỏ một bộ phận các tác phẩm được trưng bày.
Mấy năm sau, Sebastian lại gọi điện cho tôi báo tin tại London có cuộc triển lãm, trưng bày tác phẩm của một họa sĩ Trung Quốc nom rất giống tranh của tôi.
Sau đó, một lần tôi thấy một bức tranh đề tên người vẽ là Diệp Vĩnh Thanh...Tôi rất kinh ngạc”.
Khi được hỏi vì sao ông cho là Diệp Vĩnh Thanh “sao chép” tác phẩm của mình, Christian Silvain nói: “Nếu một bức tranh như một tác phẩm phục chế, phản ánh cùng một chủ đề, sử dụng cùng đường nét, hình thức, màu sắc, vẽ cùng một thứ... thì đó chính là sự đánh cắp”.
Khi được hỏi liệu có sử dụng biện pháp pháp luật với Diệp Vĩnh Thanh? Christian Silvain nói, đối với ông, sao chép là một vấn đề đạo đức.
“Do sự việc này cứ xảy ra nên chúng tôi lựa chọn cách thông báo cho báo chí biết và yêu cầu các cơ quan bán đấu giá ngừng bán những tác phẩm đó”.
Theo thông tin của báo chí Bỉ, đội ngũ của Christian Silvain cho rằng họ là vật hy sinh của nạn sao chép.
Một bức tranh sao chép được Diệp Vĩnh Thanh ký tên từng bán được với giá 400 ngàn euro, còn tác phẩm gốc của Chiristian Silvain thì chỉ bán được từ 5000 đến 15.000 euro.
Christian Silvain đã gửi cho “Hồng Tinh tân văn” một bản danh mục liệt kê những tác phẩm của Diệp Vĩnh Thanh cùng giá được bán đấu giá trên quốc tế nhiều năm qua.
So sánh tác phẩm của Chiristian Silvain (phải) và Diệp Vĩnh Thanh (trái).
Đối với vấn đề này, một người trong giới giải thích: vấn đề giá tiền bán rất phức tạp. Cái gọi là “giá trên trời” hiện nay nhiều khi không liên quan đến Diệp Vĩnh Thanh mà do hành vi của hãng bán đấu giá.
“Trước đây, giá tranh ông ấy bán ra chưa chắc đã cao, có thể chỉ được mấy ngàn NDT mà thôi... Đó là vấn đề cả hệ thống lưu thông nghệ thuật, nhà nghệ thuật chỉ là một khâu trong chuỗi dây chuyền ấy.
Điều này liên quan đến cả một hệ thống, bao gồm thương mại, phòng tranh, nhà sưu tập, đương nhiên cuối cùng cũng ảnh hưởng đến bản thân nhà nghệ thuật”.
Còn về động cơ của việc sao chép, người này nói, có lẽ chỉ bản thân Diệp Vĩnh Thanh mới có thể giải đáp được.
Chiều 27/2, khi phóng viên “Hồng Tinh tân văn” liên hệ với Diệp Vĩnh Thanh, ông chỉ cảm ơn đã quan tâm, nhưng từ chối trả lời bất cứ điều gì.