Trong số đó, phải kể đến việc tiêu diệt những phương tiện chiến đấu được bảo vệ tốt nhất, chẳng hạn như xe tăng chiến đấu chủ lực.
Sức mạnh của tên lửa M39
New York Times ngày 18/10 dẫn lời hai quan chức phương Tây cho biết, Mỹ đã cung cấp khoảng 20 tên lửa ATACMS cho Ukraine song không nêu rõ chủng loại tên lửa. Nhưng theo các chuyên gia, đây có thể là tên lửa M39 ATACMS cũ, dựa trên các mảnh tên lửa còn sót lại sau vụ tấn công sân bay bên ngoài khu vực Berdyansk.
ATACMS được bắn từ bệ phóng Hệ thống tên lửa phóng loạt M270. Ảnh: Wikipedia
M39 là tên lửa đạn đạo nặng 2 tấn, dài gần 4m, với động cơ tên lửa rắn và đầu đạn chứa 950 quả đạn con. Đây là biến thể cũ của Hệ thống Tên lửa Chiến thuật lục quân (ATACMS).
Tên lửa được phóng từ bệ phóng M270 đặt trên khung gầm bánh xích hoặc bệ phóng HIMARS đặt trên khung gầm bánh lốp. M39 có tầm bắn 165km, sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính.
Quân đội Mỹ có hàng trăm tên lửa M39 đã hết hạn hoặc gần hết hạn trong kho vũ khí. Thời gian gần đây, chính quyền Tổng thống Biden được cho là đã chuyển giao một số lượng lớn tên lửa M39 cũ cho Ukraine sau khi kiểm tra động cơ của chúng.
Vào rạng sáng ngày 17/10, quân đội Ukraine cho biết đã khai hỏa 3 bệ phóng HIMARS, phóng tên lửa M39 vào một sân bay bên ngoài khu vực Berdyansk. Tên lửa lao thẳng qua hệ thống phòng không của Nga và rải gần 3.000 quả đạn con M74 ở bãi đáp của sân bay, phá hủy trực thăng tấn công Mil Mi-24 và Kamov Ka-52 của không quân Nga.
Quân đội Ukraine tuyên bố phá hủy 9 máy bay trực thăng của Nga. Trong khi các nhà quan sát cho rằng chỉ có 6 chiếc bị phá hủy. Fighterbomber, một kênh Telegram của Nga cho rằng, dù con số thiệt hại các bên đưa ra khác nhau, nhưng không thể phủ nhận đây là mộ trong những cuộc tấn công nghiêm trọng nhất kể từ khi xung đột nổ ra.
James Hutton – một quan chức trong quân đội Mỹ cho rằng, tên lửa M39 và các quả đạn con M74, nặng 0,5kg được làm từ hợp kim thép và vonfram là loại đạn hoàn hảo để tấn công các mục tiêu “mềm”. “Khi va chạm và phát nổ, mỗi quả lựu đạn sẽ vỡ thành nhiều mảnh thép nhỏ, bay với tốc độ cao, rất hiệu quả khi chống lại các mục tiêu như lốp xe tải, đạn tên lửa, phương tiện có lớp giáp mỏng và radar”.
Khắc tinh của tổ hợp phòng không
Ngoài các mục tiêu trên, tên lửa M39 còn có khả năng tấn công các tổ hợp phòng không. Quân đội Mỹ đã nhiều lần sử dụng M39 để trấn áp hệ thống phòng không của đối phương. Lần đầu tiên Mỹ sử dụng M39 trong chiến đấu là vào năm 1991 – thời điểm nước này tiến hành Chiến dịch Bão táp Sa mạc, nhằm mục đích tiêu diệt khẩu đội phòng không S-75 của Irag từng nhiều lần đe dọa máy bay chiến đấu của liên minh do Mỹ dẫn đầu. Cuộc tấn công ATACMS “đã vô hiệu hóa thành công mục tiêu”, Carter Rogers – cựu thiếu tá của quân đội Mỹ cho biết.
Hệ thống phòng không của Nga được cho là rất tinh vi và hiệu quả. Chúng khiến các máy bay chiến đấu hoặc trực thăng của Ukraine chuyên hỗ trợ lực lượng mặt đất dọc theo tiền tuyến phải phóng tên lửa và bom từ khoảng cách xa hàng km để tránh bị phát hiện, hoặc bay ở độ cao thấp.
Nhưng mối nguy hiểm đối với các phi công sẽ lớn nếu Ukraine không tìm cách săn lùng và vô hiệu hóa các hệ thống phòng không của Nga. Việc tiếp nhận tên lửa M39 có thể giúp Kiev có thêm động lực để thực hiện nhiệm vụ này.
“Hãy tưởng tượng điều sẽ xảy ra nếu những quả bom bằng hợp kim thép vonfram trút xuống một khẩu đội phòng không gồm hệ thống radar, bệ phóng, xe hỗ trợ và tên lửa. ATACMS là một hệ thống chiến đấu đa năng trong không gian vì nó có thể vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn một số lượng lớn các mục tiêu bao gồm: radar phòng không và radar đất đối đất hoặc tên lửa”, ông Carter Rogers lưu ý.
Hiện các lực lượng Ukraine sử dụng rất nhiều loại đạn dược cho nhiệm vụ trấn áp hệ thống phòng không của đối phương (gọi là SEAD), trong đó có tên lửa M30/31 khoảng 70km, được phóng từ bệ phóng M270 hoặc HIMARS tương tự như tên lửa M39. Ngoài ra, Kiev cũng triển khai máy bay không người lái mang chất nổ, hoặc máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 và Mikoyan MiG-29 phóng tên lửa đường dẫn radar AGM-88 do Mỹ sản xuất. Để tiến hành các cuộc tấn công xa hơn, Kiev đã sử dụng tên lửa chống hạm Neptune.
Về mặt tác chiến, những tên lửa M39, được bắn từ khoảng cách hàng trăm km có thể gây nguy hiểm cho hệ thống mạng lưới phòng không của Nga nằm phía sau tiền tuyến.
Hạn chế của M39
Tuy vậy, điểm yếu của tên lửa này là rất khó bắn hạ xe tăng hoặc xe bọc thép. “Đừng lãng phí những tên lửa M39 trị giá hàng triệu USD để phá hủy một trung đoàn xe tăng vì các quả đạn con của nó không có hiệu quả đối với xe bọc thép”, ông James Hutton lưu ý.
Việc phóng một loạt tên lửa M39, trút mưa bom M74, có thể làm hỏng hệ thống quang học của xe tăng, thậm chí chọc thủng lớp giáp mỏng trên thân xe và làm hỏng động cơ. Nhưng đòn tấn công trực tiếp của M39 sẽ không ngăn chặn được cuộc tấn công của xe thiết giáp, nếu phương tiện này không di chuyển theo đội hình hoặc được bố trí dàn trải.
Đó là lý do vào cuối những năm 1990, quân đội Mỹ đã phát triển một phiên bản mới của tên lửa ATACMS có thể mang theo 13 loại đạn chống tăng dẫn đường. Tuy nhiên, họ đã phải tạm dừng quá trình phát triển do gặp vấn đề về chi phí.
Trong khi cam kết cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine, chính quyền Biden cho biết sẽ cố gắng tránh gây ảnh hưởng đến năng lực quân sự và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc họ chỉ chuyển giao những tên lửa đã hết hạn M39 hoặc tên lửa M48 cũ và giữ lại tên lửa M57 mới.
Các tên lửa M39 và M48 có thể mang lại cho Ukraine nhiều lợi thế. Đạn con M74 của tên lửa M39 có thể xóa sổ sân bay và địa điểm hậu cần của đối phương. Còn tên lửa M48 với đầu đạn xuyên thấu có thể làm nổ tung các boongke hoặc phá hủy các tòa nhà. Nhưng để đối phó với xe tăng, Ukraine có lẽ cần những tên lửa tiên tiến hơn.