Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Putin sẽ dự lễ cưới của Ngoại trưởng Áo Karina Kneissl ngày 18.8.
Sự kiện này sẽ là dịp xuất hiện hiếm hoi của ông Putin ở Tây Âu kể từ khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi sau vụ sáp nhập Crưm năm 2014 và cuộc xung đột ở miền đông Ukraina.
Đây sẽ là chuyến thăm thứ 2 của ông Putin tới Áo, sau cuộc gặp Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hồi tháng Sáu.
"Chính xác là ở thủ đô Vienna khi đó, Tổng thống Putin nhận được lời mời dự hôn lễ của Ngoại trưởng Áo và ông đã vui vẻ nhận lời" - phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với đài truyền hình RBC.
Đài Đức Deutsche Welle dẫn các nguồn tin báo chí Áo cho biết, Ngoại trưởng Karina Kneissl, 53 tuổi, kết hôn với doanh nhân Wolfgang Meilinger. Bà Kneissl được chọn vào vị trí Ngoại trưởng Áo là nhờ đề cử của Đảng Tự do cực hữu - một đối tác liên minh trong chính phủ hiện tại. Đảng này được cho là có quan hệ với Đảng Nước Nga thống nhất. Thủ tướng Áo Kurz cũng sẽ dự lễ cưới.
Ngày 18.8, Tổng thống Putin sẽ có chuyến thăm làm việc chính thức và hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel ở Berlin (Đức).
Theo người phát ngôn Peskov, việc dự đám cưới của Ngoại trưởng Áo không ảnh hưởng đến lịch trình chính thức của ông Putin. Tuy nhiên, chuyến đi Áo không phải là chính thức nên báo chí Nga sẽ không được chào đón tại hôn lễ của Ngoại trưởng Áo.
"Đây là hoạt động cá nhân nên không có nghi lễ nào cả" - RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Peskov.
Ông Peskov cũng bác bỏ ý kiến cho rằng chuyến thăm này là hiếm hoi và bất thường, khẳng định ông Putin trước đây đã tham dự những sự kiện như thế ở nước ngoài.
Khi được hỏi ông Putin định tặng quà gì cho tân lang, tân nương, ông Peskov tỏ ra bí mật: "Tôi không thể tiết lộ. Chúng tôi sẽ công bố sau".
Chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Putin dẫn đến một số đồn đoán về chi phí, bởi tờ Kurier của Áo ước tính chuyến thăm hồi tháng 6 của ông Putin có sự tham gia của 1.500 giới chức thực thi pháp luật, tốn khoảng 480.000 USD.
Ông Putin từng có quan hệ mật thiết với một số nhà lãnh đạo phương Tây, đáng chú ý nhất là cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi và cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder.
Mặc dù bị nhiều lãnh đạo phương Tây xa lánh kể từ năm 2014 sau vụ sáp nhập Crưm và xung đột ở miền đông Ukraina, nhưng Tổng thống Nga lại được hưởng lợi từ sự gia tăng các lãnh đạo cực hữu ở Châu Âu, như Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - cả hai đang đặt câu hỏi về mối quan hệ của họ với các liên minh phương Tây như EU và NATO.