Trục trặc giữa Nga và Gruzia
Trong thời gian sau đấy, chiến tranh rất ít khi được EU và NATO nhắc đến, khác hẳn với chính biến và những diễn biến sau đó ở Ukraine, bởi hai lý do là cuộc chiến tranh này do chính phía Gruzia phát động và bởi sau đó lại xảy ra chuyện ở Ukraine.
Từ trước, mối quan hệ giữa Gruzia và Nga vốn đã luôn căng thẳng và đầy trắc trở nhưng không xảy ra chiến tranh trực diện cho dù hai vùng Abkhazia và Nam Ossetia đã ly khai Gruzia và ngả hẳn về phía Nga cũng như được Nga bảo hộ an ninh.
Việc khi ấy Gruzia vẫn phát động cuộc chiến tranh chỉ có thể là kết quả của đánh giá sai lầm về Nga hoặc tin tưởng sai lầm vào NATO rằng NATO sẽ can thiệp và hành động quân sự không để cho Nga thắng cuộc chiến tranh. Với việc đưa quân vào Nam Ossetia, phía Gruzia muốn "thu hồi" hai vùng lãnh thổ ly khai này.
Kết quả là quân đội Gruzia bị quân đội Nga đẩy lùi, NATO không can thiệp, hai vùng lãnh thổ ly khai kia càng gắn kết với Nga và việc Gruzia thu hồi lại được càng thêm khó khả thi cũng như mối quan hệ giữa Gruzia và Nga càng thêm thù địch. Thế cục này giữa Gruzia và Nga cũng như giữa Gruzia và hai vùng lãnh thổ ly khai chưa thể thay đổi cơ bản cả trong tương lai dài.
Nhưng đồng thời cả giữa Nga và NATO cũng định hình thế cục mới bởi cuộc chiến tranh kia. Gruzia cả khi ấy lẫn hiện tại đều không phải là thành viên NATO nhưng đã có những thoả thuận hợp tác.
NATO không kết nạp Gruzia vì e ngại Nga nhưng đã có những hình thức ràng buộc, lôi kéo Gruzia ra khỏi phạm vi khả năng ảnh hưởng của Nga.
Cục diện giữa Nga và NATO
Từ sau kết thúc chiến tranh lạnh, giữa NATO và Nga dần định hình khuôn khổ hợp tác mới, bớt đối đầu và xung khắc mà tăng tiếp xúc và đối thoại, thể chế hoá được một bước quan hệ hợp tác bằng việc thành lập Hội đồng NATO - Nga.
Cuộc chiến tranh giữa Gruzia và Nga đã làm cho cả NATO lẫn Nga đều phải xem xét lại mối quan hệ hợp tác này và chiến lược của từng bên. NATO nhận ra rằng Nga sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự để bảo vệ lợi ích chiến lược ở khu vực láng giềng xung quanh.
NATO nhận ra rằng không thể ngăn cản được Nga sử dụng vũ lực quân sự ở những nơi đó và cũng không thể can thiệp quân sự vào những nước ở vùng xung quanh Nga không là thành viên NATO một khi xảy ra xung đột quân sự hay chiến tranh giữa các nước này với Nga.
Còn Nga đã đi đến nhận thức rằng NATO sẽ còn tiếp tục "Đông tiến" bằng mọi cách nên phải chặn lại và chỉ khi nào làm cho NATO thấy là Nga không chỉ mạnh về quân sự mà còn luôn sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn chặn ý đồ tiếp tục "Đông tiến" của NATO thì mới có thể được yên ổn ở khu vực láng giềng xung quanh.
Hợp tác giữa hai bên cả trong lẫn ngoài phạm vi khuôn khổ của Hội đồng NATO - Nga trở nên ảo tưởng và chỉ còn là hình thức, đối đầu và phòng ngừa lẫn nhau trở nên cần thiết, tin tưởng lẫn nhau chỉ là giả trong khi nghi ngại lẫn nhau mới là thật.
Với điểm xuất phát như thế nên sau khi xảy ra chính biến ở Ukraine, cách hành động của Nga và thái độ phản ứng của NATO và EU thật lô gic và không có gì là khó hiểu.
Thế cục ấy định hình dần từ cuộc chiến tranh giữa Gruzia và Nga cách đây 10 năm và bộc lộ công khai sau khi Nga tiếp nhận Crimea và bùng nổ cuộc nội chiến và ly khai ở Ukraine.
Những gì xảy ra trong thời gian 10 năm qua ở châu Âu đã định hình cục diện quan hệ giữa Nga và NATO cho cả thời gian dài ở phía trước. Hiện tại chưa thấy có dấu hiệu nào là nó có thể sớm thay đổi. Mấu chốt không phải là chuyện ly khai ở Ukraine mà là chuyện Crimea.
Nó trở thành vấn đề mang tính nguyên tắc đối với cả hai bên nên sẽ chẳng có bên nào chịu nhượng bộ.
Nhưng như thế cũng không thể coi là hai bên đã trở lại thời chiến tranh lạnh. Sự khác biệt cơ bản ở chỗ Nga và NATO không theo đuổi mục tiêu triệt hạ lẫn nhau mà chỉ đẩy lùi phạm vi ảnh hưởng của nhau và tranh giành những quốc gia trên châu lục hiện chưa ngả hẳn về phía nào.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại