Bất động sản tiếp tục gặp khó, quan chức Trung Quốc tuyên bố động thái cứng rắn đối với các chủ đầu tư

Yến Nguyễn |

Bắc Kinh đang nỗ lực ổn định thị trường bất động sản trong bối cảnh khủng hoảng nợ, với lập trường "nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ".

Bất động sản tiếp tục gặp khó, quan chức Trung Quốc tuyên bố động thái cứng rắn đối với các chủ đầu tư- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn Trung Quốc Nghê Hồng cho biết Bắc Kinh sẽ cố gắng ổn định thị trường bất động sản trong bối cảnh khủng hoảng nợ và “rủi ro hệ thống”.

Phát biểu bên lề Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào hôm thứ Bảy tuần trước, ông Nghê Hồng cho biết nhiệm vụ ổn định thị trường vẫn còn chông gai và Bắc Kinh đã duy trì “điểm mấu chốt” là tránh “rủi ro hệ thống” trong lĩnh vực này bằng việc thúc đẩy doanh số bán nhà và bổ sung thanh khoản cho các đơn vị phát triển bất động sản.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã phải vật lộn với khủng hoảng thanh khoản kể từ giữa năm 2021, với việc các nhà phát triển bất động sản lớn vỡ nợ hoặc trì hoãn trả nợ sau khi cơ quan quản lý siết chặt.

Tập đoàn China Evergrande Group đã bị phá sản vào tháng 1 và đối thủ cạnh tranh Country Garden Holdings đang phải đối mặt với đơn yêu cầu thanh lý tài sản từ Hồng Kông (Trung Quốc).

Nhiều công ty khác, trong đó có China Vanke, công ty bất động sản lớn thứ hai nước này, đang gặp khó khăn trong việc bán căn hộ và huy động vốn.

“Đối với những công ty bất động sản mất khả năng thanh toán nghiêm trọng hay mất khả năng hoạt động thì buộc phải phá sản và tái cơ cấu theo luật ”, Bộ trưởng Nghê Hồng nói. “Những người có hành vi xâm phạm lợi ích của quần chúng sẽ bị kiên quyết điều tra, trừng trị theo pháp luật và phải trả giá thích đáng.”

Để giải quyết tình trạng thiếu vốn, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn và Cơ quan quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc đã công bố kế hoạch thiết lập cơ chế phối hợp tốt hơn với các tổ chức tài chính để hỗ trợ các dự án bất động sản.

Theo Bộ trưởng Nghê Hồng, cơ chế này đang được triển khai tại hơn 310 thành phố ở 31 tỉnh trên cả nước để hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản.

Trong số hơn 6.000 dự án bất động sản nằm trong “danh sách trắng” của chính phủ được coi là đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng thương mại, gần 83% là của các doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp thuộc “sở hữu hỗn hợp”. Tính đến cuối tháng 2, hơn 200 tỷ nhân dân tệ (27,8 tỷ USD) khoản vay ngân hàng đã được phê duyệt.

Trong báo cáo thường niên của chính phủ tuần trước, Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc cũng sẽ nhanh chóng phát triển mô hình mới cho lĩnh vực bất động sản, tập trung vào xây dựng nhà ở giá rẻ và đáp ứng nhiều nhu cầu về nhà ở.

Bộ trưởng Nghê Hồng nhấn mạnh rằng mô hình mới sẽ tuân thủ lập trường lâu nay của Bắc Kinh là “nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại