Bất chấp suy giảm xuất nhập khẩu, xuất siêu vẫn đạt hơn 4 tỷ USD

Yến Nhi |

(VnMedia) - Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2023 vẫn duy trì xuất siêu 4,07 tỷ USD, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 18/4/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của các địa phương, trong Quý I/2023 đã đạt được những kết quả quả đáng khích lệ, đóng góp vào phát triển chung của Ngành Công Thương.

Theo đó, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, đạt kỷ lục tại nhiều quốc gia đe dọa suy thoái kinh tế toàn cầu; tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga - Ucraina; tình trạng đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng đang trở nên nghiêm trọng hơn ở nhiều quốc gia thì kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng dương là một nỗ lực lớn.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2023 vẫn duy trì xuất siêu 4,07 tỷ USD, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tiêu dùng trong nước khá ổn định, hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt, một số vật tư hàng hóa chiến lược (xăng dầu, điện, than) được đáp ứng đầy đủ.

Chỉ số phát triển công nghiệp, thương mại nhiều địa phương vẫn có mức tăng trưởng cao, có 48/63 địa phương đạt mức tăng trưởng dương trong quý I/2023; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bất chấp suy giảm xuất nhập khẩu, xuất siêu vẫn đạt hơn 4 tỷ USD - Ảnh 1.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực Công Thương địa phương còn một số hạn chế, như: Mức tăng trưởng các chỉ tiêu ngành Công Thương thấp hơn so với kế hoạch và cùng kỳ; nhiều địa phương tăng trưởng thấp (thậm chí tăng trưởng dưới 1%) do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đầu ra sản phẩm khó khăn; Ít dự án đầu tư mới được triển khai; các dự án chuyển tiếp thì chậm tiến độ…

Những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, các nguyên nhân khách quan chủ yếu là: Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Lạm phát còn ở mức cao, chính sách tiền tệ chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm; Cạnh tranh với các nước xuất khẩu (sau mở cửa), đặc biệt là việc Trung Quốc mở cửa trở lại, cùng một số địa bàn xuất khẩu trọng điểm nới lỏng các biện pháp hạn chế thương mại sẽ khiến hàng Việt phải cạnh tranh quyết liệt hơn ở các thị trường trọng điểm.

Về nguyên nhân chủ quan, việc chậm công bố quy hoạch (các quy hoạch ngành Quốc gia và địa phương) dẫn đến việc không thể triển khai các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực Công Thương; Sự chồng chéo, mẫu thuẫn trong một số quy định của pháp luật hiện hành cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án; Tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của không ít doanh nghiệp (địa phương có quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi còn thấp) gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu chính ngạch; Tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng huy động trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định và thị trường bất động sản trầm lắng; hầu hết dự án đầu tư công chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, tâm lý e ngại trong thực thi nhiệm vụ của nhiều cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm cũng là nguyên nhân dẫn đến sự kìm hãm tăng trưởng, phát triển; việc làm, thu nhập của người lao động hạn chế làm sức mua thấp…

Tập trung rà soát, tháo gỡ đối với từng doanh nghiệp

Trước những hạn chế trên, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023 - một trong những năm động lực thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các Sở Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tiếp tục làm tốt công tác quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, tổ chức thực hiện một cách quyết liệt các Nghị quyết, Chỉ thị, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các Bộ, ngành, của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của mỗi địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là những dự án lớn trên địa bàn và những dự án có vai trò tạo “cú huých” về tăng trưởng, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động địa phương.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản và cắt giảm đầu tư công trên địa bàn để tạo động lực, dư địa để các ngành, các lĩnh vực liên quan phát triển (vật liệu, cơ khí chế tạo, thương mại, dịch vụ...). Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đơn giản hoá thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ trong chỉ đạo điều hành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại