Bất chấp bão giá, vợ Việt ở Nhật vẫn 'lái' gia đình chi tiêu trong khoảng 100 triệu đồng/tháng

Phương Kim |

Chị Trần Thùy Trang đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản. Gia đình chị làm kinh doanh xe hơi.

Gia đình chị Trần Thùy Trang và chồng người Pakistan hiện sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Chị Trang có hai người con, chồng chị có công ty riêng chuyên kinh doanh xe hơi, còn chị làm nội trợ toàn thời gian. Thỉnh thoảng, chị Trang có làm các clip chia sẻ về cuộc sống của mình ở Nhật Bản cùng những video hài hước cùng con gái Miu.

Thời gian này, theo chị Trang nhận định, cả người Nhật Bản lẫn người nước ngoài sinh sống ở Nhật đều bị ảnh hưởng. Dịch bệnh vừa qua đi, bão giá và lạm phát lại ập tới khiến nhiều người không kịp trở tay. Riêng với gia đình chị, do làm kinh doanh trong thời gian khá dài cũng như biết cách vun vén nên mọi thứ đến bây giờ may mắn vẫn khá ổn định.

Bất chấp bão giá, vợ Việt ở Nhật vẫn lái gia đình chi tiêu trong khoảng 100 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Gia đình chị Thùy Trang và chồng người Pakistan hiện đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Chi tiêu 100 triệu đồng mỗi tháng bất kể bão giá

Sang Nhật Bản đã lâu, chị Trang dần quen với lối sinh hoạt ở đất nước mặt trời mọc. Theo lời chị, Nhật Bản quả thật là một đất nước văn minh, môi trường sạch sẽ, các loại thực phẩm đều rất tươi ngon, đảm bảo. Tuy nhiên, giá đồ ăn ở Nhật khá đắt, trong khi các món đồ công nghệ thì mềm hơn, nhất là ôtô rẻ ở hơn ở Việt Nam.

Vốn làm kinh doanh nên gia đình chị Trang chi tiêu rất nhiều, dù không đều nhau nhưng theo ước tính, ít nhất chị đều chi khoảng 100 triệu đồng mỗi tháng. Khoản chi chủ yếu đến từ việc đi lại của hai vợ chồng và các con vì nhà chị Trang đi du lịch rất nhiều. 

Trung bình hàng tháng, chị Trang và chồng đều đưa con đi chơi, khi thì trong nước, khi thì nước ngoài. Gia đình chị cũng bay về Pakistan hoặc về Việt Nam thường xuyên. Thế nhưng, chị Trang thấy hài lòng khi chi tiêu vì muốn các con có những trải nghiệm mới, nhất là sau khi thời kỳ Covid các bé phải ở trong nhà quá lâu.

Theo lời chị Trang, thu nhập trung bình của người Nhật là khoảng 35 man (350.000 yên, tức 60-70 triệu đồng) mỗi tháng/người trong những gia đình làm công ăn lương bình thường. Do đó, mức chi tiêu của nhà chị Trang được coi là cao so với mặt bằng chung ở Nhật.

Bất chấp bão giá, vợ Việt ở Nhật vẫn lái gia đình chi tiêu trong khoảng 100 triệu đồng/tháng - Ảnh 2.


Chị Trang nhận định, phụ nữ Nhật Bản nói chung đều rất biết vun vén, chi tiêu không những hợp lý mà còn rất tiết kiệm. Khi đi chợ, họ thường lên kế hoạch ăn uống cho cả tuần hoặc nửa tháng rồi mua nhiều một lần. Trong sinh hoạt thường ngày, cách người Nhật dùng thực phẩm hay các mẹo giữ nhà sạch mà không cần chi tiêu quá nhiều, họ đều rất giỏi.

Khi giá cả tăng, người dân ở Nhật Bản cũng không khác gì thế giới. Đặc biệt là phần thuế, thuế tăng khiến mọi thứ khác cũng không thể nào đứng yên. Gia đình chị Trang vốn làm kinh doanh nên càng bị ảnh hưởng nhiều, doanh thu giảm rõ rệt một phần do nhu cầu người dân tạm lắng nhưng phần khác cũng là do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy vậy, do đã học cách sắp xếp chi tiêu của người Nhật và tìm cách gia tăng thu nhập từ nhiều nguồn khác thì chị Trang và gia đình vẫn có thể trụ vững được.

Cách người Nhật sống trong bão giá và thường ngày

Theo nhận định của chị Trang, từ xưa đến nay, người Nhật đa phần đều rất tiết kiệm, đặc biệt trong giai đoạn này thì họ lại càng phát huy đức tính này tốt hơn. Ở Nhật Bản, các hệ thống siêu thị luôn có những “kẽ hở” để người dân tiết kiệm túi tiền của mình và vẫn mua được những món đồ ưng ý.

“Người Nhật tích điểm ở các hệ thống siêu thị, họ mua thật nhiều vào các ngày giảm giá. Đặc biệt, mua đồ vào chiều tối hoặc ‘khung giờ vàng’ rất được ưa chuộng vì nó giúp tiết kiệm được nhiều chi phí cho gia đình”, chị Trang chia sẻ.

Bất chấp bão giá, vợ Việt ở Nhật vẫn lái gia đình chi tiêu trong khoảng 100 triệu đồng/tháng - Ảnh 4.

Người Nhật rất chuộng đi siêu thị vào những ngày giảm giá. Ảnh: Pexels


Trong thời kỳ giá cả tăng cao, người Nhật đi siêu thị nhiều hơn hẳn trước kia. Họ có nhu cầu mua đồ về nấu ăn tại nhà nhiều hơn vì vừa ngon mà lại rẻ. Những khu vui chơi cũng thưa hẳn người qua lại vì họ không muốn phải tiêu quá nhiều tiền. Sự đối lập về mật độ người qua lại giữa siêu thị và khu vui chơi trở nên rõ rệt hơn hẳn.

Về cộng đồng người Việt, việc tỷ giá giữa các đồng tiền thay đổi làm cho thu nhập của họ bị ảnh hưởng. Những người đi lao động ở Nhật nếu trước kia đổi 10.000 yen sẽ được 2 triệu đồng nhưng nay chỉ đổi được 1,7 triệu đồng. 

Do đó, tiền gửi về quê nhà cũng sẽ không được nhiều. Tuy vậy, nhiều người vẫn tỏ ra khá lạc quan, tin rằng giai đoạn này sẽ sớm kết thúc và cuộc sống sẽ dần quay trở lại mức bình thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại