Trang mạng NetEase của Trung Quốc cho hay, khi nhắc đến Nga, nhiều ý kiến cho rằng họ quá tham vọng nhưng bất lực và sẽ không bao giờ trở thành siêu cường được.
"Liệu nhận định này có đúng hay không?" – NetEase đặt câu hỏi.
Sai lầm khi nói Nga "bất lực"
Theo trang mạng này, nhận định cho rằng Nga "tham vọng" và "không thể trở thành siêu cường" là đúng nhưng việc đánh giá "Nga yếu kém, bất lực" lại là một sai lầm. Cần nhớ rằng, Nga là quốc gia có lãnh thổ lớn nhất thế giới, lại giàu tài nguyên thiên nhiên và hiện đang là nhà xuất khẩu dầu mỏ-khí gas lớn nhất toàn cầu.
"Chúng ta không thể nói Nga bất lực" – NetEase viết. Quan trọng nhất là Nga có sức mạnh quân sự cực kỳ đáng gờm, với di sản khổng lồ thừa hưởng từ Liên Xô (như toàn bộ các cơ sở sản xuất công nghiệp hạng nặng và vũ khí hạt nhân).
Thậm chí ngay cả khi không được thừa hưởng gì từ Liên Xô thì như ngạn ngữ có câu "Lạc đà gầy vẫn lớn hơn ngựa béo", Nga vẫn sẽ là một trong những quốc gia mạnh nhất trên thế giới về quân sự.
NetEase cho rằng Nga chỉ có sức mạnh quân sự và điều đó không đủ để đưa họ trở thành siêu cường. Ảnh: RT
Nhưng tại sao Nga không bao giờ có thể trở thành siêu cường?
Theo NetEase, trước tiên cần phải nắm rõ những yếu tố có thể giúp một quốc gia trở thành siêu cường.
Đầu tiên, quốc gia đó cần có lực lượng quân sự mạnh mẽ. Trên đấu trường quốc tế, nắm đấm của ai mạnh hơn thì người đó càng có lợi thế. "Đây là một sự thật bất di bất dịch" – NetEase viết.
Thứ hai, sức mạnh kinh tế của quốc gia đó phải đứng hàng đầu thế giới, bởi kinh tế là nền tảng hỗ trợ sự phát triển mở rộng của một quốc gia. Nếu không có nền kinh tế đủ mạnh để hỗ trợ thì tất cả chỉ là vô nghĩa.
Thứ ba, họ cần có dân số đủ lớn để hỗ trợ, bởi cả sức mạnh quân sự và kinh tế đều được tạo ra bởi con người. Dân số đông và chất lượng cuộc sống cao là những điều kiện quan trọng để tạo nền tảng cho một cường quốc.
Nếu nhìn sang Nga chiểu theo 3 điểm này thì theo NetEase, ngoài sức mạnh quân sự, Nga không có đủ sức mạnh kinh tế và dân số để trở thành siêu cường.
Nền kinh tế của Nga hiện nay đang phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu năng lượng. Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trở thành xương sống của nền kinh tế, do vậy, một khi giá dầu sụt giảm thì đó sẽ là đòn giáng mạnh vào hệ thống kinh tế của Nga.
Ngược lại, nếu nhìn sang Mỹ có thể thấy hiện họ là siêu cường duy nhất trên thế giới. Mặc dù Mỹ đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu toàn cầu nhưng nền kinh tế của họ không đơn điệu, các giao dịch dầu mỏ chỉ là một phần trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Vì thế, khi giá dầu giảm, nền kinh tế Mỹ không bị thiệt hại nghiêm trọng.
Theo NetEase, nền kinh tế của Nga phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. Ảnh: Oilprice
Bên cạnh đó, mặc dù Nga hoàn toàn thừa hưởng các cơ sở công nghiệp nặng từ thời Liên Xô nhưng cũng thừa hưởng cả những thiếu sót trong phát triển công nghiệp của Xô Viết.
Hiện nay công nghiệp nặng của họ đã phát triển nhưng công nghiệp nhẹ vẫn ở trong tình trạng tồi tệ. Bàn chải đánh răng, kem đánh răng, khăn tắm, quần áo và nhiều mặt hàng thiết yếu khác tại Nga đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, theo NetEase, vị trí địa lý cũng là một nhân tố gây ảnh hưởng tới tham vọng siêu cường của Nga. Mặc dù nước này có bờ biển rất dài nhưng phần lớn lại trải dọc theo vùng Bắc Băng Dương băng giá.
Hiện nay, các hoạt động thương mại trên biển đóng vai trò quyết định tốc độ phát triển kinh tế của một quốc gia. Chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và nhiều quốc gia khác đều phát triển lên sau Thế chiến II nhờ các hoạt động này.
Do đó, có thể nói rộng ra rằng, vị trí địa lý giữ vai trò quyết định tốc độ phát triển kinh tế của một nước, và với tình hình kinh tế như hiện nay, "Nga sẽ không bao giờ đủ khả năng trở thành siêu cường" , NetEase viết.
Về dân số, Nga hiện là quốc gia có lãnh thổ lớn nhất thế giới nhưng dân số chỉ khoảng 145 triệu người. Một số người cho rằng với mức dân số trên 100 triệu người, Nga đã được xem là quốc gia có dân số lớn.
Tuy nhiên, nếu đặt trong sự tương quan với diện tích lãnh thổ thì số dân này chưa phải mức lớn. Ví dụ, Nhật Bản có diện tích chưa đầy 380.000 km2 nhưng đã có hơn 120 triệu dân sinh sống.
Điều tồi tệ nhất chính là vấn đề dân số già. Đây là một vấn đề mà nhiều cường quốc đã phát triển phải đối mặt nhưng theo NetEase, Nga "chưa thể xem là một quốc gia đã phát triển".
Trang mạng Trung Quốc cho rằng, nếu xu hướng này cứ tiếp tục thì Nga thậm chí không có đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu thường nhật của quân đội, nhằm duy trì sức mạnh quân sự.
"Mặc dù Nga tham vọng, nhưng do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác, Nga chỉ có thể là một cường quốc trong khu vực, không thể thành siêu cường thế giới", NetEase kết luận.