Tàu ngầm hạt nhân Pháp thưc hiện một chuyến đi đến Biển Đông gần đây. (Ảnh: Twitter)
Bà Parly cho biết trên Twitter rằng chuyến tuần tra của tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude là “bằng chứng nổi bật” cho thấy Hải quân Pháp đủ năng lực hoạt động dài ngày ở những nơi xa xôi, cùng với các đối tác chiến lược Úc, Nhật và Mỹ.
Bài viết của China Daily nói rằng Pháp không giống Mỹ, vì không có các hiệp ước quốc phòng song phương hay căn cứ quân sự ở khu vực, nên cho rằng Paris đang muốn lấy lòng Washington bằng cách ủng hộ Bộ Tứ, một liên minh quân sự không chính thức của Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ nhằm đối phó với sức mạnh đang lên của Trung Quốc.
Vẫn sở hữu một số đảo ở Nam Thái Bình Dương, Pháp gần đây xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh vì Bắc Kinh đang gia tăng đầu tư vào khu vực này. Đó có thể là một trong những lý do khiến Paris muốn xích lại gần Bộ Tứ.
China Daily cho rằng một động cơ khác có thể là Pháp muốn cạnh tranh “hữu nghị” với Anh. Anh gần đây điều một tàu sân bay đến Biển Đông và dự định tham gia diễn tập hàng hải cùng Nhật Bản và Mỹ.
Theo China Daily, với việc đưa khí tài đến Biển Đông, Anh và Pháp đang “góp phần vào các mưu kế của Mỹ để chống Trung Quốc”.
Trung Quốc có yêu sách thái quá phi lý trên hầu khắp Biển Đông, đã bị Mỹ, các nước châu Á và châu Âu bác bỏ bằng hàng loạt công hàm gửi lên Liên Hợp quốc.
Theo các nhà phân tích, việc Pháp đưa tàu ngầm đến Biển Đông là nhằm khẳng định quan điểm rằng họ có lợi ích của mình ở khu vực này.
Năm 2019, Bộ Quốc phòng Pháp công bố báo cáo chính sách “Pháp và An ninh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”, nhấn mạnh rằng 1,5 triệu công dân Pháp đang sống ở khu vực kéo dài từ Djibouti ở vùng Sừng châu Phi đến lãnh thổ Polynesia của Pháp ở Nam Thái Bình Dương. Điều đó có nghĩa là Paris coi vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương kéo dài từ Vịnh Aden đến tận Úc.
Nhưng Biển Đông không được nhắc đến trong báo cáo. “Từ quan điểm pháp lý, việc Hải quân Pháp hoạt động ở vùng biển này là hoàn toàn chấp nhận được vì họ đang hoạt động trên toàn cầu”, France24 dẫn lời nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, công tác tại Viện Nghiên cứu chiến lược Pháp và là một chuyên gia về châu Á.