"Bão tố" chờ ông Biden ở Ankara
Chuyến thăm dự kiến vào ngày 24/8 tới đây sẽ đánh dấu lần đầu tiên một lãnh đạo hàng đầu của Tây phương tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ âm mưu đảo chính bất thành tại nước này hôm 15/7 vừa qua.
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Biden tới Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra giữa thời điểm căng thẳng ngoại giao giữa Ankara với Washington liên quan đến đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ đòi Mỹ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fetullah Gulen, người bị chính quyền Ankara quy trách nhiệm tổ chức cuộc đảo chính.
Ankara yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là âm mưu lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong cuộc đảo chính bất thành mùa hè này. Trong khi đó, Washington khẳng định, muốn Mỹ dẫn độ phải có bằng chứng chống lại giáo sĩ Gulen.
Washington cho biết sẽ xem xét các bằng chứng về sự liên quan của giáo sĩ Gulen, người đang sống ở Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng quan hệ giữa hai nước "sẽ được khôi phục sau khi xoá bỏ những hiểu lầm" nhưng như khẳng định của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Binali Yildrim, chuyến thăm sắp tới của Phó Tổng thống Mỹ Biden "sẽ không mở ra cuộc thảo luận thỏa hiệp về vấn đề này".
"Cải thiện quan hệ với Mỹ phụ thuộc vào việc dẫn độ ông Gulen và sẽ không có thương lượng về vấn đề đó", Thủ tướng Yildrim nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, mạng lưới của giáo sĩ Gulen có một kênh liên lạc riêng biệt với hơn 50.000 người tham gia.
Trước đó, hôm 11/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã ra tối hậu thư cảnh báo Mỹ phải lựa chọn giữa Ankara và các tổ chức của nhà truyền giáo đối lập Fethullah Gulen, người hiện đang sống lưu vong ở Pennsylvania, Mỹ.
"Sớm hay muộn Mỹ sẽ phải thực hiện lựa chọn, hoặc là Thổ Nhĩ Kỳ hoặc là những kẻ đảo chính, hoặc chiến dịch chống khủng bố hay là Thổ Nhĩ Kỳ dân chủ. Họ sẽ phải lựa chọn...", ông Erdogan nhấn mạnh.
Nói như vậy để thấy, chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ tới đây của Phó Tổng thống Mỹ Biden không "trải hoa hồng" như sự kỳ vọng của Washington, mà thay vào đó là những vấn đề nổi cộm kéo dài âm ỉ suốt thời gian qua trong quan hệ hai nước và sẵn sàng bùng phát khi có dịp.
Ankara tìm kiếm quan hệ ngoài NATO
10 ngày trước chuyến thăm của ông Biden, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bất ngờ ra tuyên bố cho biết, Ankara cần hợp tác quốc phòng với các quốc gia ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bác bỏ tin đồn rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đơn phương rời NATO, đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là "một trong số những nước ủng hộ lớn nhất của NATO".
Tuy tuyên bố của Ankara khẳng định, thông tin trên do những người chống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra chứ không phải của chính quyền Ankara, nhưng giới quan sát không nghĩ như vậy.
Sau cuộc đảo chính bất thành hồi giữa tháng 7 vừa qua, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO, đặc biệt là Mỹ đột ngột căng thẳng.
Sau vụ binh biến bất thành, nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ NATO giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác đã tạm thời bị đóng băng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng cảnh báo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ rằng sẽ là một sai lầm lớn nếu họ tiến hành thanh trừng hàng loạt các sĩ quan quân đội vào thời điểm này.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã bóng gió nói rằng, Mỹ phần nào có nhúng tay vào cuộc đảo chính vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ khi dung túng cho Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah.
Ông Erdogan cũng cáo buộc các tướng lĩnh cao cấp nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp với các đồng nghiệp người Mỹ của họ, bao gồm cả những người trong cơ quan tình báo.
Không phải ngẫu nhiên mà khi lý giải cho việc Ankara tìm kiếm đồng minh ngoài NATO, Ngoại trưởng Cavusoglu thẳn thắn chỉ ra rằng: "Một số đối tác phương Tây không sẵn lòng bán trang thiết bị của họ hay trao đổi thông tin tình báo với Thổ Nhĩ Kỳ".
Xét về mặt địa chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với Mỹ và NATO trong việc tấn công liên sườn vào những điểm có vấn đề ở Trung Đông và Biển Đen.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng quân sự lớn thứ hai trong khối liên minh Bắc Đại Tây Dương này sau Mỹ. Các chiến binh Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào tất cả các hoạt động của NATO ở Afghanistan, khu vực Balkan, Syria và Libyia.
Ngoài ra, lực lượng Không quân Mỹ duy trì một cơ sở không quân lớn với khoảng 2000 binh sĩ tại Incirlik, gần thị trấn Adana, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là căn cứ không quân quan trọng để tiến hành các cuộc không kích vào các vị trí của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hoành hành tại Syria và Iraq.
Incirlik đóng vai trò quan trọng trọng trong các cuộc chiến tranh ở Vùng Vịnh Persian và trong các hoạt động của NATO ở Afghanistan. Đức cũng có khoảng 250 binh sỹ với các máy bay trinh thám Tornado và một máy bay phản lực tiếp nhiên liệu tạm thời đóng tại đây.
Có thể thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đang nắm rất nhiều "quân bài tẩy" mà Mỹ và phương Tây không thể không dè chừng.
Khôi phục quan hệ với Nga
Tờ Al Jazeera nhận định, cuộc gặp ở St Petersburg (Nga) vào giữa tuần trước của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thực hiện "cái bắt tay tỷ đô", là sự khởi đầu cho các dự án hợp tác quy mô lớn giữa Moscow và Ankara.
Quan hệ giữa Moscow và Ankara đang dần hồi phục sau nhiều tháng biến động, kể từ thời điểm không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ Su-24 của Nga hồi tháng 11/2015.
Nga áp đặt lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của nước này.
Theo Al Jazeera, ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm mạnh mẽ, khi số lượng khách du lịch tới nước này giảm tới 41%.
"Trong nỗ lực cứu nền kinh tế của đất nước trên đà suy yếu, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng trấn an các nhà đầu tư nước ngoài về độ tin cậy của các khoản đầu tư của họ", Al Jazeera phân tích.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng nữa giúp cho sự phục hồi của sự hợp tác cùng có lợi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là việc khơi thông hai dự án năng lượng trị giá hàng chục tỷ USD: xây dựng nhà máy điện hạt nhân và đường ống dẫn khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ.