Rạn nứt trong quan hệ giữa quân đội TQ với Bắc Kinh và quần chúng

Hải Võ |

Báo Giải phóng quân (Trung Quốc) ngày 15/8 đăng tải bài xã luận nêu quan ngại về những thách thức nghiêm trọng trong gắn kết quan hệ giữa quân đội với chính phủ và quần chúng.

Theo tờ này, trong quá trình điều chỉnh quan hệ kinh tế xã hội của Trung Quốc và thay đổi giá trị con người, các mối quan hệ giữa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) với chính phủ và quần chúng "đã gặp phải một số vấn đề mới".

"Các thế lực đối địch trong và ngoài nước tìm trăm phương ngàn kế kích động quan hệ giữa quân đội với chính phủ và nhân dân, nhằm làm dao động cơ sở quần chúng của đảng [Cộng sản Trung Quốc] và quân đội" tờ báo cơ quan ngôn luận của Quân ủy trung ương Trung Quốc (CMC) viết.

Bài viết cho thấy Bắc Kinh nhận thức rõ rạn nứt đang xuất hiện trong mối quan hệ giữa quân đội và giới lãnh đạo Trung Nam Hải và quần chúng, thậm chí cảnh báo ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược "chiến tranh nhân dân", một cụm từ đã "gây bão" gần đây khi Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn kêu gọi "sẵn sàng chiến tranh nhân dân trên biển".

Báo Giải phóng quân dẫn lời ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, "chiến tranh nhân dân là 'pháp bảo' không được phép đánh mất".

Những cảnh báo được Quân ủy trung ương Trung Quốc đưa ra trùng hợp với khoảng thời gian mà truyền thông phương Tây nhận định, ông Tập và giới lãnh đạo Trung Quốc đang chịu sức ép lớn từ PLA về việc phải duy trì thái độ cứng rắn trên biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ngày 12/7.

Việc Báo Giải phóng quân lên tiếng phần nào chứng minh áp lực mà Bắc Kinh đang chịu là có thật và những người đứng đầu đã gửi thông điệp "cảnh cáo" các thành phần chống đối.

Rạn nứt trong quan hệ giữa quân đội TQ với Bắc Kinh và quần chúng - Ảnh 1.

Trung Quốc thừa nhận quan hệ giữa quân đội với các lãnh đạo ở Bắc Kinh đang gặp phải những thách thức. (Ảnh minh họa: Xinhua)

Mối lo quân nhân nghỉ hưu "bất mãn"

Bên cạnh đó, cùng với cuộc cải tổ quân đội quy mô lớn do Tập Cận Bình khởi xướng ngày càng được thực thi sâu rộng, PLA đang vấp phải hàng loạt vấn đề khó khăn, từ việc tuyển quân, bố trí quân nhân chuyên nghiệp, tạo nghề cho thân nhân nhà binh, chuyển giao quân nhân thương tật...

Ông Tập rất quan tâm đến tình trạng này, đồng thời yêu cầu thực hiện một số chính sách đặc thù và ưu đãi để giải quyết "mầm mống bất mãn" do hệ quả của việc cắt giảm biên chế 300.000 quân.

Cuộc đại cải tổ PLA được Tập Cận Bình công bố trong cuộc duyệt binh ngày 3/9/2015 trên quảng trường Thiên An Môn.

Trang Đa Chiều cho hay, truyền thông Mỹ từng đánh giá cuộc cải tổ này sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí tin rằng Bắc Kinh phải chi ra một số tiền khổng lồ để "an trí" các quân nhân.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 1/8 nêu nghi vấn "vì sao Trung Quốc vung tiền để quân nhân im lặng rời ngũ".

Bài viết của Bloomberg dẫn "nguồn tin giấu tên", nói rằng ông Tập Cận Bình chỉ thị "thanh toán một lần" cho một bộ phận lớn quân nhân bị "về hưu non". Số tiền phí được cho là lên đến hàng chục ngàn USD cho mỗi trường hợp, đồng thời một số sĩ quan về hưu vẫn được hưởng 80% mức lương khi còn phục vụ.

Theo Đa Chiều, chính sách này chưa được Bắc Kinh công khai, nhưng nó cho thấy vị thế quan trọng của PLA và những khó khăn lớn mà ông Tập phải đối diện để kiểm soát quân đội Trung Quốc.

Viện trưởng Viện luật thuộc Đại học chính pháp Trung Quốc Tiết Cương Lăng phân tích, nếu để xảy ra việc các quân nhân về hưu tuần hành thị uy, thì điều này sẽ trở thành đe dọa rất lớn đối với ổn định xa hội của Trung Quốc và gây ra sự mất niềm tin vào chính sách của các nhà lãnh đạo.

Hồi năm 2015, chính quyền thành phố Nghi Thành, tỉnh Giang Tô thậm chí phải thông cáo trên website chính thức rằng nếu quân nhân giải ngũ khiếu nại, phản ứng đối với việc bố trí sau khi về hưu, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì chính cơ quan phụ trách của chính quyền sẽ bị phạt nặng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại