Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko lập tức hạ lệnh cho quân đội nước này sẵn sàng chiến đấu. Các cuộc đàm phán xoay quanh Thỏa thuận Minsk – thỏa thuận ngừng bắn giữa cuộc xung đột – đã bị tạm dừng.
Nhiều dự đoán cho rằng Ukraine đang dần trôi vào chiến tranh, theo tờ The Independent (Anh).
Tình trạng bạo lực gia tăng đột biến tại Ukraine xảy ra khá bất ngờ. Vài tháng qua đã có vài xung đột nhỏ lẻ ở vùng ly khai Donetsk và Luhansk tại miền Đông, nhưng Crimea đã không chứng kiến động thái quân sự nghiêm trọng nào kể từ khi sáp nhập vào Nga sau các cuộc biểu tình Maidan tháng 2/2014.
Điều đó không có nghĩa Crimea hoàn toàn "sóng yên biển lặng". Đường điện vào bán đảo Crimea cũng phát nổ, gây ra tình trạng thiếu hụt điện trầm trọng; nhiều nhóm người Tartar chặn đường biên giới ngăn không cho hàng tiếp tế đi qua.
Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych (trái) và Tổng thống Nga Putin. (Ảnh: AIM)
Hiện chưa rõ nguyên nhân phía sau thời điểm bùng nổ căng thẳng mới nhất.
Các đối thủ của Nga tin rằng Kremlin luôn muốn khởi động lại các chiến dịch quân sự, và còn thời điểm nào tốt hơn lúc cả thế giới đang tập trung Olympics 2016 tại Rio de Janeiro, Brazil?
Theo The Independent, Tổng thống Putin được (phương Tây) cho là đã từng làm điều tương tự trong quá khứ, khi cuộc xung đột giữa Nga và Gruzia diễn ra vào tháng 8/2008, trùng với thời điểm diễn ra Olympic tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili đã gây hấn trước bằng cách cho quân tiến vào Nam Ossetia.
Phía Moscow thông báo rằng một sĩ quan thuộc cơ quan tình báo Nga (FSB) cùng 1 lính Nga đã bị giết trong 2 cuộc đọ súng cuối tuần qua. Nga khẳng định, số vũ khí bao gồm 20 quả bom và lựu đạn để chuẩn bị cho một cuộc bạo động, cũng bị phát hiện.
FSB cũng tuyên bố đã triệt phá một đường dây khủng bố, và một trong số những người bị bắt giữ là Evgeny Panov, điệp viên 39 tuổi thuộc cơ quan tình báo quân đội Ukraine (GUR).
Chính quyền Kiev xác nhận Panov mang quốc tịch Ukraine, nhưng từ chối đưa ra bình luận với lý do "bảo mật thông tin".
Tổng thống Poroshenko gọi những lời cáo buộc là "vô lý và đáng nghi", và là "cái cớ để tung ra các đe dọa quân sự nhằm vào Ukraine".
Nga thực sự đang chuẩn bị chiến dịch quân sự chống lại Ukraine từ Crimea?
Ông Putin cảnh báo sẽ không làm ngơ cái chết của 2 quân nhân ở Crimea, trong khi Kiev tin rằng Nga đang "làm như sắp có xung đột", nhưng thực tế không phải vậy. (Ảnh: Reuters)
Khác với 2 năm trước, lực lượng Ukraine hiện nay đã có sự chuẩn bị. Quan trọng hơn, việc đổ bộ qua đường eo biển sẽ mang rủi ro vô cùng lớn khi chỉ có 1 cây cầu và vài điểm giao.
Vùng Donbas vẫn là điểm chiến lược của bất kỳ can thiệp quân sự nào, nhưng liệu Kremlin thậm chí có cân nhắc một nhiệm vụ quân sự không có lợi thế địa lý-chính trị nào, trong khi hai tay vẫn đang bận bịu với cuộc chiến tại Syria?
Ngay cả phía Ukraine cũng không rõ về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Nhắc đến việc Nga xây dựng căn cứ quân sự tại Crimea, Đại tá Andriy Lysenko - phát ngôn viên quân đội Ukraine - khẳng định sẽ có một cuộc công kích.
Nhưng Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov - người có thái độ rất cứng rắn với Moscow, tuyên bố:
"Sẽ không có cuộc chiến tranh nào giữa Nga và Ukraine… Chiến lược của Putin dựa vào thương thuyết với Ukraine về việc trao trả vùng Donbas, miễn là chúng ta từ bỏ nỗ lực giành lại Crimea."
Ngay GUR cũng tỏ ra khá thoải mái mặc dù bị Moscow buộc tội âm mưu khủng bố tại Crimea.
Người phát ngôn của cơ quan này, Vadim Skibitsky, cho biết các động thái từ phía Nga là để chuẩn bị cho kế hoạch tập trận Kavkaz-2016.
Ông này cũng chỉ ra rằng Nga tập trận trước chiến tranh ở Georgia năm 2008. Ông thêm rằng, việc Nga đưa quân đến khu vực Dzhankoy, cách biên giới với Ukraine chỉ 40 km, là hoạt động thường lệ theo chu kỳ 6 tháng.
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã gia hạn lệnh trừng phạt Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine, nhưng một số nước châu Âu tỏ ý muốn giảm nhẹ các biện pháp cấm vận trong tương lai.
Tuy nhiên, chính phủ Ukraine cũng gặp phải cáo buộc không hoàn thành nghĩa vụ trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk, như tổ chức bầu cử địa phương ở Donbas.
Thêm vào đó, phương Tây tỏ ra không hài lòng trước thất bại của chính quyền Poroshenko trong việc chống lại tình trạng tham nhũng đang lan rộng.
Các sự kiện đang diễn ra tại Crimea, theo lời các quan chức tại Kiev, nhiều khả năng là động thái nhằm đưa Kremlin vào vị trí mạnh hơn để chuẩn bị đối phó với chiến dịch ngoại giao nhằm hạ thấp uy tín sắp tới, chứ không dẫn đường cho Ukraine rơi vào chiến tranh.