Tờ New York Times (Mỹ) ngày 12/8 cho hay, một số lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế Australia như nông nghiệp và khai khoáng có sự phụ thuộc nghiêm trọng vào nhu cầu từ thị trường Trung Quốc.
Nhưng năm gần đây, trong khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Australia bị các ông chủ người Hoa nắm quyền kiểm soát, dư luận nước này bắt đầu quan ngại về "cái bóng" ngày càng lớn của kinh tế Trung Quốc lên Canberra.
Tờ Financial Times (Anh) cho biết, quy mô đầu tư của người Trung Quốc vào Mỹ, châu Âu và Australia đã phá vỡ mọi kỷ lục trong quá khứ. Điều này thể hiện rất rõ ưu thế của Bắc Kinh trong vai trò là động lực thúc đẩy phát triển toàn cầu và là nguồn vốn dồi dào hàng đầu.
Nhưng thực trạng này cũng khiến các nhà quản lý Australia lo ngại. Financial Times dẫn lời các chuyên gia phân tích của Australia nhận định, quyết sách về kinh tế và quan hệ Trung Quốc-Australia trong vấn đề biển Đông "không phải là không có liên hệ gì".
Australia đã quyết định sơ bộ từ chối đề nghị mua lại mạng lưới điện Ausgrid của nước này từ tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành và tập đoàn điện lưới nhà nước Trung Quốc State Grid of China.
Bộ trưởng Tài chính Australia Scott Morrison cho biết việc mở đường cho thương vụ diễn ra sẽ là hành động đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia.
Ông Morrison cũng nói các nhà đầu tư chào mua Ausgrid có một tuần để phản hồi.
The Australian, một tờ báo lớn của nước này, đưa tin hôm 12/8 rằng Trung Quốc đang hy vọng và quyết liệt thúc giục Canberra cởi mở hơn trong đầu tư.
Nhưng sau khi cựu Thủ tướng Tony Abbott "mất ghế" vào tay Malcolm Turnbull vào tháng 9/2015, chính phủ mới của Australia dường như có cái nhìn ảm đạm hơn về quan hệ với Bắc Kinh.
Bộ quốc phòng Australia từng phê chuẩn cho doanh nghiệp Trung Quốc thuê cảng nước sâu chiến lược, nhưng Ủy ban thẩm tra đầu tư nước ngoài của chính phủ nước này đã yêu cầu thực thi đợt thẩm tra mới đối với cơ sở hạ tầng quốc hữu.
Việc sơ bộ từ chối thương vụ Trung Quốc mua mạng lưới điện Ausgirid là dấu hiệu mối lo ngại về chính trị và an ninh leo thang trong chính phủ Australia. (Ảnh: Mick Tsikas/AAP)
Các chuyên gia Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) nhận định, so với chính quyền Tony Abbott, chính phủ của Thủ tướng Turnbull cảnh giác hơn nhiều đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.
Peter Jennings, Giám đốc điều hành ASPI, tin rằng mâu thuẫn giữa hai nước trong vấn đề biển Đông đã phần nào làm thay đổi quyết sách của Canberra đối với tiền đầu tư của Bắc Kinh.
"Xuất phát điểm nên là phân tích chiến lược vĩ mô của của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương cùng hoạt động chính trị của nước này có thể đưa đến những ảnh hưởng gì," Jennings nói.
Hãng Reuters (Anh) dẫn lời một quan chức chính phủ Australia giấu tên nói rằng Canberra bác bỏ nhiều đơn xin sáp nhập của doanh nghiệp Trung Quốc phần lớn do e ngại Bắc Kinh "đang trở thành mối đe dọa về địa chính trị".
Nếu mâu thuẫn ở biển Đông giữa Trung Quốc và Australia tiếp tục leo thang, xu hướng phát triển thương mại có thể bị phá vỡ? Mô hình "chính trị lạnh - kinh tế nóng" mà Bắc Kinh quen dùng có tiếp tục được duy trì?
Học giả Thẩm Thế Thuận từ Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế, Trung Quốc hôm 12/8 nhận xét, Australia ngả theo Mỹ trong lĩnh vực an ninh và phối hợp chặt chẽ với Washington về quân sự, do đó Canberra thường tuyên bố quan điểm đối lập với Bắc Kinh về tình hình biển Đông.
Theo ông Thẩm, quan hệ chính trị sẽ ảnh hưởng hợp tác kinh tế. Nếu mâu thuẫn tích lũy lâu dài chắc chắn sẽ tạo thành hậu quả tiêu cực đối với kinh tế và thương mại.
Mới đây, quân đội Australia hé lộ sẽ triển khai các khí tài quân sự để giám sát và thu thập tin tức tình báo từ hải quân Nga và Trung Quốc, khi quân đội hai nước này tiến hành tập trận trên biển Đông vào tháng 9 tới.