Đối với bất kỳ công dân nào, khi có giấy triệu tập của tòa án đến để giải quyết về tội lỗi nào đó thì thực sự là một điều chẳng mấy vui vẻ, thậm chí vô cùng căng thẳng nhưng khi xem xong vụ xét xử "gây bão" trên mạng xã hội này, bạn sẽ suy nghĩ khác.
Thẩm phán Frank Caprio, làm việc tại tòa sơ thẩm ở Providence, tiểu bang Rhode Island, Mỹ, từ lâu đã nổi tiếng khắp xứ cờ hoa vì những màn xét xử "đi vào lòng người" và gây ấn tượng mạnh mẽ. Mặc dù ông chỉ chuyên thụ lý những tội danh nhẹ như đỗ xe trái phép, chạy quá tốc độ… nhưng cách cư xử và phương án xử phạt vừa có lý lại vừa có tình của ông luôn khiến mọi người thoải mái. Thậm chí người ta còn ví ông như "Bao Thanh Thiên nước Mỹ".
Thẩm phán Frank Caprio.
Mới đây, ông đã giải quyết một vụ vi phạm giao thông của cô gái trẻ tên Anika Isaac khiến nhiều cư dân mạng càng thêm phần hâm mộ.
Anika lái xe và vi phạm luật khi điều khiển xe quá tốc độ, vượt đèn đỏ và 3 lần đậu xe qua đêm sai quy định.
Mở đầu phiên xét xử, thẩm phán Frank đã liệt kê lại các lỗi của cô gái. Anika vui vẻ nhận lỗi.
Sau một hồi, Anika kể về hoàn cảnh của mình, thẩm phán Frank hỏi cô tại sao không tìm việc.
Anika nói: "Hiện tại thì cháu không tìm việc. Cháu thậm chí cũng không phải nộp thuế hay nhận bất kỳ khoản hỗ trợ nào cả".
"Cháu đang sống một mình sao?", ông hỏi.
Hình ảnh Anika trong phiên tòa.
Anika đáp: "Cháu đang sống với bố cháu. Và cháu nghĩ đây cũng là một điều tốt của cháu, hiện tại cháu không tìm kiếm việc làm và cũng không có nguồn thu nào cả. Bố mẹ cháu hiện tại cũng không quan trọng đòi hỏi tiền hỗ trợ từ chính phủ, mặc dù nhà cháu cũng cần tiền. Gia đình cháu nghĩ nên để cơ hội đó cho người khác vì họ cần hơn và nếu đến lúc nào đó gia đình cháu thực sự cần thì cả nhà sẽ tính tiếp. Nhưng đối với cháu và gia đình cháu bây giờ, với những thứ mà nhà cháu có thì như vậy là ổn rồi. Vì vậy cháu không cần ra ngoài để kêu gào đòi hỏi sự giúp đỡ nữa".
Thẩm phán Frank tỏ ra bất ngờ: "Chà, đó là một thái độ vô cùng tuyệt vời của một người Mỹ. Tôi muốn khen ngợi cháu vì một thái độ sống rất đặc biệt, sự nhạy cảm và lòng thương người. Đó là điều mà một người Mỹ cần có và đó cũng là điều mà tôi đã dạy cấp dưới của tôi".
Khi được vị thẩm phán đáng kính như vậy khen ngợi, cô nàng Anika Isaac không giấu được sự vui mừng, tự hào mà thốt lên rằng: "Cảm ơn bố của con, Wilner Isaac".
Thẩm phán Frank Caprio tỏ ra ngạc nhiên khi biết rằng đó là lời răn dạy của bố cô gái. Ông nói: "Đây đúng là một gia đình, phải không nào? Những đứa con tiếp thu được lời răn dạy của bố mẹ. Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Gia đình là tế bào của xã hội, cháu thật may mắn vì có được những điều tuyệt vời, được chăm sóc, dạy dỗ và nhận được tình yêu của cha mẹ".
Đến đây, Anika không thể kìm nén được sự xúc động và rơm rớm nước mắt.
Thẩm phán Frank Caprio không ít lần rơi nước mắt trong các phiên tòa ông xét xử.
Anika bị phạt 150 USD (3,4 triệu đồng) nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận vì "cháu sai, cháu xin chấp nhận" và cảnh tượng trong phiên tòa xét xử khiến nhiều người ngỡ ngàng. Vị thẩm phán thì nói bằng giọng nhỏ nhẹ, điềm đạm, ân cần như thể một người ông đang dạy dỗ cháu gái bé nhỏ của mình bài học sống về thái độ với cuộc đời. Còn cô gái có lỗi sai thì vui vẻ nhận lỗi, tỏ ra thoải mái với hình phạt.
Toàn bộ phiên xét xử ngắn được đăng tải trên trang Facebook của chương trình truyền hình thực tế "Caught in Providence" và thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Chỉ tính riêng đoạn video đăng tải trên trang này đã có tới 22.000 lượt thích và hàng ngàn bình luận. Trong đó, cư dân mạng hết lời khen ngợi cô gái trẻ Anika Isaac và cả thẩm phán Frank Caprio, người mà dân Mỹ hết mực yêu mến, kính trọng.
Ông Frank Caprio, sinh ngày 23 tháng 11 năm 1936, là vị thẩm phán ở thành phố Providence, tiểu bang Rhode Island, Mỹ. Ông là một luật sư, chính trị gia và luật gia người Mỹ, giữ chức vụ chánh án thành phố và là cựu Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Rhode Island.
Ông nổi tiếng khi xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế "Caught in Providence", ghi lại những phiên tòa do ông xét xử.
Ông Frank Caprio sinh ra trong một gia đình lao động có ông bà là người nhập cư từ Ý sang Mỹ với 10 người con.
Cách mà ông ứng xử với những người dân vi phạm pháp luật đứng trước tòa chịu ảnh hưởng lớn từ những gì mà cha ông kể lại về hành xử nhân văn của một vị thẩm phán khi ông nội ông bị bắt.
Vào năm 2017, các video quay cảnh phòng xử án của ông đã lan truyền với hơn 15 triệu lượt truy cập. Năm 2020, lượt xem của Caught in Providence đạt gần 300 triệu và một video được chia sẻ trên Pulptastic có 43,6 triệu lượt xem trên YouTube.