Clip gió bão quật ngã người đi xe máy ở Vũng Tàu
Khu vực TP Vũng Tàu trời bắt đầu đổ mưa nặng hạt, gió thổi mạnh.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Gió quật từng cơn
Theo quan sát của phóng viên, từ rạng sáng khu vực TP Vũng Tàu đã có mưa gió nhẹ. Khoảng 7h30. mưa bắt đầu nặng hạt hơn, gió cũng bắt đầu có chièu hướng thổi mạnh. Các con đường, tuyến phố và vùng ven biển đều vắng người qua lại.
Gió rít từng cơn ở Vũng Tàu
Khu vực Bãi Sau và Bãi Trước, gió quật mạnh, dọc bờ biển đã gầm lên tiếng sóng cuộn đập vào bờ.
Xe ô tô của cơ quan chức năng liên tục rảo quanh các con đường để phát tin thông báo cảnh báo bão cho người dân và du khách.
Đến gần 10h, gió bắt đầu thổi mạnh. Người đi đường bị gió quật ngã, không thể chạy xe. Nhiều người phải tấp vội vào mái che ở vỉa hè để trú chân.
Trong cơn bão, có 1 người dân ra thăm... tàu đang neo đậu. Ông cho biết toàn bộ tài sản là chiếc thuyền đánh cá nên dù nguy hiểm cũng phải ra xem tình hình như thế nào.
"Từ năm 2006 tới giờ chúng tôi chưa phải đón nhiều cơn bão lớn. Mong bão số 9 qua nhanh để ngư dân chúng tôi sớm ổn định lại cuộc sống", ông nói.
Gió mạnh khiến người đi xe máy gặp nhiều khó khăn.
Cây xăng được gia cố, đóng cửa không bán trong mưa bão.
Trước đó 1 ngày (24/11), lãnh đạo tỉnh BR-VT đã gõ cửa từng nhà dân ở khu vực nguy hiểm để vận động họ sơ tán đến nơi án toàn.
Ngoài các trụ sở khu phố, phường, xã, trường học, bệnh viện..., thay vì đóng cửa để phòng chống bão thì nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đồng loạt mở cửa để đón người nghèo, người không có chỗ ở, hoặc thuộc diện phải di dời vào tránh trú mưa bão.
Cho đến vào 2h30 cùng ngày, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vận động và cưỡng chế hàng chục ngư dân ở các tàu cá đến nơi tránh bão. Hơn 5.000 tàu đánh cá đã neo đậu ở khu vực an toàn.
TP HCM: Mưa rất to ở huyện Cần giờ
Tại TP HCM, mưa rả rích từ đêm qua, gió cũng thổi nhẹ. Mọi người hạn chế ra đường. Tại huyện Cần Giờ, mưa bắt đầu to, đường phố vắng người qua lại dù đã 9h sáng.
Gió to, sóng lớn ở Cần Giờ
Lúc 10h ngày 25/11, tại chợ Cần Giờ, mưa lớn gió giật rất mạnh, nhiều tiểu thương trong chợ lo chạy bão. Nhiều nhà dân che chắn sơ sài nên sáng nay họ phải trèo lên để làm lại tránh gió thổi bay.
Thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) trời nổi gió kèm mưa to. Một số người đi đường bị gió bão quật ngã, các phương tiện phải mơ đèn vì tầm nhìn hạn chế.
Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, huyện vẫn đang khẩn trương đối phó với cơn bão số 9 có thể đổ bộ vào TP.HCM. Hiện tại các lãnh đạo địa phương vẫn theo dõi sát sao về cơn bão, không lơ là trong việc phòng, chống bão số 9.
Nhiều nhánh cây khô, thùng rác bị gãy, hất tung ngã đổ trên đường Duyên Hải, thị trấn Cần Thạnh.
Sáng 25/11, UBND huyện Cần Giờ có văn bản khẩn gửi tới UBND xã thị trấn, các đơn vịkiểm soát quản lý, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trên trên địa bàn.
Công văn ghi rõ, theo dự báo, diễn biến cơn bão số 9 phức tạp, khó đoán và có khả năng ảnh hưởng nguyên hiểm đến huyện Cần Giờ.
UBND huyện yêu cầu UBND xã, thị trấn, Đồn Biên phòng Cần Thạnh, Long Hòa, Thạnh An…nghiêm túc thực quản lý và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Cùng với đó, các đơn vị tăng cường tục trực 24/24 ứng phó với bão số 9, báo cáo kịp thời về ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trường những trường hợp phát sinh. Tại huyện Cần Giờ từ 22h hôm qua đến sáng nay có mưa rất lớn và gió giật mạnh.
Các tỉnh miền Tây: Tiền Giang, Bến Tre có mưa nhiều nơi, gió thổi mạnh
Sáng 25/11, tại các huyện ven biển Tiền Giang, Bến Tre mưa rải rác nhiều nơi, gió bắt đầu thổi mạnh.
Các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre là Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, lực lượng chức năng đã tiến hành di dời, sơ tán 24.000 hộ dân đến nơi an toàn.
Tính đến tối 24/11, lực lượng chức năng trong tỉnh đã liên lạc tổng số 3.106 phương tiện hoạt động trên biển, với 17.536 người. 1.246 phương tiện đang neo đậu tại khu vực an toàn.
Theo lãnh đạo tỉnh Bến Tre, hiện nay các tàu thuyền đã được tập kết về nơi tránh bão, đảm bảo an toàn.
Trong sáng 25/11, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cùng lực lượng chức năng đã kiểm tra các bến phà, nơi neo tàu thuyền tại thị xã Gò Công, Tân Phú Đông và huyện Chợ Gạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão, rà soát lại các phương án để chủ động ứng phó kịp thời với cơn bão số 9. Trong sáng nay, tại các huyện ven biển Tiền Giang trời mưa nhẹ, nhiều nơi gió thổi mạnh.
Tại huyện Tân Phú Đông, từ tối hôm qua, chính quyền địa phương đã yêu cầu ngưng hoạt động tại các bến đò, bến phà để đảm bảo an toàn cho người dân và sơ tán 3.139 người ngoài đê đến nơi tránh, trú an toàn và chằng chống 687 căn nhà thô sơ.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã trực tiếp kiển tra thực tế tại khu vực người dân sơ tán tránh bão tại huyện Gò Công Đông. Chính quyền địa phương đã kêu gọi 860 phương tiện vào bờ hoặc tránh ra vùng nguy hiểm, 640 nhà được chằng chống, 1.240 hộ dân ngoài đê được sơ tán đến nơi an toàn.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 9, ở Phan Thiết, Vũng Tàu đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to cho khu vực Trung Bộ (200-300mm).
Trong 3 giờ qua, bão số 9 hầu như ít di chuyển và có cường độ suy giảm.
Hồi 10h ngày 25/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 90km.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5-10km, như vậy trưa nay sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 25/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực biên giới các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Cam-pu-chia.Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
TP.HCM: Ngày và đêm nay (25/11) có mưa rất to (100-200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8 giật cấp 10. Biển động mạnh. Sóng trên biển cao từ 2-4m, vùng gần tâm bão cao 4-5m. Ven biển từ Vũng Tàu tới Cà Mau đề phòng nước biển dâng cao do triều cường kết hợp với nước dâng do bão.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; riêng vùng ven biển Nam Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh có gió giật cấp 6-7. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50-100mm.
Từ đêm nay (25/11) đến đêm 27/11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày).
Cảnh báo lũ: Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.